Khi lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ phương tiện để xử lý theo quy định thì các đối tượng chống đối, chửi bới, đe dọa.
Nhóm lâm tặc phá rừng còn livestream
Ngày 22/2, Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) cho biết đã khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ vụ việc nhóm đối tượng phá rừng quy mô lớn xảy ra tại Tiểu khu 1003, thuộc địa phận xã biên giới Ia Mơr, huyện Chư Prông.
Thông tin trên báo Tuổi trẻ, ông Vũ Đình Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông (Gia Lai) cho biết, Thường trực Huyện ủy đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện phối hợp các đơn vị liên quan để điều tra, xác minh làm rõ và xử lý nghiêm vụ phá rừng quy mô lớn, đông người xảy ra tại xã biên giới Ia Mơ vào đêm 30 Tết (ngày 9/2).
Báo cáo của Huyện ủy Chư Prông gởi Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai vào ngày 21/2 nêu, khoảng 19h30 ngày 9/2, Tổ liên ngành số 2 cùng các lực lượng chốt bảo vệ rừng Suối Cát của xã Ia Mơ và Đồn biên phòng Ia Lốp, Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur đã tổ chức tuần tra tại khu vực rừng thuộc lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur quản lý.
Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng huyện Chư Prông xác định khoảng 30 người cùng 8 xe công nông đang vận chuyển lâm sản trái pháp luật, khối lượng trên 180 lóng gỗ tròn (gần 26m3), loại gỗ dầu.
Lực lượng chức năng cho biết, có 165 cây rừng bị cưa hạ với tổng khối lượng khoảng 50m3. Gần một nửa trong số này đã được nhóm đối tượng trên vận chuyển ra khỏi nơi khai thác.
Chống đối, xuyên tạc
Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur Nguyễn Trung Văn cũng xác nhận khi phát hiện vụ việc, lực lượng chức năng đã yêu cầu dừng hành vi vi phạm và thu giữ phương tiện, tang vật liên quan đưa về UBND xã Ia Mơ để làm việc.
Thế nhưng, những người phá rừng và vận chuyển lâm sản trái pháp luật không những không chấp hành mà còn có hành vi chống đối lực lượng thi hành công vụ.
“Những người này còn quay phim, chụp hình cũng như có nhiều lời lẽ xúc phạm lực lượng chức năng rồi bỏ đi khỏi hiện trường”, ông Nguyễn Trung Văn nói.
Theo VTV, bước đầu, lực lượng chức năng xác định Siu Loar (40 tuổi, ngụ xã Ia Piơr, huyện Chư Prông) cầm đầu, kích động chống đối, đe dọa và tổ chức nhiều vụ chặt phá rừng trên địa bàn.
Đối tượng Siu Loar đã quay phim, chụp hình, livestream rồi gửi lên các trang mạng nhằm xuyên tạc, bôi nhọ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.
Theo báo Công an TPHCM, vụ việc có tính chất phức tạp nên lãnh đạo H.Chư Prông đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân huyện phối hợp các đơn vị liên quan để điều tra, xác minh làm rõ và xử lý nghiêm vụ việc theo quy định của pháp luật.
Theo ông Trương Thanh Hà, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai lưu ý, những người phá rừng đã có tính toán, có tổ chức và bàn bạc kỹ lưỡng, tập hợp được số lượng đông.
“Họ lợi dụng đêm giao thừa để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật”, ông Hà nói.
Nóng nạn phá rừng ở Kon Tum
Tình trạng phá rừng dịp Tết nóng tại nhiều địa bàn khác ở Tây Nguyên. Tại Kon Tum, trong ngày 22/2, ông Phan Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Hiếu (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) cho biết, đơn vị đã chuyển hồ sơ và tang vật vụ phá rừng tại tiểu khu 493 và 495 cho Hạt Kiểm lâm H.Kon Plông điều tra, làm rõ theo thẩm quyền.
Chính quyền cho biết, thực hiện kế hoạch tuần tra, xử lý vi phạm luật Lâm nghiệp trước và sau Tết Nguyên đán, lực lượng liên ngành xã Hiếu cùng với người dân thôn Tu Cần (xã Hiếu) phát hiện 4 đối tượng đang dùng 3 cưa xăng để phá rừng.
Qua kiểm tra, các đối tượng đã phá diện tích 620m2 rừng chức năng phòng hộ do cộng đồng thôn Tu Cần quản lý, và 960m2 rừng chức năng sản xuất trên lâm phần Công ty TNHH MTV Kon Plông.
Lực lượng liên ngành đã lập biên bản và mời 4 đối tượng tham gia phá rừng về trụ sở UBND xã Hiếu làm việc.
Lực lượng chức năng công bố danh tính 4 đối tượng được làm gõ, gồm: A Ne, A Né, A Rong (ngụ xã Măng Cành, huyện Kon Plông) và Đình Vân Lang (ngụ xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi).
Các đối tượng khai nhận, được ông Vũ Văn H. thuê với số tiền công là 300.000 đồng/ngày/người để cưa cây rừng.
Làm việc với cơ quan chức năng, ông Vũ Văn H. (SN 1975, ngụ tỉnh Đăk Nông) thừa nhận, có thuê 4 đối tượng trên đi cắt dọn cây rừng tại địa bàn xã Hiếu và xã Pờ Ê với tổng số tiền là 10 triệu đồng.
Mở rộng phạm vi kiểm tra, lực lượng liên ngành xã Hiếu phát hiện cũng tại tiểu khu 493 (cách vị trí vi phạm trên khoảng 1000m) có 4.200m2 rừng chức năng phòng hộ bị phá. Thời điểm kiểm tra chưa xác định được đối tượng vi phạm.
Trên địa bàn xã Pờ Ê (giáp ranh với xã Hiếu), lực lượng liên ngành cũng phát hiện tại tiểu khu 440, lâm phần UBND xã Pờ Ê quản lý có 1.120m2 rừng chức năng phòng hộ bị phá. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng cũng chưa xác định đối tượng vi phạm.