Từ mảng được coi là “gà đẻ trứng vàng”, nhiều ngân hàng thất thu nặng doanh số bán bảo hiểm. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều quy định nhằm chấn chỉnh thị trường bảo hiểm, nhất là kênh bancassurance.
Doanh thu từ bảo hiểm sụt giảm vì mất niềm tin trong dân
Năm 2023, với nhiều sự cố lùm xùm không đáng có, doanh nghiệp bảo hiểm ở Việt Nam đối diện nhiều khó khăn hơn do sự sụt giảm niềm tin của khách hàng.
Khi nhiều cơ quan quản lý cùng vào cuộc, sự siết chặt của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, cùng với việc bị người dân “quay lưng”, lần đầu tiên trong hàng chục năm, bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng âm, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2022, ước đạt 155.985 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng tại Việt Nam cũng giảm mạnh doanh thu từ bán bảo hiểm sau nhiều năm đạt tốc độ tăng trưởng cao. Báo Tuổi Trẻ ngày 16/2 có bài nêu thông tin cho biết, có nơi sụt đến đến 60-70%.
Với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới được thông qua có điều khoản cấm ngân hàng bán bảo hiểm gắn với cung ứng sản phẩm, dịch vụ, do đó, mảng bảo hiểm được dự báo sẽ còn đối mặt nhiều khó khăn hơn nữa.
Dễ thấy nhất thông qua báo công bố báo cáo tài chính năm 2023 của các nhà băng, Thực tế, chỉ một số ngân hàng thuyết minh khoản thu nhập từ hoạt động bảo hiểm, với thực trạnghầu hết đều giảm doanh thu. Còn lại, nhiều nơi không thuyết minh khoản thu dịch vụ này.
Techcombank ghi nhận doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm giảm mạnh trong năm 2023, chỉ đạt hơn 667 tỷ đồng từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm, giảm tới 62% so với mức 1.750 tỷ đồng năm 2022.
Được biết Manulife và Techcombank ký thỏa thuận hợp tác liên kết dịch vụ bảo hiểm - ngân hàng từ 2023.
Đến 2017, hai bên chính thức công bố việc ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm Manulife qua mạng lưới của Techcombank.
Năm ngoái, lùm xùm của Manulife với SCB cũng như gói bảo hiểm Tâm An Đầu tư gây bức xúc cho không ít bộ phận khách hàng. Đã có hàng ngàn đơn thư gửi đến Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đề nghị giải quyết thoả đáng việc khách hàng tố tiền gửi tiết kiệm ngân hàng bị biến thành hợp đồng bảo hiểm.
Nhiều nhà băng chung cảnh ngộ
Tại TPBank, mức sụt giảm còn mạnh hơn gần 57% từ hoạt động dịch vụ kinh doanh, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn. Cả năm 2023, mảng này mang về cho TPBank hơn 377 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ hơn 876 tỷ đồng.
Báo Tuổi Trẻ dẫn chứng thực tế tại Ngân hàng Quân đội (MBBank). MBBank đang sở hữu hai công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm là MIC với 68,37% và MB Ageas (MBAL) với 61%.
Báo cáo tài chính quý 4-2023 của MBBank cho thấy, thu nhập từ hoạt động dịch vụ giảm gần 8%, đạt 13.137 tỷ đồng. Nguyên nhân do doanh thu kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm chiếm lớn nhất với 8.228 tỷ đồng, nhưng lại giảm gần 20% so với năm trước
Doanh thu mảng bảo hiểm của MB tăng nhanh vài năm gần đây và đóng góp không nhỏ bức tranh lợi nhuận chung của nhà băng này. Theo đó, từ mức 1.800 tỷ đồng năm 2017, đến năm 2022, mảng này đem về MB vượt mốc 10.000 tỷ đồng.
Năm 2023, do tình hình khó khăn, MB lần đầu báo giảm ở mảng thu bảo hiểm này sau nhiều năm tăng trưởng tốt.
Dù vậy, 2023 vẫn là một năm kinh doanh tốt với MBBank khi tổng thu nhập hoạt động 47.306 tỷ đồng cả năm 2023, tăng 4% so với 2022. Mức tăng đến chủ yếu từ thu nhập lãi thuần với 7%, đạt 38.683 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 26.300 tỉ đồng, nằm trong top các ngân hàng lãi cao nhất toàn hệ thống cùng tăng trưởng tới gần 16% so với năm trước.
Doanh thu từ bảo hiểm của VIB cả năm 2023 chỉ đạt 879 tỷ đồng, giảm 32% so với mức hơn 1.300 tỷ đồng năm 2022. Lãi thuần VIB nhận được từ hoa hồng bảo hiểm sau khi trừ chi phí còn hơn 776 tỷ đồng, giảm gần 33%.
SeABank ghi nhận mức giảm mạnh tới 73% so với năm 2022, đạt 144,7 tỷ đồng cả năm. Điều này kéo theo lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng đạt 1.157 tỷ đồng, giảm 15% so với năm trước.
Siết chặt quy định bán bảo hiểm qua ngân hàng
Theo ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đóng góp lớn trong tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam.
VnEconomy dẫn lời vị lãnh đạo cho biết, tỷ trọng phí khai thác mới qua kênh bancassurance chiếm khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.
Tuy nhiên, do tốc độ tăng trưởng nhanh qua kênh bancassurance dẫn đến công tác quản lý và giám sát chất lượng dịch vụ bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng chưa theo kịp.
Đặc biệt, theo ông Trung, còn có một bộ phận cán bộ bán hàng chưa trung thực khi tư vấn hoặc tư vấn không đầy đủ các điều khoản liên quan đến sản phẩm khiến khách hàng hiểu nhầm và có ấn tượng không tốt đối với các sản phẩm bảo hiểm.
“Điều này khiến tình hình kinh doanh của toàn ngành bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ kém sắc năm vừa qua”, - ông nói.
Hiện thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện có 81 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 29 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Phát biểu ngay ở nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu lên án việc bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng thương mại dễ biến tướng, người dân muốn vay được tiền, muốn được giải ngân thì phải chấp nhận nhắm mắt đặt bút ký mua bảo hiểm dù không có nhu cầu. Các ngân hàng thương mại muốn tăng doanh số, chạy KPI, các công ty bảo hiểm nhân thọ thậm chí bỏ qua các ranh giới nghề nghiệp, xóa bỏ uy tín chỉ chăm chăm vào lợi nhuận, gây nên bức xúc như thời gian qua.
Nói về công tác quản lý, giám sát và thanh tra, kiểm tra, ông Ngô Việt Trung cho biết, Bộ Tài chính tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.
Đối với các trường hợp phát hiện vi phạm tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bộ Tài chính cũng thiết lập đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về lĩnh vực bảo hiểm.