Việt Nam thắng lớn nhờ chiến lược Trung Quốc+1

Việt Nam được coi là đối tác hàng đầu cho các doanh nghiệp đang tìm kiếm giải pháp thay thế Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Sputnik
Năm 2024 được dự báo tiếp tục là năm Việt Nam được kỳ vọng tạo đột phá trong thu hút FDI nhất là dòng vốn chất lượng cao.

Thắng lớn

Digitimes Asia lưu ý, Việt Nam nổi lên như một điểm đến ưa thích của các công ty muốn thiết lập chiến lược “Trung Quốc+1”.

“Việt Nam thắng lớn nhờ chiến lược Trung Quốc+1”, Digitimes Asia khẳng định.

Một số tỉnh miền Bắc Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian qua.
Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tính đến cuối tháng 11 năm 2023, FDI vào Việt Nam đã vượt 16,4 tỷ USD, đánh dấu mức tăng khoảng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số lượng dự án FDI cũng tăng đáng kể, tăng gần 58% so với năm trước. Ngoài ra, nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam đã trải qua sự thay đổi đáng chú ý, trong đó điện tử, bao gồm máy tính, thiết bị điện tử, điện thoại di động và linh kiện, chiếm gần 32% tổng kim ngạch xuất khẩu, vượt qua các lĩnh vực truyền thống như dệt may.
Như Sputnik đưa tin, số liệu thống kê chính thức từ Tổng cục Thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2023 của Việt Nam cho thấy, Việt Nam đạt con số kỷ lục về vốn FDI đăng ký với 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022.
Vì sao Mỹ cầm chắc thất bại nếu cố lôi kéo Việt Nam chống Trung Quốc?
Đầu tư mới có 3.188 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 56,6% so với năm trước), tổng vốn đăng ký đạt gần 20,19 tỷ USD (tăng 62,2% so với năm trước).
Điều chỉnh vốn có 1.262 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 14% so với năm trước), tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 7,88 tỷ USD (giảm 22,1% so với năm trước).
Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp có 3.451 giao dịch GVMCP của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 3,2% so với năm trước), tổng giá trị vốn góp đạt hơn 8,5 tỷ USD (tăng 65,7% so với năm trước).
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 23,5 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 39,9% so với năm trước.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với năm trước.
Các ngành sản xuất, phân phối điện; tài chính ngân hàng xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 2,37 tỷ USD (tăng 4,9%) và gần 1,56 tỷ USD (gấp gần 27 lần).
Năm 2023, đã có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 6,8 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 5,4% so với năm trước.
Nhật Bản đứng thứ hai với gần 6,57 tỷ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư, tăng 37,3% so với năm trước.
Đặc khu hành chính Hồng Kông đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,68 tỷ USD, chiếm gần 12,8% tổng vốn đầu tư, gấp 2,1 lần so với năm trước. Tiếp theo là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan,…
Tuy nhiên, xét về số dự án, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 22,2%). Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 25,9%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 27,8%).
VinFast hé lộ tân Giám đốc kinh doanh khu vực châu Á

