Tư bản Mỹ cần xoá bỏ định kiến với Việt Nam
17:23 08.02.2024 (Đã cập nhật: 17:53 08.02.2024)
CC BY 2.0 / John Sonderman / US Department of CommerceQuốc kỳ trên tòa nhà của Bộ Thương mại Hoa Kỳ
Đăng ký
Đến nay đã có 72 quốc gia công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam như Anh, Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc…nhưng Mỹ thì chưa. Việt Nam đang nỗ lực đề nghị phía Mỹ sớm thông qua quy chế này.
Phía Mỹ đã khởi xướng rà soát thay đổi hoàn cảnh để xem xét vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam – việc mà lẽ ra họ phải làm từ vài năm trước.
Trong một động thái liên quan, vừa qua, Bộ Tài chính đã có phản biện việc Mỹ dùng thông tin của OECD cho rằng, Nhà nước Việt Nam can thiệp vào hệ thống ngân hàng giúp các doanh nghiệp nhà nước vay các khoản vay ưu đãi.
Lẽ ra Mỹ phải công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam sớm hơn
Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Công Thương về cung cấp thông tin phản biện trong vụ việc đề nghị Hoa Kỳ công nhận kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Theo báo Công Thương cho hay, Bộ Tài chính có Công văn số 1477 /BTC-HTQT ngày 5/2/2024 trả lời Công văn số 233/BCT-PVTM ngày 11/01/2024 của Bộ Công Thương.
Trước đó, Bộ Công Thương đề nghị cung cấp bổ sung thông tin phản biện trong vụ việc đề nghị Hoa Kỳ công nhận kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Trước hết, cần phải hiểu, "nền kinh tế thị trường" là một khái niệm được một số nước sử dụng khi tiến hành điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác.
Việc xác định một nước có nền kinh tế thị trường thường dựa trên đánh giá về mức độ can thiệp của nhà nước đối với các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp cũng như mức độ kiểm soát và can thiệp của nhà nước đối với các yếu tố sản xuất như vốn, lao động. Một quốc gia có sự can thiệp quá sâu của nhà nước có thể không được xem là một nền kinh tế thị trường.
Lẽ ra, theo cam kết trong WTO, Việt Nam chỉ bị coi là nền kinh tế phi thị trường trong các vụ điều tra này tới 31/12/2018.
Điều này có nghĩa, nếu đúng theo cam kết và lời hứa của các nước, từ 1/1/2029, Việt Nam phải được đối xử công bằng như tất cả các nước xuất khẩu khác, khi bị điều tra, các tính toán đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải theo các chuẩn của WTO.
Tuy nhiên, có thể thấy, đến nay, Mỹ cùng nhiều nước tư bản phương Tây vẫn còn giữ định kiến với Việt Nam khi chưa công nhận nền kinh tế thị trường mà lẽ ra họ phải giữ đúng lời hứa từ lâu.
Cần lưu ý, vấn đề kinh tế thị trường là một trong những vấn đề quan trọng mà hai quốc gia đang quan tâm và đã được đưa vào Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ trong chuyến thăm của Joe Biden đến Hà Nội.
Ngày 8/9/2023, Bộ Công Thương đã nộp hồ sơ đề nghị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) khởi xướng rà soát thay đổi hoàn cảnh (CCR) để công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Theo quy trình thủ tục của vụ việc CCR, trừ khi gia hạn vụ việc, DOC sẽ có 270 ngày kể từ ngày khởi xướng để hoàn thành cuộc rà soát này và ban hành kết luận cuối cùng (dự kiến đến ngày 26/7/2024).
"Nhà nước không can thiệp"
Vấn đề thứ nhất, về việc phía Hoa Kỳ sử dụng thông tin từ báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) năm 2022 về quản trị công ty trong doanh nghiệp nhà nước cho rằng Nhà nước Việt Nam can thiệp vào hệ thống ngân hàng.
Từ đó, giúp cho các doanh nghiệp nhà nước vay các khoản vay ưu đãi. Theo Bộ Tài chính Việt Nam "điều này là không có căn cứ".
Cụ thể, theo Bộ Tài chính, hoạt động tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) do VDB tự thẩm định và quyết định cho vay các khách hàng.
"Nhà nước không can thiệp. Chính sách tín dụng xuất khẩu tại VDB đã dừng triển khai từ năm 2017", - Bộ Tài chính khẳng định.
Bộ nhắc lại, từ năm 2017, Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng chưa thực hiện cho vay mới tín dụng đầu tư. Cơ chế mức lãi suất tín dụng đầu tư tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 07/11/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP được quy định theo hướng VDB tự quyết định, đảm bảo nguyên tắc đủ bù đắp chi phí huy động vốn, chi hoạt động bộ máy và chi phí trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ vay mới, không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ.
Cùng với đó, ngân sách nhà nước Việt Nam cũng không cấp bù lãi suất và phí quản lý đối với các khoản nợ vay này.
Đối tượng áp dụng chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước thông qua VDB hiện nay là các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính và tổ chức kinh tế khác là chủ đầu tư dự án thuộc Danh mục vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Do đó, đối tượng vay vốn tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam bao gồm cả thành phần kinh tế "tư nhân" và kinh tế "nhà nước" có các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nông nghiệp, công nghiệp theo mục tiêu phát triển của đất nước, không phải chỉ nhằm phục vụ riêng thành phần kinh tế nhà nước.
