Có 6 điều kiện được Mỹ xem xét khi xác định liệu một quốc gia có phải là nền kinh tế có thị trường hay không.
6 tiêu chí để Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường
Việt Nam đang đẩy nhanh tiến trình đề nghị Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường.
Trên thực tế, trước đó, đề nghị Mỹ sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam được cũng được nêu trong tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden về nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Xuyên suốt chuyến thăm và làm việc với đối tác Mỹ, các nhà lãnh đạo Việt Nam rất chú trọng về vấn đề này.
Như Sputnik đề cập, "nền kinh tế thị trường" là một khái niệm được một số nước sử dụng khi tiến hành điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác.
Kể từ vụ việc điều tra chống bán phá giá đầu tiên với Việt Nam năm 2002, Mỹ đã coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường. Ngoài Mỹ, EU cũng giữ nguyên quan điểm xem Việt Nam là kinh tế phi thị trường.
Do đó, việc được Mỹ, EU hay các đối tác nhập khẩu lớn xem là "kinh tế thị trường" sẽ giúp Việt Nam có lợi thế trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, trợ cấp. Hàng Việt Nam sẽ được đối xử công bằng hơn.
Trả lời báo điện tử Chính phủ nhân dịp xuân Giáp Thìn 2024, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Evans Knapper thông tin thêm một số vấn đề liên quan đến khả năng Mỹ xem xét công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.
Ông Knapper cho hay, về việc Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, hiện Bộ Thương mại Hoa Kỳ "đang tiến hành quy trình phân tích" trước khi đưa ra quyết định theo đúng luật pháp Hoa Kỳ.
Đại sứ Mỹ nêu rõ, theo quy định của Hoa Kỳ, có sáu yếu tố được xem xét khi xác định liệu một quốc gia có phải là nền kinh tế có thị trường hay không.
6 yếu tố này gồm mức độ chuyển đổi của đồng tiền; đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; các yếu tố khác.
"Chúng tôi hoan nghênh cam kết của Việt Nam đối với tiến trình này và khuyến khích Việt Nam tiếp tục cải cách kinh tế", - nhà ngoại giao Hoa Kỳ nói.
Mỹ áp dụng bộ quy tắc 6 tiêu chuẩn, trong khi đó, với EU, con số này là 5 tiêu chí.
Trong đó có mức độ ảnh hưởng của chính phủ trong phân bổ các nguồn lực và quyết định của doanh nghiệp; không có sự can thiệp của nhà nước làm biến dạng hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp; quản trị doanh nghiệp, kế toán và kiểm toán; sự tồn tại và thực thi một số chế độ pháp lý, tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ, phá sản và cạnh tranh cũng như các hệ thống tư pháp; lĩnh vực tài chính.
Việt Nam với IPEF
Liên quan đến IPEF – được Tổng thống Mỹ Joe Biden khởi động – một biện pháp thay thế cho lựa chọn không tham gia CPTPP của Mỹ được kỳ vọng sẽ đánh dấu sự quay trở lại về kinh tế của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
IPEF bao gồm bốn trụ cột là thương mại và chuỗi cung ứng, năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng, thuế và chống tham nhũng.
Hiện Việt Nam vẫn chưa phải là thành viên của IPEF mà chỉ mới trong quá trình cùng các nước thảo luận, trao đổi để làm rõ nội hàm của khối này, tuy nhiên, phía Mỹ luôn bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ tham gia IPEF và đặc biệt đề cao vai trò quan trọng của Hà Nội trong đảm bảo chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc.
Nói về khuôn khổ IPEF, Đại sứ Knapper cho biết, đây là một lĩnh vực khác mà hai bên đang cùng nhau hợp tác - hội nhập kinh tế quốc tế.
"Chúng ta đã thấy sự tiến bộ to lớn trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (viết tắt là IPEF)", - ông lưu ý.
Theo nhà ngoại giao này, tháng 11/2023, các đối tác IPEF đã ký tham gia Thỏa thuận Chuỗi cung ứng nhằm hạn chế tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, giống như thời kỳ đại dịch COVID-19.
