Việt Nam cần bằng mọi giá tránh thành vai trò nơi đối đầu giữa các cường quốc

“Việt Nam cần bằng mọi giá tránh thành vai trò là nơi đối đầu giữa các cường quốc bằng cách hài hòa quyền lợi kinh tế, cân bằng vị thế chính trị và tăng cường nội lực dân tộc. Chỉ khi ấy quan hệ quốc tế mới bình đẳng, mới có thể tự quyết định số phận”.
Sputnik
Một số chuyên gia phương Tây nhận định: Việt Nam đóng vai trò là nơi đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiều năm nay. Xét về đường hướng chính trị mới “hướng Đông” của Nga, các sự kiện đang diễn ra ở Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt.

Khẳng định Việt Nam đóng vai trò đối đầu Mỹ - Trung là chưa đúng

Hiện nay, Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng hơn 140 lần, từ 451 triệu USD năm 1995 lên gần 111 tỷ USD vào năm 2023. Các khoản đầu tư hàng tỷ đô la từ Hoa Kỳ đang đổ vào Việt Nam trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế và xã hội. Giờ đây, Việt Nam sẽ không thể từ bỏ thị trường Mỹ ngay, vì điều này ít nhất sẽ khiến hàng trăm nghìn người Việt Nam mất việc làm.
Một số chuyên gia và một số nhà Việt Nam học bấy lâu nay đặt vấn đề: Việt Nam đóng vai trò là nơi đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiều năm nay. Liệu tình hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ có thể chuyển từ phụ thuộc kinh tế sang phụ thuộc chính trị hay không?
Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng lưu ý trong trả lời phỏng vấn của phóng viên Sputnik như sau:
Có một điều cần khẳng định ngay rằng, Việt Nam hiện không phụ thuộc vào bất kỳ một nền kinh tế nào hay bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới về kinh tế. Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới. xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã là thành viên đầy đủ của “Tổ chức thương mại thế giới” (WTO), có quan hệ kinh tế với hầu hết các nước có tiềm lực kinh tế mạnh trong Nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu (G7), Nhóm các nền kinh tế hàng đầu và mới nổi (G20), BRICS, Tổ chức hợp tác Thượng Hải; tham gia các Hiệp định kinh tế xuyên quốc gia lớn như RCEP, TP-CPP; tham gia các diễn đàn kinh tế lớn xuyên châu lục như “ASEM”, “APEC”, “Bác Ngao”, “EAEU” .v.v… Việt Nam có quan hệ song phương với các nền kinh tế lớn như EU, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, khối Trung Đông, Tổ chức các nước Nam Mỹ, Tổ chức Châu Phi.v.v…
Theo thống kê năm 2023 của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và thống kê Việt Nam), Mỹ chỉ xếp thứ 10 trong tổng số 10 quốc gia và vùng lãnh thổ dẫn đầu về đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký là 10,9 tỷ USD (con số đã thực hiện ít hơn nhiều). Xếp trên Mỹ là Hàn Quốc (74,7 tỷ USD), Singapore (67,5 tỷ USD), Nhật Bản (64,5 tỷ USD), Đài Loan (31,7 tỷ USD), Hồng Kông (27,83 tỷ USD), Quần đảo Virgin (19,6 tỷ USD), Trung Quốc (khoảng 22 tỷ USD), Malaysia (12,8 tỷ USD). Hà Lan (11 tỷ USD).
Đã rõ điều kiện để Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam
Còn về xuất khẩu thì theo số liệu năm 2023 của Bộ Công thương, Mỹ đúng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nếu xét về tổng kim ngạch, đạt 96,87 tỷ USD, tiếp theo sau là Trung Quốc (35,79 tỷ USD), EU (29,4 tỷ USD), ASEAN (21,79 tỷ USD), Hàn Quốc (15,5 tỷ USD), Nhật Bản (15,23 tỷ USD). Nhưng điều đáng chú ý là so với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ giảm tới 11,6%, sang EU giảm 5,9%, sang ASEAN giảm 8%, sang Hàn Quốc giảm 3,4%, sang Nhật Bản giảm 3,5%. Trong khi đó thì giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc tăng 0,1%, sang Tây Á tăng 8,7%, sang Châu Phi tăng 6,4% (riêng Bắc Phi tăng tới 11,8%).v.v… Cán cân thương mại xuất khẩu - nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 là 28 tỷ USD, gấp 2,5 lần so với năm 2022.