Lợi thế

Tổng cục Thống kê nêu rõ, việc thu hút FDI thành công, đặc biệt là nửa cuối năm 2023 góp phần làm dòng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam đạt 23,2 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước nhưng về quy mô thì là năm có đạt quy mô vốn FDI thực hiện cao nhất từ trước đến nay.
Sự phục hồi và bắt đầu tăng trưởng trở lại của dòng vốn FDI vào Việt Nam từ nửa cuối năm 2023 (6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đăng ký FDI giảm 4,6% so cùng kỳ).
Đây là động lực rất quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Điều này cũng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với chính sách kinh tế vĩ mô ổn định; môi trường đầu tư của Việt Nam thông thoáng, an toàn.
Nói với Digitatimes Asia, Michael Chan, Giám đốc kinh doanh tại BW Industrial, một công ty Việt Nam chuyên về hậu cần và cho thuê bất động sản công nghiệp, lưu ý rằng khoảng 40% khách thuê của họ là các nhà sản xuất điện tử.
BW Industrial cung cấp nhiều dịch vụ cho thuê bất động sản công nghiệp khác nhau, bao gồm các nhà máy tiêu chuẩn, kho bãi hậu cần chất lượng cao và không gian văn phòng, với cơ sở trải rộng trên 11 tỉnh trọng điểm ở Việt Nam, chủ yếu ở các trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM và Hà Nội.
Tại Việt Nam, việc cho thuê đất được thực hiện thông qua các chủ đầu tư khu công nghiệp với quyền sử dụng đất có thời hạn lên tới 50 năm.
Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể lựa chọn các nhà máy xây sẵn, đơn giản hóa quy trình thiết lập với sự hỗ trợ từ các công ty như BW Industrial, chuyên hỗ trợ về mặt giấy phép và các vấn đề thành lập khác, cho phép doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trong thời gian tương đối ngắn, thường trong vòng từ 5 đến 9 tháng.
Chan cho biết Việt Nam được xem là đối tác bổ sung cho Trung Quốc, trong khi Ấn Độ đại diện cho một thị trường đáng gờm, không có sự cạnh tranh trực tiếp giữa hai bên.
Theo Chan: “Lợi thế về địa lý của Việt Nam, bao gồm cả sự gần gũi với Trung Quốc và các hành lang giao thông được thiết lập tốt, khiến nước này trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà sản xuất so với các quốc đảo như Malaysia và Indonesia”.
Mỹ hành xử trịch thượng với Việt Nam nhằm chống Trung Quốc
Tại miền Bắc, bất động sản công nghiệp chiếm ưu thế nhờ mạng lưới cơ sở hạ tầng mạnh mẽ gồm đường cao tốc và đường sắt.
“Vị trí chiến lược này mang lại khả năng tiếp cận liền mạch tới Trung Quốc, tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa nhanh chóng từ các trung tâm như Hải Phòng và Quảng Ninh trong vòng 1 ngày”, ông lưu ý.
Vào năm 2023, sau khi nới lỏng kiểm soát biên giới ở Trung Quốc, một phần đáng kể (khoảng 40%) yêu cầu sở hữu tài sản công nghiệp ở miền Bắc Việt Nam đến từ các công ty Trung Quốc. Đầu tư vào khu vực phía Nam đa dạng hơn, đến từ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Hồng Kông, Đức và Singapore.
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, BW Industrial có kế hoạch tiếp tục phát triển các dự án công nghiệp và hậu cần tại các thành phố vệ tinh nằm cách các khu thương mại lớn như trung tâm TP.HCM, cách 1,5 giờ lái xe. Họ cũng có kế hoạch mở rộng sự hiện diện của mình tại các trung tâm công nghiệp và hậu cần quan trọng gần khu trung tâm Thủ đô Hà Nội.
Chan nhấn mạnh lợi ích bền vững của việc cho thuê các nhà máy hiện có so với việc xây dựng nhà máy mới.
Các dự án của BW Industrial được chứng nhận tiêu chuẩn LEED, phù hợp với cam kết của Việt Nam về giảm 43,5% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Năm 2024 sẽ tiếp tục có đột phá về FDI

Năm 2024 với Việt Nam là thời cơ mới, bước ngoặt mới để tăng cả về số lượng và chất lượng thu hút đầu tư FDI.
Đây là quan điểm được ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhận định với tạp chí Tài chính khi đưa ra ý kiến cho rằng, năm 2024 sẽ là một năm đột phá về thu hút FDI.
Chuyên gia cho biết, “cú hích” nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ đã tạo hiệu ứng lan tỏa tới dòng vốn FDI từ Mỹ, châu Âu vào Việt Nam. Mặt khác, năm 2023, Đức cũng là một quốc gia có sự gia tăng đầu tư (khoảng 366 triệu USD) vào Việt Nam, tăng mạnh so với năm 2022.
Nhiều tập đoàn từ Mỹ đã tới tìm hiểu thị trường, khả năng hợp tác với Việt Nam trong đầu tư ngành đất hiếm và bán dẫn. Mới đây, ông John Neffeur - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) và lãnh đạo các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu Mỹ, như: Intel, Qualcom, Ampere, ARM… đã tới Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư.
35 năm hút FDI, vì sao Việt Nam mãi ‘lẹt đẹt’ ở top dưới?
Tin tưởng 2024 Việt Nam tiếp tục duy trì thu hút dòng vốn FDI mạnh mẽ, ông Toàn cho rằng, bên cạnh các lợi thế cạnh tranh có sẵn bao gồm tình hình kinh tế, chính trị ổn định, vị trí thuận lợi cho hoạt động đầu tư, số lượng lớn hiệp định thương mại tự do đã ký kết, lực lượng lao động dồi dào, Việt Nam còn có tiềm lực về đất hiếm - loại nguyên vật liệu quan trọng trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, phát triển vi mạch và điện tử. Điều này tạo nên lợi thế cho đất nước.

Đại diện Vafie lưu ý: “Cơ hội thu hút đầu tư FDI trong năm 2024 đang mở ra như năm 2008 - thời điểm Việt Nam vừa tham gia WTO. Các yếu tố như cuộc chiến kiểm soát công nghệ lõi, công nghệ chip, công nghệ của tương lai đang mở ra cơ hội cho Việt Nam trong thu hút FDI công nghệ cao”.

Ông Nguyễn Văn Toàn nhấn mạnh, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư, làm tốt công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ, cải cách thủ tục hành chính, và cần sớm nâng chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.
Thảo luận