Họ đã kết thúc đàm phán Thỏa thuận Kinh tế sạch, trong đó tập trung vào quá trình chuyển dịch năng lượng sạch và sẽ thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch tại Việt Nam. Đây là tiền đề thu hút nhiều doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Các đối tác IPEF cũng đang hoàn tất Thỏa thuận Kinh tế công bằng để tăng cường thực thi chống tham nhũng và thực thi thuế nhằm cải thiện môi trường đầu tư trong khu vực.
"Trong thời gian tới, chúng tôi mong đợi Chính phủ Việt Nam tiếp tục hợp tác trong việc thực hiện các thỏa thuận này nhằm mang lại lợi ích cho các nền kinh tế của chúng ta", - Đại sứ Mỹ thẳng thắn gợi mở.
Ông Knapper nhắc lại, 30 năm qua kể từ khi Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận thương mại đối với Việt Nam (2/1994), thương mại song phương đã tăng 300 lần kể từ năm 1995.
Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 139 tỷ USD. Năm ngoái, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ.
Tại tuyên bố chung Việt – Mỹ, hai nước cũng nhất trí tăng cường hợp tác thương mại đầu tư cũng như đẩy mạnh đổi mới sáng tạo.
Cam kết của Mỹ
Đánh giá về quan hệ Việt – Mỹ, Đại sứ Knapper khẳng định, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ "đang phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay".
Kể từ chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, nâng cấp quan hệ, hai bên khởi động một kỷ nguyên mới của quan hệ Việt-Mỹ tập trung vào công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với nhận thức rằng Việt Nam có tiềm năng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chuỗi cung ứng bán dẫn có sức chống chịu.
Các nhà lãnh đạo nhất trí phát triển hệ sinh thái, khung pháp lý, lực lượng lao động và nhu cầu cơ sở hạ tầng bán dẫn hiện có của Việt Nam. Ông Knapper cho rằng, các doanh nghiệp Mỹ đã chú ý đến lĩnh vực bán dẫn này của Việt Nam.
Ông Knapper dẫn chứng, kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ, tập đoàn bán dẫn Hoa Kỳ Amkor Technology đã mở nhà máy mới nhất tại tỉnh Bắc Ninh – đây là dự án đầu tư trị giá 1,6 triệu USD.
Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) đã đến thăm Việt Nam hai lần và trong chuyến thăm thứ hai đã mang theo một đoàn các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Hai chính phủ hợp tác trong chương trình giáo dục chú trọng khoa học – công nghệ - kỹ thuật – toán học (viết tắt là STEM) từ bậc tiểu học đến sau đại học, kết nối các cơ quan Chính phủ và cơ sở giáo dục của Việt Nam và Hoa Kỳ.
Mỹ mở rộng Chương trình Fulbright để đưa STEM thành ngành nghiên cứu ưu tiên. Đến nay, Hoa Kỳ đã hỗ trợ hơn 7.000 sinh viên Việt Nam từng theo học các chương trình trao đổi và du học nhưng mong số lượng sinh viên sẽ nhiều hơn nhằm giúp Việt Nam đạt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn thời gian tới.
NASA và Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã mới đón các nhà khoa học từ khắp các nước đến Hà Nội để tìm hiểu Chương trình Độ che phủ đất và Thay đổi trong sử dụng đất của NASA có thể giúp Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu như thế nào. Ngành y tế Mỹ cũng ký kết Biên bản ghi nhớ với Bệnh viện Bạch Mai nhằm tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu về đột quỵ và phục hồi chức năng mạch máu não.
Mỹ cũng ủng hộ mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam.
"Hoa Kỳ cam kết thúc đẩy quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam", - Đại sứ Knapper nhấn mạnh, thành công của các bạn là thành công của chúng tôi và dù trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, y tế, an ninh hay giáo dục, thì Mỹ và Việt Nam vẫn là "đối tác lâu dài".
Ông cũng cảm ơn Chính phủ và Nhân dân Việt Nam vì sự nồng hậu và lòng hiếu khách dù là khi ông tới Việt Nam với tư cách một viên chức hay giờ là Đại sứ.
Nhà ngoại giao Mỹ khẳng định, trong 20 năm qua, tình hữu nghị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng trở nên tốt đẹp.