Trước đó, tờ Financial Times của Anh dẫn nguồn đưa tin các nước phương Tây đang xây dựng kế hoạch phát hành giấy nợ (IOU) để hỗ trợ tài chính cho Ukraina, trong đó sử dụng tài sản của Nga làm nguồn hỗ trợ trả nợ.
Như Bloomberg lưu ý, theo kế hoạch này các đồng minh của Kiev có thể bán “nợ” để góp phần phục hồi Ukraina trong đó sử dụng số tài sản bị đóng băng của Nga làm tài sản thế chấp.
"Những người ủng hộ quyết định này cho rằng bất kỳ giải pháp tháo gỡ xung đột nào phù hợp với luật pháp quốc tế đều sẽ dẫn đến việc Nga sẽ có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại <...> cho Ukraina. Nếu Nga từ chối, các yêu cầu bồi thường có thể được đưa ra đối với tài sản bị phong tỏa”, - các nguồn tin giấu tên nói với hãng tin.
Kế hoạch này dự kiến lập ra một phương tiện đặc biệt có thể phát hành trái phiếu không lãi suất (không trả lãi thường xuyên nhưng được bán với giá chiết khấu sâu so với mệnh giá) được hỗ trợ bằng tài sản thế chấp, một nguồn tin nói với Bloomberg. Cần lưu ý rằng “hệ thống phân cấp tài sản thế chấp” (tài sản lưu động mà người vay tiền cung cấp cho người cho vay như một sự đảm bảo trả nợ) sẽ được thiết lập. Nó sẽ sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mạng lưới các tổ chức tài chính cũng như ngân hàng của Euroclear.
Hãng thông tấn trích dẫn các nguồn tin cho biết cuộc thảo luận về kế hoạch này vẫn đang diễn ra ở cấp độ kỹ thuật và chưa có quyết định chính trị nào được đưa ra. Một nguồn tin nói với Bloomberg rằng đối với quyết định này có một số nước tham gia thảo luận muốn "tiến hành nhanh hơn" các nước khác.
Vào ngày 29/1, đại diện thường trực của các nước thành viên EU đã nhất trí về đề xuất của Ủy ban châu Âu về việc sử dụng thu nhập từ tài sản bị phong tỏa của Nga ở các nước EU. Như một nhà ngoại giao châu Âu giải thích trước đó, EC đề xuất lưu thu nhập nhận được từ tài sản bị phong tỏa của Nga trong các tài khoản đặc biệt để có thể sử dụng trong tương lai nhằm tài trợ cho Ukraina. Ở giai đoạn này chưa có cuộc thảo luận nào về việc chuyển số tiền này sang ngân sách EU hoặc trực tiếp cho Ukraina. Cơ chế chuyển tiền vẫn chưa được xây dựng.
Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch đặc biệt ở Ukraina, EU và các nước G7 đã đóng băng gần một nửa dự trữ ngoại hối của Nga với số tiền khoảng 300 tỷ euro. Khoảng 200 tỷ euro nằm ở EU, chủ yếu trong tài khoản Euroclear của Bỉ - một trong những hệ thống thanh toán bù trừ lớn nhất thế giới. Vào cuối tháng 10, cơ quan lưu ký quốc tế Euroclear báo cáo rằng trong 9 tháng năm 2023 họ đã kiếm được khoảng 3 tỷ euro tiền lãi khi đầu tư vào các tài sản bị trừng phạt của Nga.
Các nhà lãnh đạo EU vào tháng 10 năm ngoái đã chỉ thị cho Ủy ban châu Âu sạn lập đề xuất sử dụng tài sản bị phong tỏa để tài trợ cho việc tái thiết Ukraina. Gần đây trong bối cảnh có sự chia rẽ về thỏa thuận 50 tỷ euro hỗ trợ tài chính vĩ mô cho Kiev giai đoạn đến năm 2027, cuộc thảo luận về việc sử dụng thu nhập từ tài sản của Nga cho mục đích này một lần nữa lại được dấy lên trong EU.