Trước đó, như Sputnik thông tin, tại hội nghị bất thường ngày 31/1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý để ông Trần Tuấn Anh thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo nguyện vọng cá nhân.
Ông Trần Tuấn Anh thôi làm Đại biểu Quốc hội
Chiều 5/2 cho hay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho ông Trần Tuấn Anh thôi làm đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Khánh Hòa.
Như đã biết, ông Trần Tuấn Anh nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Kinh tế Trung ương khóa XIII.
Theo nghị quyết mới ban hành của Quốc Hội, ông Trần Tuấn Anh sẽ thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Khánh Hòa kể từ hôm nay 5/2.
Quyết định được đưa ra sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp để xem xét, cho ý kiến về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Trần Tuấn Anh thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, đơn vị bầu cử số 01 tỉnh Khánh Hòa.
Báo Điện tử Đài tiếng nói Việt Nam VOV dẫn thông tin từ Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết:
"Kết quả biểu quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp hôm nay (5/2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 972/NQ-UBTVQH15 về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Trần Tuấn Anh thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa".
Ông Trần Tuấn Anh đã có đơn xin thôi ĐBQH
Trước đó, ông Trần Tuấn Anh nằm trong số 17 Ủy viên Bộ Chính trị trúng cử ĐBQH khoá XV. Tỷ lệ trúng cử ĐBQH của ông Trần Tuấn Anh ở Khánh Hoà đạt 74,52% số phiếu hợp lệ.
Việc ông Trần Tuấn Anh thôi làm đại biểu Quốc hội không gây bất ngờ. Theo đó, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được đưa ra dựa trên căn cứ trên ý kiến của Bộ Chính trị ngày 31/1 và ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa, cùng đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội của ông Trần Tuấn Anh ngày 30/1.
Cụ thể, Tổng Thư ký Quốc hội cũng nêu rõ, việc xem xét, quyết định nêu trên căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quyết định này cũng căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14; căn cứ Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 29/2022/UBTVQH15 ngày 12/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị tại Công văn số 9140-CV/VPTW ngày 31/01/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng về công tác nhân sự; Căn cứ ý kiến của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Công văn số 7518/MTTW-ĐCT ngày 01/02/2024, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa tại Công văn số 1974/MTTQ-BTT ngày 01/02/2024, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa tại Công văn số 14/ĐĐBQH ngày 01/02/2024.
Cùng với đó, quyết định này được đưa ra dựa trên việc xét Đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội của ông Trần Tuấn Anh ngày 30/01/2024 và Căn cứ Tờ trình số 16/TTr-BCTĐB ngày 02/02/2024 của Ban Công tác đại biểu.
Ông Trần Tuấn Anh thôi Uỷ viên Bộ Chính trị và nghỉ hưu
Như Sputnik đã thông tin, trước đó, tại Hội nghị bất thường hôm 31-1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất đồng ý để ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Trưởng ban Kinh tế Trung ương thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.
Quyết định này dựa theo "nguyện vọng cá nhân" của ông Trần Tuấn Anh.
Thông cáo được phát đi sau đó của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu rõ, ông Trần Tuấn Anh là cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị tín nhiệm phân công giữ một số chức vụ lãnh đạo quan trọng.
Trên cương vị Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2016 - 2021, ông Trần Tuấn Anh được ghi nhận "đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành công tác của ngành Công Thương đạt kết quả quan trọng".
Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh cũng chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để xảy ra nhiều vi phạm tại Bộ Công Thương, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật đảng, hành chính.
"Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, Đồng chí đã có Đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu", - Trung ương Đảng cho biết, căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của cá nhân, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Trần Tuấn Anh thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Như vậy, tính từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 (tháng 1/2021) đến nay, Việt Nam đã có ba Ủy viên Bộ Chính trị thôi tham gia nhiệm kỳ (gồm các đồng chí Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc và Trần Tuấn Anh (sắp xếp theo thời gian thôi nhiệm vụ - PV). Bộ Chính trị hiện còn 15 Ủy viên.
Tiểu sử và quá trình công tác của ông Trần Tuấn Anh
Ông Trần Tuấn Anh sinh ngày 6/4/1964, quê xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi và có trình độ là tiến sĩ kinh tế, cử nhân ngoại giao.
Ông Trần Tuấn Anh từng là Ủy viên Trung ương khóa 12, 13; Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13; đại biểu Quốc hội khóa 14, 15.
Ông Trần Tuấn Anh được đào tạo rất bài bản và kinh qua nhiều nhiệm vụ, cương vị công tác khác nhau như Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh; Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ).
Ông được giao giữ chức Bộ trưởng Công Thương trong 5 năm, từ tháng 4/2016. Tháng 2/2021, ông Trần Tuấn Anh được Bộ Chính trị phân công giữ chức Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Tại kỳ họp 35 hồi đầu tháng 1 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật đồng chí Trần Tuấn Anh cùng các đồng chí Trịnh Đình Dũng (nguyên Phó thủ tướng Chính phủ), Mai Tiến Dũng (nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) do các vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, nhiệm kỳ ông Trần Tuấn Anh là Bộ trưởng.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận hồi tháng 12/2023 cho biết, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Công Thương và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Các vi phạm xảy ra trong công tác tham mưu, ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió; thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh; tham mưu, ban hành cơ chế kinh doanh, điều hành nguồn cung ứng, cấp phép kinh doanh xăng, dầu; quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá; lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức đấu thầu, thực hiện các dự án/gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) thực hiện; nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, xử lý hình sự.
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ, những vi phạm nêu trên "gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, nguy cơ thiệt hại rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước, lãng phí nguồn lực xã hội, dư luận bức xúc".
Sau đó, ngày 27/1, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật khiển trách các đồng chí Trịnh Đình Dũng, Mai Tiến Dũng.
Cùng với đó, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban cán sự đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2016 - 2021; khiển trách Ban cán sự đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2021 - 2026; quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với các ông Đỗ Thắng Hải, Hoàng Quốc Vượng.