"Vì vậy, chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước hiện hành đã tương đồng với cơ chế thị trường và các ngân hàng thương mại, nhằm mục đích cung cấp nguồn vốn trung, dài hạn cho các dự án đầu tư lớn (không phân biệt chủ đầu tư là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân), thời gian thi công dài, có rủi ro cao nhưng quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như các dự án hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, công nghiệp trọng điểm, năng lượng tái tạo", - Bộ Tài chính khẳng định.
Dư nợ tín dụng của VDB chiếm tỷ trọng rất nhỏ
Vấn đề thứ hai về tỷ trọng dư nợ cho vay đối với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án phục vụ công cộng khác so với dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp thuộc nhóm vay tín dụng đầu tư trong năm 2022.
Bộ Tài chính khẳng định: "Dư nợ tín dụng đầu tư của VDB tại thời điểm cuối năm 2023 chiếm tỷ trọng rất nhỏ, không đáng kể so với dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, chỉ chiếm khoảng 0,3%".
Dư nợ tín dụng đầu tư cho vay các doanh nghiệp nhà nước tại thời điểm cuối năm 2023 chỉ chiếm 22,64% nguồn vốn huy động từ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.
Vấn đề thứ ba – Bộ Tài chính cũng đã phản biển về nhận định "Lãi suất trái phiếu kho bạc và trái phiếu doanh nghiệp của VDB bằng nhau".
Theo Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển Việt Nam được huy động vốn để cho vay từ nhiều nguồn hợp pháp khác nhau, trong đó có phát hành Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh (TPCPBL).
Theo quy định tại Nghị định số 91/2018/NĐ-CP ngày 26/06/2018 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ: Ngân hàng chính sách (trong đó có VDB) tổ chức phát hành Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo phương thức đấu thầu (Nhà nước không can thiệp) theo quy định của pháp luật về phát hành công cụ nợ của Chính phủ.
Ngân hàng chính sách có trách nhiệm thanh toán gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn bằng các nguồn vốn hợp pháp của mình; (việc bảo lãnh phát hành Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho ngân hàng chính sách là bảo lãnh có điều kiện).
Thêm vào đó, lãi suất phát hành Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do ngân hàng chính sách (trong đó có VDB) tự quyết định căn cứ vào tình hình thị trường tại thời điểm phát hành.
Thực tế, lãi suất phát hành Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh luôn cao hơn lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ, cụ thể đối với thời điểm phát hành TPCPBL gần nhất của VDB (tháng 12/2021), so sánh lãi suất phát hành như sau:
Kỳ hạn 5 năm | Kỳ hạn 10 năm | |
Lãi suất phát hành TPCP | Ngày 25/11/2021: 0,76% | Ngày 23/12/2021: 2,08% |
Lãi suất phát hành TPCPBL | Ngày 20/12/2021: 1,12% | Ngày 20/12/2021: 2,5% |
Do đó, Bộ Tài chính khẳng định: "Nhận định "lãi suất trái phiếu kho bạc và lãi suất Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của VDB giống hệt nhau" và việc "VDB phát hành Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để cho các doanh nghiệp nhà nước vay các khoản vay ưu đãi" của phía Hoa Kỳ là chưa đúng với thực tế".
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị bỏ các nhận định này.
Việt Nam có thể sẽ được Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường vào tháng 6/2024
Như Sputnik đưa tin, tại buổi tiếp chiều 31/1 vừa qua, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trao đổi một số nội dung liên quan đến việc triển khai thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao sau khi hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, trong đó có việc công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhắc lại, đây là vấn đề lãnh đạo cấp cao hai nước rất quan tâm, đề nghị Đại sứ tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế này, hy vọng quá trình này sẽ được hoàn thành sớm nhất trong năm 2024.
Về phía Việt Nam, các cơ quan hữu quan sẽ chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu để phía Hoa Kỳ sớm xem xét.
Trả lời lãnh đạo Chính phủ Việt Nam về vấn đề công nhận nền kinh tế thị trường, Đại sứ Marc E. Knapper cho biết, Phòng Thương mại Hoa Kỳ đang xem xét chi tiết, khẩn trương, hy vọng có thể kịp vào tháng 6/2024.
Phát biểu hôm 2/2 nhân kỷ niệm 30 năm Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam, ông Knapper cũng cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden năm 2023, theo yêu cầu của Việt Nam, chính phủ Mỹ đang xem xét quy chế kinh tế phi thị trường của Việt Nam, hay nói cách khác công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Ông nhấn mạnh, đây là việc Bộ Thương mại Mỹ đang tiến hành. Và họ có thời hạn 270 ngày để thực hiện việc này. Quy trình này bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái và bao gồm việc lấy ý kiến đóng góp công khai.
"Chúng tôi, chính phủ Mỹ, cam kết thực hiện một quy trình công bằng và minh bạch, phù hợp với các quy tắc quốc tế. Đây không phải là một quyết định chính trị mà về cơ bản là một quyết định bán tư pháp. Và vì vậy chúng tôi chờ đợi Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục nỗ lực thực hiện điều này", - ông Knapper cam kết.
Đại sứ Mỹ tái khẳng định, Chính phủ Hoa Kỳ mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam, làm sâu sắc và tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.