Như vậy, Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành cơ sở giáo dục đại học đầu tiên đưa ra quy định chặt chẽ, cấm mua bán bài báo khoa học dưới mọi hình thức trong bối cảnh trong thời gian qua, việc mua bán bài báo khoa học, việc các giảng viên ở cơ sở đại học này ghi tên cơ sở giáo dục đại học khác trên các bài báo khoa học công bố quốc tế đã gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu về vấn đề liêm chính học thuật.
Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra 12 yêu cầu về liêm chính học thuật trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo. Trong đó, điểm thứ 9 nêu rõ "không mua, bán kết quả nghiên cứu khoa học dưới mọi hình thức."
Quy định cũng nêu rõ cán bộ thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội phải ghi tên đơn vị là Đại học Bách khoa Hà Nội trong công bố khoa học, không được ghi tên đơn vị là tổ chức, đơn vị khác.
Đối với cán bộ đang là học viên cao học, nghiên cứu sinh, nghiên cứu viên sau tiến sỹ tại các cơ sở giáo dục đào tạo khác trong nước và quốc tế thì có thể ghi tên đồng thời tại Đại học Bách khoa Hà Nội cùng cơ sở giáo dục đào tạo đang theo học, nghiên cứu. Học viên cao học, nghiên cứu sinh của Đại học có thể ghi tên đơn vị đồng thời Đại học Bách khoa Hà Nội và đơn vị công tác của bản thân.
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng yêu cầu toàn thể cán bộ, viên chức, giảng viên, người lao động, người học, các đơn vị thuộc và trực thuộc tôn trọng ý tưởng của người khác; không sao chép, biến ý tưởng của người khác thành ý tưởng, đề xuất của mình.
Các cán bộ, giảng viên phải tuân thủ nguyên tắc trong tuyển chọn, giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật và quy định của Đại học Bách khoa Hà Nội; không sử dụng đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ đã được phê duyệt ở nơi này để tham gia tuyển chọn, nhận tài trợ ở nơi khác.
Những người liên quan không sử dụng quyền lực, mối quan hệ hay vật chất để tác động vào việc tuyển chọn, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh; hoặc tác động nhằm có lợi cho mình hay người khác trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học không đúng với quy định quản lý và thông lệ khoa học.
Các tác giả không bịa đặt, ngụy tạo đối tượng nghiên cứu, dữ liệu nghiên cứu, hồ sơ - lý lịch khoa học; tôn trọng bản quyền, quyền tác giả, tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ; thực hiện trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo chính xác, rõ ràng, minh bạch; tuân thủ triệt để tỷ lệ được phép trích dẫn tối đa theo từng đề tài, nhiệm vụ, lĩnh vực theo quy định.
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đưa ra các yêu cầu liêm chính học thuật trong liên kết nghiên cứu khoa học, liên kết đào tạo.
Cụ thể, tôn trọng và đề cao tinh thần liêm chính Người Bách khoa trong mọi hoạt động hợp tác, liên kết về học thuật; tuân thủ các quy định về thiết lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm học thuật được tạo ra bởi hoạt động liên kết nghiên cứu khoa học theo thỏa thuận, hợp đồng liên kết đã được thiết lập trước đó bởi các bên; không được tự ý chuyển giao ý tưởng, nhiệm vụ nghiên cứu đã đăng ký sau khi tham gia thỏa thuận, hợp đồng liên kết cho đối tác hoặc bên thứ 3 mà không có sự cho phép của cấp có thẩm quyền của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Đại học Bách khoa Hà Nội thành lập hội đồng tư vấn liêm chính khoa học, có chức năng tư vấn cho Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội trong thẩm định, đánh giá mức độ vi phạm về liêm chính học thuật.
Các cá nhân có hành vi vi phạm liêm chính học thuật còn có thể phải chịu hình thức xử lý bổ sung theo quy định cụ thể của từng lĩnh vực: nghiên cứu khoa học, đào tạo, thi đua khen thưởng… Các sản phẩm học thuật bị xác định là vi phạm liêm chính học thuật phải được chỉnh sửa, bổ sung hoặc thu hồi theo quyết định của Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội.