Ngành tỷ đô giúp Việt Nam vững vàng ngôi "á quân" thế giới

Mặt hàng xuất khẩu chủ lực đem về hàng chục tỷ USD mỗi năm giúp Việt Nam vững vàng ở vị trí thứ hai thế giới.
Sputnik
Đáng chú ý, gần nhất, Indonesia cũng mong muốn có thể cạnh tranh được với Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu này.

Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu giày dép

Việt Nam đang xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép với lượng xuất khẩu ước tính chiếm đến 10% của thế giới.
Sản lượng xuất khẩu giày dép của Việt Nam hiện chỉ đứng sau Trung Quốc.
Dữ liệu thống kê vừa công bố của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2023, xuất khẩu giày dép của Việt Nam đạt 20,2 tỷ USD.
Bất chấp lượng xuất khẩu mới nhất giảm 15,3% so với năm 2022 nhưng vẫn thuộc nhóm cao trên thế giới.
Tính từ năm 1998 thì đây đã là năm thứ 26 liên tiếp giày dép xuất khẩu luôn nằm trong “câu lạc bộ” nhóm các mặt hàng tỷ USD và nằm trong nhóm có kim ngạch cao của Việt Nam.
Theo dữ liệu của World Footwear Yearbook và Bộ Công Thương, trong năm 2020, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu giày vải lớn nhất thế giới về giá trị, vượt xa Trung Quốc.
Thống kê cũng chỉ ra, mặt hàng giày dép của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 150 thị trường trên thế giới, trong đó, tập trung ở những thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh…
Tính chung, trong tổng số kim ngạch xuất khẩu dệt may 40,450 tỷ USD năm 2023, thị trường Mỹ chiếm đến 47%, tiếp theo là Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Thống kê về thị trường nhập khẩu, nhà chức trách cho biết, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Bỉ lần lượt là 3 thị trường lớn nhất của giày dép Việt Nam.
Dự báo mới về kinh tế Việt Nam
Chỉ tính trong năm 2023, Mỹ đã chi hơn 7,1 tỷ USD nhập khẩu giày dép từ Việt Nam, dù lượng giày đã giảm 25,5% so với năm 2022.
Trung Quốc là thị trường đứng thứ 2, đạt 1,8 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2022.
Đứng thứ 3 là thị trường Bỉ với hơn 1,2 tỷ USD, giảm 26% so với năm trước.
Do năm 2023 là một năm nhiều khó khăn đối với ngành giày dép Việt Nam, nên Trung Quốc là một trong những thị trường hiếm hoi duy trì mức tăng trưởng dương.
Đà xuất khẩu giảm và đơn hàng ít đi là do từ các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản bị suy giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng suy giảm, đặc biệt số lượng các mặt hàng tồn kho khá lớn.

Quyết tâm giữ vị trí nhóm đầu thế giới

Dự kiến trong năm 2024, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023.
Bất chấp còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng da giày đang được xác định là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có sản phẩm chất lượng, cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Mục tiêu của ngành da giày, đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách đạt 38-40 tỷ USD.
Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam từ nay đến 2030, tầm nhìn 2035 cũng chỉ rõ, ngành dệt may được xác định là một trong các ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước; có sản phẩm chất lượng, cạnh tranh trên thị trường thế giới, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước; giữ vững vị trí trong nhóm các quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dệt may hàng đầu thế giới.
Giá gạo Việt xuất khẩu cao nhất thế giới: Không phải ăn may
Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam có thể tiếp tục đối diện nhiều khó khăn khi các yếu tố về địa chính trị sẽ tác động tới bức tranh xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành; chi phí đầu vào, cước vận tải và logistics tăng cao, trong khi nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng chưa thiết yếu vẫn hồi phục chậm.
Tuy vậy, ngành dệt may Việt Nam vẫn có những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh. Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Việt Nam là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga.
"Đặc biệt, Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 được Chính phủ phê duyệt mới đây sẽ là nền móng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sợi - dệt - nhuộm, tạo cơ hội cho ngành dệt may tận dụng ưu đãi từ các hiệp định", - ông Giang nói với báo Công Thương.
Lãnh đạo VITAS đề nghị tiếp tục đa dạng hóa thị trường, khách hàng và mặt hàng. Vị chuyên gia cũng lưu ý, doanh nghiệp dệt may Việt Nam muốn tham gia cuộc chơi toàn cầu sẽ buộc phải tự đổi mới, minh bạch hơn trong sản xuất cũng như bảo đảm sản phẩm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm các yếu tố phát triển xanh.
Ngoài ra, phải đầu tư về công nghệ, tự động hóa và dây chuyền thích ứng giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ, chất lượng cao, tập trung cho giải pháp công nghiệp thời trang.

Indonesia mong được như Việt Nam

Theo TTXVN dẫn cơ sở dữ liệu của Cơ quan quan sát độ phức tạp kinh tế (OEC), xuất khẩu giày dép của Indonesia sang thị trường châu Âu chỉ bằng một phần nhỏ của Việt Nam. Điển hình, năm 2021, Indonesia xuất khẩu giày dép trị giá 5,8 tỷ USD. Do đó, chính quyền Indonesia muốn sớm đạt được thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU) với hy vọng nước này có thể cạnh tranh với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu giày dép.
Xuất khẩu là điểm sáng của kinh tế Việt Nam
Hiện nay, Indonesia và EU vẫn đang đàm phán FTA, khiến các sản phẩm giày dép của Indonesia phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu 20% khi xuất khẩu sang châu Âu cũng như Mỹ.
Indonesia đã trải qua 16 vòng đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với EU từ năm 2016 đến nay. Theo dự kiến, vòng đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào tháng tới trong khi Chính phủ Indonesia muốn kết thúc các cuộc đàm phán CEPA trong năm nay nhằm giúp Indonesia nhanh chóng tiếp cận thị trường EU.
Giày dép là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường châu Âu. Cơ sở dữ liệu của Cơ quan quan sát độ phức tạp kinh tế (OEC) xếp các thành viên EU là Đức và Bỉ vào top 5 điểm đến xuất khẩu giày dép hàng đầu của Việt Nam vào năm 2021.
Thảo luận