“Ý kiến cho rằng Việt Nam phụ thuộc vào Mỹ về kinh tế là sai lầm. Những con số trên đã chứng minh điều đó. Chúng cho thấy mặc dù Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng cũng chỉ chiếm tới 27,2% thị phần xuất khẩu toàn cầu của Việt Nam. Dù Mỹ có cố gắng dựng lên các hàng rào phòng vệ thương mại đối với Việt Nam, với Trung Quốc và một số nước khác thì Việt Nam vẫn tìm kiếm và phát triển những thị trường xuất khẩu mới có giá trị không kém thị trường Mỹ, nhất là khu vực Tây Á, Bắc Phi và một số thị trường khác. Những con số trên cho thấy Việt Nam không hề phụ thuộc vào Mỹ về kinh tế”, - chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh với Sputnik.

“Khẳng định Việt Nam đóng vai trò đối đầu Mỹ - Trung là chưa đúng. Nhưng xu thế hoàn toàn là có thể”, - Chuyên gia kinh tế - tài chính Lý Hoài Linh bình luận với Sputnik.

Nói về vấn đề niềm tin, chuyên gia Lý Hoài Linh kể lại câu chuyện cách đây gần 20 năm:
“Gần 20 trước, khi tôi hỏi một người bạn Mỹ: “Việt Nam muốn làm bạn với Mỹ. Mỹ có tin Việt Nam không?” Câu trả lời là không. Rồi người bạn Mỹ hỏi lại: Việt Nam tin Mỹ không? Tôi trả lời: Hệ thống không tin. Tôi đã đặt câu hỏi: Làm sao để có lòng tin? Câu trả lời là: Lợi ích và kinh tế. Hợp tác kinh tế làm ăn với nhau sẽ tạo ra niềm tin”.
“Dường như 20 năm qua sự việc diễn ra như vậy. Dường như niềm tin hai bên với nhau đã lớn hơn. Quan hệ kinh tế song phương phát triển là một trong các nền tảng tạo ra niềm tin ấy. Kinh tế là hạ tầng, chính trị là thượng tầng. Niềm tin kinh tế sẽ tạo ra niềm tin chính trị”, - Chuyên gia Lý Hoài Linh nhận định trong trả lời phỏng vấn cho Sputnik.

Cần có mục tiêu rành mạch, chiến lược dài hạn và đội ngũ thực thi thiện chiến

Từ cuối những năm 1980 đầu những năm 1990 của thế kỷ trước đến hiện nay, những chính sách ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam, trong đó có các quan hệ kinh tế, thương mại và tài chính-tiền tệ đã làm cho hàng hóa của Việt Nam có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
“Cộng hưởng với phương châm quan hệ đối ngoại đó là chủ trương biến Việt Nam trở thành đối tác tin cậy, là thành viên tích cực của các tổ chức quốc tế và đặc biệt là chính sách “ngoại giao cây tre, không chọn phe” thì người Mỹ càng không thể buộc Việt Nam phải phụ thuộc vào Mỹ kể cả về kinh tế lẫn chính trị, cả về quân sự lẫn ngoại giao”, - chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.
Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng cũng lưu ý: Tất nhiên là người Mỹ luôn có trong tay hai thứ vũ khí là “cây gậy” và “củ cà rốt” trong mọi hành động đối xử của họ với phần còn lại của thế giới, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ và cũng có cả Việt Nam. Tuy nhiên, người Mỹ khó mà thống nhất được hai lực lượng “tinh hoa” chủ chốt của họ. Đó là giới tư bản tài chính-ngân hàng và giới tư bản công nghiệp-kỹ nghệ. Mâu thuẫn giữa họ là mâu thuẫn xuyên thế kỷ và chính là “lời nguyền của nước Mỹ”.
Biden tiết lộ nhận cuộc gọi từ lãnh đạo Việt Nam, Hà Nội có nâng cấp quan hệ với Mỹ?
Một khi giới tư bản tài chính ngân hàng Mỹ lên cầm quyền và tăng cường đầu tư ra nước ngoài để thu về nhiều lợi nhuận và nhập khẩu nhiều hàng hóa với giá rẻ thì đó cũng là lúc nền sản xuất nội địa của Mỹ suy yếu, công nghệ chậm phát triển, thất nghiệp gia tăng, gánh nặng ngân sách cho các mục tiêu an sinh xã hội cũng tăng theo. Còn một khi giới tư bản công nghiệp-kỹ nghệ Mỹ lên cầm quyền thì đầu tư được kéo vào trong nước, sản xuất phát triển, công ăn việc làm của dân Mỹ được tăng lên. Nhưng với giá nhân công cao và giá nhập khẩu nguyên vật liệu cũng cao lại đánh vào túi tiền lợi nhuận của giới tư bản tài chính-ngân hàng. Cứ thế, mâu thuẫn ấy kéo dài suốt từ thập kỷ này sang thập kỷ khác, từ thế kỷ trước sang thế kỷ sau.
Và bây giờ khi người Mỹ đang mất dần vai trò thống trị thế giới thì họ rất muốn lôi kéo các nước về phe với Mỹ để mong khôi phục lại vị thế của họ. Tuy nhiên, xu thế tiến tới một thế giới đa cực, nhiều trung tâm cả về kinh tế, quân sự, quyền lực chính trị là điều không thể cưỡng lại được.
“Vì Việt Nam “đọc” được những động thái đó từ Mỹ và các đối tác nên phương án xử lý những gì mà Mỹ “làm mình làm mẩy” với Việt Nam không khó. Với một thị trường rộng lớn toàn cầu và với hàng trăm đối tác lớn nhỏ và đặc biệt là trong một thế giới ngày càng có nhiều sự đan cài về quyền lợi,Việt Nam có thể tự mình tạo ra những thị trường mới từ các tiềm năng của chính mình và của đối tác mà không bị phụ thuộc vào bất kỳ một ai, kể cả các đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn hay EU.v.v…”, - chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh.
Chuyên gia Lý Hoài Linh thì lưu ý đặc biệt đến vấn đề lòng tin và hợp tác song phẳng: Đã là niềm tin, là hợp tác kinh tế… thì sẽ có phụ thuộc. Nếu hợp tác sòng phẳng, đôi bên có lợi và lợi đủ lớn thì là phụ thuộc lẫn nhau. Nếu không sòng phẳng, lợi ích không cân đối thì sẽ là sự phụ thuộc kẻ yếu vào người mạnh và kẻ yếu trở thành chư hầu, các lợi ích cốt lõi bị bỏ qua, dễ bị bán hay đổi với giá rẻ mạt. Lịch sử không thiếu các ví dụ.
“Để có sự hợp tác sòng phẳng cần có mục tiêu rành mạch, chiến lược dài hạn và đội ngũ thực thi thiện chiến. Việt Nam cần bằng mọi giá tránh thành vai trò là nơi đối đầu giữa các cường quốc bằng cách hài hòa quyền lợi kinh tế, cân bằng vị thế chính trị và tăng cường nội lực dân tộc. Chỉ khi ấy quan hệ quốc tế mới bình đẳng, mới có thể tự quyết định số phận”, - Chuyên gia kinh tế - tài chính Lý Hoài Linh phát biểu với Sputnik.
Thảo luận