Đất "đứng", chứng khoán biến động khiến người Việt giảm mua ô tô

Doanh số bán ô tô tại Việt Nam giảm mạnh nhất khu vực ASEAN trong bối cảnh kinh tế chung gặp khó, các ngành nghề như bất động sản, địa ốc, ngân hàng, chứng khoán biến động, tiêu dùng hạn chế hơn.
Sputnik
Năm 2023, tình chung 7 thị trường chính ở Đông Nam Á bán được tổng cộng hơn 3,35 triệu xe, giảm 2,1%. Trong đó, thị trường ô tô Việt Nam sụt giảm mạnh nhất nhóm này, lên tới 25%.
Theo đó, cả Indonesia và Thái Lan đều ghi nhận giảm doanh số bán ô tô giảm nhẹ trong năm qua, lần lượt là 4% và 8,1%. Trong khi đó, Việt Nam là thị trường có mức sụt giảm doanh số lớn nhất, với mức giảm khoảng 25%.

Doanh số ô tô Việt Nam giảm mạnh

Báo Giao thông dẫn nguồn Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Đông Nam Á (AAF) cho biết, 7 thị trường chính ở Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Singapore, Myanmar bán ra tổng cộng hơn 3,35 triệu xe trong năm 2023, giảm nhẹ 2,1% so với 2022.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô thành viên của AAF, riêng Việt Nam không bao gồm lượng bán của Hyundai Thành Công, đơn vị bán xe Hyundai. Trong khi đó, VinFast chỉ công bố số liệu tổng toàn cầu, ở mức 34.855 xe.
Không tính đến Myanmar (giảm 52,5%) là nước có quy mô doanh số nhỏ, chưa đến 4.000 xe trong năm qua, thì hai thị trường hàng đầu là Indonesia và Thái Lan đều ghi nhận mức doanh số giảm nhẹ, lần lượt là 4% và 8,1%. Trong khi đó, Việt Nam là thị trường sụt giảm doanh số lớn nhất với mức giảm lên tới 25%.
Nếu tính cả doanh số Hyundai Thành Công, lượng xe mới tiêu thụ ở Việt Nam đạt 369.431 xe, xếp thứ năm Đông Nam Á, sau Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines. So với các năm trước, doanh số xe mới của Việt Nam tụt xuống một bậc, bị thay thế bởi Philippines.
Thị trường ô tô Việt Nam có một năm 2023 đầy biến động với doanh số giảm sâu so với kỷ lục hơn 500.000 chiếc thiết lập năm 2022. Khó khăn của kinh tế vĩ mô, lãi suất ngân hàng duy trì ở mức cao, các ngành nghề như bất động sản, chứng khoán gặp khó, dẫn đến nhu cầu mua sắm ô tô của người dân bị kéo giảm theo.
Ở Việt Nam, các hãng xe cũng đã cố gắng kích cầu bằng cách ra mắt hàng loạt mẫu mã mới cùng nhiều chương trình khuyến mãi. Từ tháng 7/2023, Chính phủ đã một lần nữa triển khai chương trình ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp. Tuy vậy, điều này vẫn không thể giúp doanh số của thị trường tăng trưởng dương.
Xe điện tăng trưởng mạnh và “áp lực” của hãng xe điện Việt Nam VinFast

Indonesia vững vàng "ngôi vương"

Malaysia cùng với Philippines là hai quốc gia Đông Nam Á duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng dương trong năm qua. Trong đó, doanh số của Philippines là 429.807 chiếc, tăng đến 21,9%, cao nhất khu vực.
Đáng chú ý, Malaysia gây bất ngờ khi lần đầu tiên vượt qua Thái Lan để trở thành thị trường bán xe mới nhiều thứ hai khu vực.
Trong khi đó, theo Thailand Business News, Thái Lan ghi nhận doanh số sụt giảm do các ngân hàng thắt chặt cho vay đối với dòng xe bán tải, vốn là loại phương tiện được tiêu thụ chính ở nước này.
Không chỉ doanh số bán xe giảm, lượng sản xuất của Thái Lan cũng tương tự. Tuy nhiên, với hơn 1,8 triệu xe được xuất xưởng, Thái Lan vẫn là nước sản xuất ô tô nhiều nhất khu vực.
Indonesia duy trì vị trí thị trường tiêu thụ xe mới nhiều nhất khu vực Đông Nam Á. Nước này là nơi duy nhất bán được hơn 1 triệu xe. Xứ vạn đảo có tham vọng trở thành trung tâm sản xuất ô tô mới ở khu vực, nhất là ở lĩnh vực xe điện.
Năm 2023, các nhà máy ô tô ở Indonesia đã xuất xưởng gần 1,4 triệu chiếc. Nhiều mẫu xe bán chạy ở Việt Nam hiện được nhập khẩu từ Indonesia, gồm những mẫu xe có doanh số bán tốt như: Mitsubishi Xpander, Toyota Veloz Cross, Suzuki XL7, Hyundai Startgazer...
Thảo luận