HSBC: Tháng 1 là khởi đầu "hanh thông" cho sự phục hồi kinh tế của Việt Nam

HÀ NỘI (Sputnik) - Ngày 7/2, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC công bố báo cáo "Vietnam at a glance": “Bắt mạch” người tiêu dùng, cho thấy Việt Nam tiếp tục chứng xuất khẩu tăng mạnh tới 42% nhờ ngành hàng điện tử.
Sputnik
Theo đó, HSBC nhận định sau một năm Quý Mão đầy thử thách, bối cảnh của Việt Nam được dự báo sẽ tốt lên trong năm Giáp Thìn.
Theo Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC, Việt Nam đã khởi đầu năm 2024 bằng những dấu hiệu phục hồi kinh tế vững vàng. Nhìn chung, tháng 1 thực sự là một khởi đầu "hanh thông" cho sự phục hồi kinh tế của Việt Nam. Kể cả khi đã tính tới hiệu ứng cơ sở, xuất khẩu đã bật trở lại với tốc độ đáng kinh ngạc, minh chứng bằng kim ngạch thương mại ổn định.
Đáng chú ý, xuất khẩu tăng với tốc độ kinh ngạc là 42% so với cùng kỳ năm trước, nhờ phục hồi ổn định trong xuất khẩu hàng điện tử. Sắp tới, số lượng đặt hàng trước dòng điện thoại Samsung Galaxy S24 mới ở mức cao cũng phần nào giúp tình hình thêm lạc quan.
Tuy nhiên, sự lạc quan không chỉ giới hạn trong ngành hàng điện tử khi xuất khẩu đang ghi nhận mức tăng trưởng cao trên diện rộng. Những ngành hàng đã phải hứng chịu tình cảnh trì trệ trong năm 2023 như dệt may, máy móc và đồ gỗ đã bắt đầu tăng trưởng đáng kể trở lại. Dẫu vậy, chuyên gia HSBC vẫn lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần cẩn trọng trong giai đoạn phục hồi thương mại sơ khởi này.
Cũng theo HSBC, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng Một cho thấy sự lạc quan một cách thận trọng nhất định. Điều đáng khích lệ là chỉ số PMI cuối cùng cũng trở lại mức trên 50 sau 5 tháng bị giảm. Dù vậy, đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu mới tiếp tục gia tăng mạnh nhưng vẫn chưa đủ để kích thích các doanh nghiệp gia tăng tuyển dụng. Đặc biệt, tình hình giao hàng bị chậm càng khiến áp lực chi phí của nhà sản xuất tăng lên, nhắc nhở về mối rủi ro do gián đoạn Biển Đỏ vẫn còn kéo dài.
Thêm nữa, lạm phát vẫn trong vòng kiểm soát, trong đó lạm phát chính trong tháng Một giảm nhẹ xuống 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát năm 2024 của Chính phủ là 4%-4,5%, vẫn còn những rủi ro tăng lạm phát đáng chú ý không thể xem nhẹ.
Việt Nam năm 2024: Kinh tế lạc quan hơn nhưng nội lực đã bị bào mòn
Các chuyên gia HSBC đánh giá, một nguyên do là Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những biển động trên thị trường hàng hóa thế giới. Trong khi lạm phát vận tải đã ổn định trong những tháng gần đây, lạm phát "nhà ở và vật liệu xây dựng" bao gồm lạm phát điện, đã chứng kiến giá cả tăng cao, khả năng còn tăng thêm nữa. Xét cho cùng, những căng thẳng về nguồn cung năng lượng trong nước và chi phí đầu vào gia tăng đã buộc Bộ Công thương đề xuất tăng giá điện lần nữa trong năm nay, sau hai đợt tăng giá hồi tháng 11/2023 và tháng 5/2023, để tháo gỡ những khó khăn tài chính cho Tập đoàn điện lực Việt Nam.
Bên cạnh năng lượng, giá thực phẩm tiếp tục cần đặt trong tầm ngắm, đặc biệt là do những diễn biến của hiện tượng El Niño ở Đông Nam Á. Như đã từng đề cập, giá gạo trong nước của Việt Nam đã tăng cùng với giá gạo thế giới, đẩy lạm phát gạo lên. Mặc dù gạo chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng CPI của Việt Nam (chưa tới 3,7%) và giá thịt heo tiếp tục giúp kiểm soát lạm phát thực phẩm, thực phẩm thiết yếu cũng là một điểm quan trọng đối với dự báo lạm phát.
“Nhìn chung, tháng Một thực sự là một khởi đầu "hanh thông" cho sự phục hồi kinh tế của Việt Nam mặc dù cần thận trọng với những rủi ro liên quan,” chuyên gia HSBC nhận định.
Bất chấp những thách thức mang tính chu kỳ trong ngắn hạn, HSBC tin rằng những xu hướng cơ cấu còn tiếp tục hứa hẹn đối với Việt Nam.
Với sự phát triển ấn tượng trong vòng 20 năm qua, sự gia tăng nói chung về tài sản đã thúc đẩy xu hướng tiêu dùng mạnh hơn, kích thích sự chuyển dịch sang hàng hóa và dịch vụ không thiết yếu.
Xem xét xu hướng chi tiêu không thiết yếu, ngân hàng này nhận thấy số lượng mua ô tô đang dần tăng lên. Dấu hiệu rõ rệt cho thấy sức mua tiêu dùng gia tăng chính là xu hướng mua hàng khác biệt giữa xe SUV so với xe sedan, trong đó, xe SUV nói chung đắt hơn xe sedan.
Tuy nhiên, đây không phải hiện tượng mới xuất hiện gần đây. Thực tế, thu nhập bình quân đã tăng nhanh hơn mức chi tiêu trong những năm qua, giúp trợ lực cho tiêu dùng gia tăng.
Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu mới nổi đã thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp quốc tế tìm kiếm cơ hội sinh lời nhờ nhu cầu gia tăng chi tiêu của người Việt Nam.
Dòng FDI từ Nhật Bản đổ vào lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ tài chính đã tăng mạnh chính là một ví dụ đáng chú ý. Mặc dù tài sản của người dân đang gia tăng, gần 80% dân số vẫn chưa hoặc tiếp cận dịch vụ ngân hàng chưa đầy đủ, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (Asian Development Bank - ADB).
Dự báo mới về kinh tế Việt Nam
Dữ liệu về Tài chính Toàn diện mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng minh chứng cho điều này, cho thấy Việt Nam sở hữu tiềm năng đáng kể để phát triển các kênh cho vay chính thống, vốn vẫn đang trong giai đoạn mới phát triển.
Mặc dù tiềm năng sáng sủa, HSBC cũng lưu ý những rủi ro liên quan. Vấn đề chính cần lưu tâm là nợ của hộ gia đình gia tăng.
Mặc dù tiềm năng có vẻ sáng sủa, chúng ta cần lưu ý những rủi ro liên quan. Vấn đề chính cần lưu tâm là nợ của hộ gia đình gia tăng. Đòn bẩy tiêu dùng gia tăng không bền vững có thể tạo ra những rủi ro, cũng như ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng trong tương lai do phải cắt thêm thu nhập để trả nợ.
Điều may mắn là Chính phủ đã triển khai một loạt các biện pháp hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và hộ gia đình trong năm 2023, chẳng hạn như gia hạn thời gian giảm thuế, cắt giảm lãi suất và gia hạn thời gian trả nợ.
Thảo luận