Dù được bày biện như thế nào, điều quan trọng nhất vẫn là lòng hiếu thảo, sự thành tâm của con cháu đối với ông bà, tổ tiên, thể hiện uống nước nhớ nguồn trong những ngày đầu năm.
Mâm ngũ quả không thể thiếu trong dịp Tết
Theo quan niệm của người Việt, mâm ngũ quả tượng trưng cho 5 yếu tố của Ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, là những yếu tố cấu thành nên vũ trụ. Đó cũng là lý do mà mâm ngũ quả thường có 5 loại trái cây với tên gọi khác nhau, màu sắc khác nhau.
Còn theo đạo Phật, 5 màu quả tượng trưng cho ngũ thiện căn, bao gồm: Huệ căn (sáng suốt), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), tấn căn (ý chí kiên trì) và tín căn (lòng tin).
Trong khi đó, Vietnamnet dẫn lời nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Hà Nội) cho rằng, người xưa dựa trên quy luật “sinh - lão bệnh - tử”, từ đó chọn ra con số 5, ứng với chữ “sinh” để bày biện mâm ngũ quả ngày Tết.
“Ngũ tức là 5, ứng với chữ “sinh”, mang ý nghĩa sinh sôi nảy nở, mùa màng tốt tươi, tài lộc dồi dào. Mâm ngũ quả còn thể hiện mong cầu đoàn viên, sung túc. Việc lựa chọn các loại quả bày lên mâm ngũ quả tùy thuộc vào quan niệm văn hóa, cũng như đặc trưng vùng miền. Số lượng quả không giới hạn nhưng chỉ gói gọn trong 5 loại”, báo Vietnamnet dẫn lời nghệ nhân Ánh Tuyết.
Mâm ngũ quả 3 miền
Theo nghệ nhân, mâm ngũ quả của miền Bắc, mà đặc trưng nhất là Hà Nội, phải có nải chuối xanh, bưởi hoặc cam, quất, hồng xiêm…
Nải chuối xanh xếp ở phía dưới để đỡ lấy những loại quả khác. Ở giữa nải chuối, người ta đặt lên một quả bưởi căng mọng, rồi xếp thêm các loại quả nhỏ hơn như: cam, hồng xiêm, lựu…
Trong khi đó, ở miền Trung và miền Nam, người dân sẽ có những loại quả khác nhau bày trên mâm ngũ quả. Tuy vậy, đa số người miền Trung và miền Nam thưởng không quá khắt khe trong việc bài trí mâm ngũ quả, có gì cúng nấy.
Chẳng hạn, người miền Trung thường bày biện trang trí mâm ngũ quả khá đơn giản, với quả dứa đặt cao nhất, xung quanh có thể bày thêm xoài, thanh long, táo, nho, quýt…
Mâm ngũ quả miền Trung gần giống với mâm ngũ quả miền Bắc, sử dụng các loại quả to nặng đặt ở giữa, rồi dùng các loại quả nhỏ hơn như: quýt, táo, nho, xoài… chèn vào sao cho đẹp mắt, đủ loại.
Trong khi đó, người miền Nam có truyền thống bày mâm ngũ quả với mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài dựa theo mong ước "cầu sung (túc) vừa đủ xài".
Cách bày mâm ngũ quả cũng bắt đầu với những quả lớn như: mãng cầu, đu đủ, dừa… được đặt bên dưới. Tiếp đến, các quả nhỏ sắp lên trên, sao cho hợp lý để có hình dạng như ngọn tháp. Bên cạnh đó, người miền Nam cũng còn có thói quen chưng thêm cặp dưa hấu trên ban thờ cùng mâm ngũ quả.
Theo nghệ nhân Ánh Tuyết, ngày nay, hàng hóa được thông thương dễ dàng giữa 3 miền Bắc – Trung – Nam, thậm chí còn trao đổi hàng hóa với nước ngoài. Do đó, các loại hoa quả ngày càng phong phú, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn.
“Hiện nay, nhiều gia đình có điều kiện còn mua cả trái cây ngoại để chưng mâm ngũ quả. Vì vậy, tùy hoàn cảnh gia đình, mọi người có thể thoải mái lựa chọn loại quả yêu thích, trước cúng ông bà tổ tiên, sau thì thụ lộc”, nghệ nhân tư vấn.
Làm sao bảo quản mâm ngũ quả tươi lâu?
Để bảo quản mâm ngũ quả được tươi lâu, đầu tiên phải chú trọng khâu chọn quả. Nếu chọn quả không đạt chất lượng thì dù kỹ thuật bảo quản có chuẩn đến đâu cũng không giữ được quả thơm ngon trong thời gian dài.
Với mỗi loại quả, cần có sự hiểu biết và kỹ thuật chọn riêng nhưng dựa trên nguyên tắc chung. Trước hết, quả phải tươi ngon, không xây xát. Có thể kiểm tra bằng cách cấu vào cuống và ngửi. Nếu cuống có mùi thơm, có tinh dầu nghĩa là quả tươi và không chất bảo quản.
Quả chín vàng và cầm chắc tay. Không nên chọn những quả xanh và nắn mềm tay là quả non, được thu hái sớm để cất giữ được lâu. Những quả chín vàng, rắn là quả dưới gốc nên ngon, ngọt hơn...
Sau khi mua về, không nên rửa ngay khiến nước đọng nhiều trong các loại quả gây hỏng nhanh. Chỉ nên dùng khăn giấy ẩm lau sạch. Riêng bưởi có thể hòa chút nước vôi, thấm vào khăn và lâu để vỏ bưởi được bóng đẹp, tránh bị ố vàng.
Nên lựa chọn các quả còn xanh nếu chọn vào ngày 27, 28 tháng Chạp Âm lịch. Nếu không vội, có thể chọn các loại quả vào ngày 29, 30 tháng Chạp âm lịch và bày lên bàn thờ để giúp mâm ngũ quả đẹp, tươi vào những ngày Tết.