Công suất điện gió Lào muốn bán cho Việt Nam vượt khả năng tiếp nhận của lưới điện khu vực

HÀ NỘI (Sputnik) - Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN cho biết đã nhận được đề xuất từ 7 dự án điện gió của Lào, tổng công suất gần 4.150 MW.
Sputnik
Thông tin được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra trong báo cáo vừa gửi Bộ Công Thương về chủ trương nhập khẩu điện gió từ Lào về Việt Nam đi qua khu vực Quảng Trị.
EVN cho biết đã nhận được đề xuất từ 7 dự án điện gió của Lào muốn bán điện cho Việt Nam, với tổng công suất gần 4.150 MW. Trong số trên, công suất nhà đầu tư Lào đề nghị bán trước năm 2025 là hơn 682 MW, số còn lại sau thời gian này. Các dự án điện gió từ Lào dự kiến đưa về Việt Nam qua đường dây truyền tải khu vực Quảng Trị. Tức là lượng điện mua về sẽ phụ thuộc lớn vào các hạ tầng khu vực này.
Cụ thể, theo Tuổi Trẻ Online, trong số này có Công ty TNHH đầu tư và thương mại Vinacom nhiều lần có kiến nghị EVN về việc đã triển khai dự án điện gió Savan 1 tại tỉnh Savanakhet (Lào) với công suất 495MW.
Qua làm việc với EVN, khả năng giải tỏa công suất của dự án Savan 1 thông qua trạm biến áp (TBA) 220kV Lao Bảo có thể lên tới 300MW, trong bối cảnh trạm 500kV Hướng Hóa (có khả năng giải tỏa công suất cao hơn - PV) chưa đi vào vận hành.
Dự kiến dự án đưa vào khai thác trước ngày 31/12/2025. Vì vậy, Công ty Vinacom đề xuất EVN có kiến nghị tới Bộ Công Thương về chủ trương nhập khẩu dự án điện gió Savan 1 và cam kết đưa dự án vào vận hành năm 2025 để góp phần cung ứng điện cho miền Bắc Việt Nam.
Đồng thời, doanh nghiệp này cũng cam kết chỉ đưa vào vận hành 300MW trong thời gian TBA 500kV Hướng Hóa chưa đi vào vận hành. Toàn bộ công suất dự án là 495MW sẽ chỉ được vận hành sau khi trạm 500kV Hướng Hóa đi vào vận hành.
Nhà đầu tư quốc tế rời bỏ điện gió Việt Nam, chuyện gì đang xảy ra?
Bên cạnh đó, cụm nhà máy điện gió Savan 1 và 2 (công suất 2x495MW) hiện đã ký hợp đồng phát triển dự án (PDA) với Chính phủ Lào; nếu được phê duyệt chủ trương nhập khẩu năm 2023, dự án Savan 1 sẽ đưa vào vận hành năm 2025 và bán điện cho Việt Nam.
Các dự án như điện gió Savannakhet và Salavan (công suất 2x756MW), dự kiến đấu nối theo đường dây 220kV mạch kép tới TBA 500kV Hướng Hóa.
Dự án điện gió AMI Savanakhet (công suất 187,2MW) có phương án đấu nối với đường dây 200kV mạch đơn vào thanh cái 200kV trạm 500kV Hướng Hóa. Nhà đầu tư sẽ xây dựng toàn bộ công trình lưới điện phục vụ đấu nối, gồm cả đường dây từ biên giới Lào - Việt Nam về TBA 500kV Hướng Hóa.
Với hai dự án điện gió RT Savannakhet V1 (880MW) và Saravane ARL1 (380MW), phương án đấu nối sẽ là thu gom chung tại TBA 500kV của Lào, xây dựng đường dây 500kV mạch đơn đến TBA 500kV Xebahieng trên lãnh thổ Lào. Sau đó xây dựng đường dây 500kV mạch kép từ TBA 500kV Xebahieng đến TBA 500kV Hướng Hóa.
Dự án có tiến độ vào quý 4/2025 nhà đầu tư sẽ xây dựng toàn tuyến đường dây từ Lào về Việt Nam.
Việt Nam nhập khẩu điện gió từ Lào vì “nhiệm vụ chính trị”?
EVN cũng nhận được đề nghị của Tập đoàn ASEAN Group về việc xem xét phương án đấu nối các dự án điện gió với tổng công suất 1.000MW từ Lào về hệ thống điện Việt Nam. Nhà đầu tư này đề xuất 5 dự án điện gió đấu nối tại các khu vực khác nhau.
Tuy nhiên, theo EVN, công suất điện gió các nhà đầu tư Lào muốn bán cho Việt Nam hiện đang vượt khả năng tiếp nhận của lưới điện khu vực. Phần lớn các đường dây 200 kV, 110 kV tại khu vực này thường xuyên vận hành ở mức 80 - 100% công suất cho phép. Riêng các tháng mùa khô (tháng 5 - 7), khu vực này chỉ tiếp nhận được tối đa 300 MW, các tháng còn lại trong năm tiếp nhận ở mức thấp hơn.
Theo EVN, trước khi đưa vào vận hành trạm biến áp 500 kV Lao Bảo, khu vực này khó tiếp nhận thêm công suất nhập khẩu từ Lào do hiện các đường dây 220 kV đều vận hành ở chế độ tải cao. Nếu bổ sung thêm hạ tầng lưới, trạm biến áp 500 kV Hướng Hóa và các đường dây đấu nối (dự kiến từ cuối 2027), khả năng nhận điện từ Lào tăng lên 2.500 MW nhưng vẫn thấp hơn gần 1.650 MW so với tổng công suất điện gió của các nhà đầu tư muốn bán cho Việt Nam là gần 4.150 MW.
Thảo luận