Các nhà đầu tư Trung Quốc đẩy mạnh rót tiền vào Việt Nam. Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch VAFIE nhận định, gió đã đổi chiều. Vốn FDI của Trung Quốc tại Việt Nam liên tục thăng hạng, tăng về quy mô, thay đổi về hình thức, lĩnh vực, mở rộng về địa bàn.
Dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh
Trung Quốc được xem là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam kể từ khi mở nền kinh tế cửa đến nay.
Tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc năm 2023 đạt tới 171,2 tỷ USD, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Dù là hai quốc gia láng giếng, thương mại phát triển nhưng đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng.
Bất chấp thực tế đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc lớn thứ 2 thế giới nhưng tổng vốn đầu tư vào Việt Nam còn khiêm tốn.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) chia sẻ với tạp chí Nhà Đầu tư, thực tế, từ năm 2010 trở về trước, dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam khá khiêm tốn.
Ông Toàn nêu lại thực tế rằng, trong top 10 quốc gia đầu tư vào Việt Nam "hầu như không có tên của Trung Quốc".
"Nhưng gió đã đổi chiều, kể từ năm 2011 trở lại đây, vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam có sự thay đổi đáng kể", - vị chuyên gia nói.
Theo đó, vốn FDI của Trung Quốc tại Việt Nam liên tục vươn lên trong vị trí xếp hạng, tăng về quy mô, thay đổi về hình thức, lĩnh vực, mở rộng về địa bàn.
Đại diện VAFIE phân tích, từ năm 2015 trở lại đây, Trung Quốc đã thường nằm trong top 10 quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Bất chấp đại dịch COVID-19, Trung Quốc vẫn đăng ký đầu tư không ít vào Việt Nam và luôn đứng ở vị trí thứ 3, thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
Không chỉ thay đổi về quy mô, các dự án đầu tư của Trung Quốc không còn là những dự án thâm dụng lao động và năng lượng và cũng không phải chỉ ở một số lĩnh vực như dệt may, xơ sợi, mà còn sang các lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo, bán dẫn.
Kỳ vọng gia tăng thoả thuận hợp tác sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình
Trước đó, Chứng khoán SSI nhận định, nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp ở miền Bắc dự kiến sẽ tăng cao nhờ xu hướng chuyển dịch cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, chủ yếu trong ngành điện tử và bán dẫn.
Cũng theo báo cáo của SSI, nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) về việc cho thuê đất công nghiệp với các khách mới trong nửa cuối năm 2023. Nhiều khả năng, các hợp đồng MOU này sẽ được chuyển thành hợp đồng chính thức và ghi nhận doanh thu tốt trong năm 2024.
Cần nhắc lại thực tế rằng, cơ hội từ các thỏa thuận với Trung Quốc đã hiện hữu sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình vào hồi cuối năm 2023. Một trong những điểm chính được đề cập là việc các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam.
"Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có nguồn vốn lớn và muốn đầu tư ra nước ngoài trong khuôn khổ sáng kiến hạ tầng quy mô toàn cầu. Đây sẽ là cơ hội nếu Việt Nam biết sử dụng hiệu quả", - báo cáo nêu.
Nhận định về xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, trước đó, Savills Việt Nam cũng lưu ý, vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc Việt Nam đang thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực sản xuất năng lượng mặt trời.
Theo lý giải của ông John Campbell, Phó Giám đốc, Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp, Savills Việt Nam, xu hướng này là do Việt Nam có vị trí tiếp giáp Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu thô và dây chuyền sản xuất.
Mặt khác, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của Việt Nam có vị trí địa lý gần với Trung Quốc, đi kèm lợi thế về giá đất công nghiệp cạnh tranh so với khu vực phía Nam, từ đó, tạo sức hút riêng của các tỉnh trong khu vực đối với nhà đầu tư Trung Quốc.
Mức độ hội nhập kinh tế cao của Việt Nam là điều đáng chú ý, theo Savills. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh tế, thương mại với khoảng 224 đối tác đến từ nhiều quốc gia và khu vực trên toàn thế giới. Điều này tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam mở rộng sự hiện diện trên thị trường.
"Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đã đưa ra các ưu đãi về thuế và chiến lược năng lượng sạch để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tạo thêm hấp lực đầu tư tại Việt Nam trong tương quan với các thị trường lân cận", - lãnh đạo Savills Việt Nam nêu rõ.
Phó Chủ tịch VAFIE cũng cho rằng, nếu như trước đây nhiều tỉnh thành của Việt Nam có xu hướng e ngại các dự án của Trung Quốc vì lo ngại thâm dụng lao động, tranh chấp lao động, công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng trên một đơn vị sản phẩm nhưng "thực tế giờ đã rất khác".
Ông Toàn khẳng định, Trung Quốc phát triển công nghệ rất nhanh, đã tiến gần với các công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới, đặc biệt là ở các lĩnh vực mà nước này có ưu thế như nguyên phụ liệu dệt may phục vụ cho hoạt động xuất khẩu, năng lượng tái tạo và bán dẫn.
"Nếu Việt Nam tận dụng được cơ hội, thu hút đầu tư từ Trung Quốc trong các lĩnh vực này với công nghệ cao sẽ có lợi cho cả đôi bên", - ông Nguyễn Văn Toàn tin tưởng.
Làm gì để tăng cường thu hút đầu tư từ Trung Quốc?
Nêu quan điểm về nhận định "khả năng sẽ có một làn sóng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam", vị chuyên gia cho rằng, vòng vốn đầu tư mới từ Trung Quốc được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Thêm nữa, nhà đầu tư từ Trung Quốc cũng sẽ giảm dần các dự án nhỏ, công nghệ cũ, lạc hậu mà sẽ tập trung nhiều hơn ở các lĩnh vực về năng lượng tái tạo, bán dẫn..., với số vốn hàng trăm triệu USD, theo ông Toàn.
"Ưu thế của Việt Nam chính là hệ thống chính trị, an ninh ổn định, dân số vàng, có độ mở nền kinh tế lớn, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, tạo cơ hội xuất khẩu hàng hóa miễn thuế đến nhiều thị trường", - ông Nguyễn Văn Toàn nhận định.
Ngoài ra, hạ tầng giao thông cũng đang được đầu tư, nâng cấp, kết nối tốt hơn. Cộng thêm quyết tâm cải cách hành chính của Chính phủ Việt Nam đang được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao.
"Việt Nam có phần lợi thế hơn nhiều quốc gia trong thu hút đầu tư từ Trung Quốc do tương đồng về văn hoá", - theo Phó Chủ tịch VAFIE.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần lưu ý các vấn đề quan trọng nhằm thu hút FDI từ Trung Quốc.
Đầu tiên, theo ông Toàn, nguồn nhân lực của Việt Nam phải đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp nước ngoài, đáp ứng yêu cầu của các dự án.
"Đối tác có công nghệ, có vốn mà chúng ta không có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thì không thể thu hút đầu tư" - Phó Chủ tịch VAFIE lưu ý.
Thứ hai, chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh khả năng doanh nghiệp nội tham gia vào chuỗi giá trị.
Ông Toàn phân tích, kinh nghiệm của Trung Quốc trong thu hút đầu tư nước ngoài là làm rõ vai trò của doanh nghiệp nội, khuyến khích doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuyển giao công nghệ, thành lập các trung tâm nghiên cứu phát triển.
Riêng với thu hút đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, có lẽ đây là thời điểm để gạt bỏ lo ngại về công nghệ lạc hậu, tranh chấp – theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Toàn nhấn mạnh, Việt Nam đã có định hướng trong thu hút FDI thế hệ mới được thể hiện trong Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Vấn đề đặt ra lúc này là cần tự nâng cao năng lực để chọn lọc được những dự án phù hợp, giám sát, quản lý được những dự án được lựa chọn.
"Trước đây chúng ta có giám sát, có quản lý nhưng thực tế phần nào là hình thức, nhiều địa phương không kiểm soát được doanh nghiệp. Việc phân cấp phân quyền đặt gánh nặng lên vai chính quyền địa phương", - ông nói.
Do đó, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn, việc nâng cao trình độ cán bộ địa phương là rất quan trọng để sàng lọc và kiểm soát được các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, không chỉ từ Trung Quốc.