Việc cấp thẻ căn cước sẽ thực hiện từ ngày 1-7, áp dụng với các trường hợp sau: thẻ CCCD hết hạn, công dân đến tuổi cấp lần đầu, người có nhu cầu đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước hoặc có thay đổi thông tin liên quan đến cá nhân.
Dồn lực đổi thẻ căn cước
Thông tin trên báo Thanh Niên, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) thông tin cho biết, Bộ Công an "đang dồn nhân lực để chuẩn bị mọi thứ" trước khi luật Căn cước được áp dụng.
Như đã thông tin, Luật Căn cước sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-7-2024, thay thế luật Căn cước công dân.
Từ 1-7, thẻ căn cước công dân của Việt Nam cũng chính thức có tên gọi mới là thẻ căn cước, với nhiều thay đổi cả về nội dung lẫn hình thức.
Tính đến cuối năm 2023, Bộ Công an đã cấp hơn 83 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip cho người dân trên toàn quốc.
Theo Đại tá Vũ Văn Tấn, khi luật Căn cước có hiệu lực, thẻ căn cước công dân vẫn có giá trị sử dụng hết thời hạn ghi trên thẻ, vì thế người dân không bắt buộc phải cấp đổi.
Việc cấp thẻ căn cước sẽ thực hiện từ ngày 1-7, và áp dụng với các trường hợp như thẻ căn cước công dân hết hạn, công dân đến tuổi cấp lần đầu, người có nhu cầu đổi từ thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước hoặc có thay đổi thông tin liên quan đến cá nhân.
"Đặc biệt, với thẻ CCCD hết hạn từ nay đến trước ngày 1-7, người dân không cần phải đi làm thủ tục cấp lại thẻ, cứ dùng và đợi làm luôn thẻ căn cước mới", - theo báo Thanh Niên dẫn lời Đại tá Tấn.
Đại diện Bộ Công an nhấn mạnh, người dân không nên đổ xô đi đổi thẻ căn cước, bởi thẻ CCCD cũ vẫn có thể sử dụng đến khi hết thời hạn in trên bề mặt.
Tuy vậy, theo Đại tá Tấn, trong trường hợp xảy ra việc người làm thủ tục cấp thẻ căn cước tăng đột biến, Bộ Công an sẽ đáp ứng được.
"Bộ đã chủ động xây dựng kế hoạch cả về nhân lực và vật lực, đến tận công an cấp xã, để phục vụ nhu cầu của người dân", - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội khẳng định.
Chuẩn bị để thu thập dữ liệu ADN, mống mắt, giọng nói
Khi luật Căn cước có hiệu lực, kể từ 1-7, khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước, cơ quan quản lý căn cước sẽ thu thập thông tin về mống mắt của người dân để cập nhật vào cơ sở dữ liệu căn cước.
Việc thu thập được thực hiện bằng thiết bị chuyên dụng. Cùng với kinh nghiệm của các nước, tại Việt Nam cho rằng, việc thu thập mống mắt sẽ giúp đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân, hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay (người khuyết tật, vân tay bị biến dạng…).
Luật Căn cước còn quy định thu thập cả ADN và giọng nói vào cơ sở dữ liệu căn cước. Tuy nhiên, khác với mống mắt (bắt buộc thu thập), thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói sẽ có 2 hình thức thu thập.
Cụ thể, đầu tiên là khi người dân tự nguyện cung cấp và thứ hai là cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân, thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào cơ sở dữ liệu căn cước.
Nói về vấn đề này, Đại tá Vũ Văn Tấn thông tin, Bộ Công an đang gấp rút chuẩn bị về mặt hạ tầng kỹ thuật để việc thu thập dữ liệu ADN, mống mắt, giọng nói tương đồng với quy chuẩn quốc tế.
Việc này, theo lãnh đạo C06, vừa tiết kiệm kho lưu trữ, vừa chính xác khi đối sánh; đồng thời bảo mật tuyệt đối.
Theo Đại tá Vũ Văn Tấn, dù không bắt buộc phải đổi thẻ CCCD sang thẻ căn cước nhưng người dân nên đi bổ sung dữ liệu sinh trắc học về ADN, mống mắt và giọng nói.
Việc này mang lại rất nhiều lợi ích, ví dụ như liên quan đến sức khỏe hoặc bị giả mạo thì dữ liệu sinh trắc học sẽ giúp xử lý chính xác và nhanh hơn.
Thẻ căn cước mới có gì khác?
Không chỉ thay đổi về tên gọi, mẫu thẻ mới được đề xuất rất nhiều điểm khác biệt so với thẻ căn cước công dân (CCCD).
Trong đó, Bộ Công an đề xuất mẫu thẻ căn cước mới sẽ không còn mục quê quán, nơi đăng ký khai sinh, vân tay, đặc điểm nhận dạng...
Cụ thể, mục "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú", đồng thời di chuyển sang mặt sau của thẻ thay vì mặt trước như hiện nay.
Chữ ký của cơ quan cấp thẻ đổi từ "Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội" thành "Bộ Công an".
Đáng chú ý, trên thẻ căn cước mới sẽ không còn các thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay ngón trỏ trái và ngón trỏ phải (vốn hiện có trên chứng minh nhân dân (CMND) và CCCD).
Việc lược bỏ vân tay, đặc điểm nhân dạng trên mẫu thẻ mới, theo Bộ Công an, nhằm bảo đảm tính riêng tư cho công dân trong quá trình sử dụng thẻ.
Dù không còn thể hiện trên mặt thẻ nhưng những thông tin này vẫn sẽ được quản lý thông qua bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ (chip điện tử).
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể khai thác thông tin bằng các phương tiện nghiệp vụ, không phát sinh vướng mắc.
Mã QR code trên thẻ căn cước cũng được đề xuất chuyển sang mặt sau, thay vì mặt trước như hiện hành. Thông tin trong mã QR code bao gồm: họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân của chủ hộ, cha, mẹ, vợ, chồng, con; số CMND 9 số (nếu có); số định danh cá nhân đã hủy (nếu có).
Điểm mới nữa của luật Căn cước so với luật CCCD, đó là người dưới 14 tuổi cũng sẽ được cấp thẻ căn cước (theo nhu cầu, không bắt buộc).
Để triển khai việc này, Bộ Công an đề xuất 2 mẫu thẻ dành cho người từ 6 tuổi trở lên và người từ 0 - 6 tuổi.
Với người từ 6 tuổi trở lên, mẫu thẻ căn cước theo quy chuẩn chung, như đã đề cập ở trên. Với người từ 0 - 6 tuổi, mặt trước của thẻ căn cước sẽ không có ảnh của người được cấp thẻ.
Giấy chứng nhận căn cước
Tại Khoản 5 Điều 30 Luật Căn cước (có hiệu lực từ 1/7 tới đây) lần đầu tiên đề cập về giấy chứng nhận căn cước.
Theo đó, giấy được cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 6 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.
Giấy có giá trị chứng minh về căn cước với người gốc Việt Nam, để thực hiện các giao dịch trên nước mình.
Theo dự thảo thông tư, giấy chứng nhận căn cước in bằng giấy, có hình chữ nhật, kích thước 125 x 170 mm. Nền mặt trước giấy in bản đồ hành chính Việt Nam màu đỏ cùng với trống đồng, các hoa văn họa tiết truyền thống trang trí in màu xanh. Quốc huy được in màu trực tiếp trên giấy.
Bề mặt giấy còn thể hiện các thông tin như số định danh cá nhân, họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, tình trạng hôn nhân, nơi ở hiện tại...Người ký là Giám đốc Công an.