Trung Quốc chế tạo máy bay chở khách C919 để cạnh tranh với hãng lớn của phương Tây là Boeing và Airbus. Chính Chủ tịch Tập Cận Bình đặt kỳ vọng ở mẫu máy bay C919 và ví đây như "động lực cho mô hình phát triển mới" của Trung Quốc.
2 máy bay “made in China” lần đầu đến Việt Nam
Các máy bay chở khách do Trung Quốc sản xuất chính thức chào hàng tại Việt Nam thông qua triển lãm máy bay thương mại Comac Airshow.
Đây là lần đầu tiên Comac Airshow tổ chức tại Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng trở thành điểm dừng nước ngoài thứ hai của C919 sau Singapore.
Cụ thể, sau khi hoàn tất tham gia Singapore Airshow 2024, cặp máy bay C919 và ARJ21 bay made in Chian đã bay thẳng tới sân bay Vân Đồn để tiếp tục tham gia triển lãm và trình diễn máy bay của tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) kéo dài trong 4 ngày, từ 26 - 29/2.
Theo báo Vnexpress, 8h43 sáng nay, Comac C919 đã rời sân bay Changi sau khi trình diễn tại Singapore Airshow để bay thẳng đến cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) và máy bay này đã hạ cánh lúc 11h45.
Báo của tỉnh Quảng Ninh thì cho hay, đúng 11h50 và 12h40 ngày 26/2, lần lượt hai máy bay C919 và ARJ21 của Comac Air đã hạ cánh Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, bắt đầu chuỗi sự kiện triển lãm và trình diễn Comac Airshow.
Đáng chú ý, để chào đón 2 mẫu máy bay của Comac Air đến Việt Nam tham gia Comac Airshow, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã tổ chức nghi thức phun vòi rồng chào đón.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt kỳ vọng
Như đã biết, Trung Quốc chế tạo máy bay chở khách C919 để cạnh tranh với hãng lớn của phương Tây là Boeing và Airbus.
Không chỉ được phát triển mạnh mẽ, các máy bay C919 và ARJ21 còn được đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lựa chọn đề cao như “động lực cho mô hình phát triển mới” của Trung Quốc.
Chính quyền của ông Tập Cận Bình đã kỳ vọng C919 sẽ giúp Trung Quốc phá vỡ thế độc quyền của Boeing và Airbus trên thị trường sản xuất máy bay thương mại.
Máy bay này cũng đã đưa Trung Quốc vào danh sách các nước ít ỏi có thể tự thiết kế và sản xuất máy bay, gồm Mỹ, Nga, Brazil, Canada, Anh, Pháp và Đức.
Máy bay chở khách cỡ lớn C919 dài gần 39m, có 158-192 chỗ ngồi, tầm bay tối đa 4.075km, cấu hình ghế tương tự các mẫu Boeing 737 Max và Airbus A320/321 với một lối đi ở giữa và hai hàng ghế, mỗi bên 3 chiếc.
Ngày 28/5/2023, máy bay này đã thực hiện thành công chuyến bay thương mại đầu tiên, tính đến nay tổng cộng đã có 4 chiếc máy bay loại này được đưa vào vận hành, vận chuyển an toàn hơn 110.000 lượt hành khách, là sự kiện gây chấn động với ngành hàng không thế giới.
Hãng hàng không China Eastern Airlines đã thực hiện chuyến bay đầu tiên của Comac C919. Hãng này nhận chuyển giao máy bay C919 vào tháng 12/2022.
Máy bay chở khách ARJ21 là máy bay phản lực hai động cơ có 78-97 chỗ ngồi, phạm vi hoạt động khoảng 3.200 km, được đưa vào khai thác từ năm 2016, đến nay đã có tổng số 127 chiếc được đưa vào sử dụng, vận chuyển an toàn hơn 11 triệu lượt hành khách.
Khẳng định vị thế của sân bay Vân Đồn
Để chuẩn bị cho sự kiện này, hồi tháng 1/2024, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã có cuộc làm việc với đại diện Cục hàng không dân dụng Trung Quốc, đại diện Comac Air để trao đổi, thống nhất kế hoạch mở đường bay thương mại mới kết nối một số tỉnh của Trung Quốc với Vân Đồn, Quảng Ninh.
Theo kế hoạch dự kiến, sáng mai, ngày 27/2, máy bay của Comac sẽ có màn trình diễn ở Vân Đồn.
Đại biểu và khách mời sẽ được tham quan và trải nghiệm bay thử trên các máy bay này.
Sau khi được trưng bày tĩnh ở đây, tàu bay này sẽ bay đi Côn Đảo, Tân Sơn Nhất, Đồng Hới, Đà Nẵng, TP HCM và TP Vientiane (Lào).
Vnexpress cũng cho biết, tàu bay C919 của Comac mang đến Việt Nam có số đăng bạ B-001F. Đây cũng là chiếc được hãng bay trình diễn vài lần trong tuần qua tại triển lãm hàng không ở Singapore.
Quảng Ninh coi trọng và đánh giá cao sự kiện này. Lãnh đạo địa phương bày tỏ, việc Comac Airshow được tổ chức tại Vân Đồn, lần đầu tại Việt Nam đã khẳng định vị thế sân bay tư nhân đầu tiên và hàng đầu của Việt Nam - nơi có đầy đủ hạ tầng tổ chức các sự kiện lớn của ngành hàng không trên toàn thế giới.
Cùng với đó, sự kiện sẽ tạo tiền đề cho việc khai thác các chuyến bay thương mại từ các tỉnh, thành phố của Trung Quốc đến Vân Đồn.
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cho biết, sự kiện này sẽ tạo tiền đề cho việc khai thác các chuyến bay thương mại từ các tỉnh, thành phố của Trung Quốc đến Vân Đồn, Quảng Ninh và trước mắt là từ thành phố Sán Đầu (thành phố ven biển thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) tới Vân Đồn (Quảng Ninh).
Tăng cường hợp tác
Theo chương trình, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ tiếp riêng ông Hùng Ba, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và đại diện tập đoàn Comac để bàn hợp tác phát triển đường bay Trung Quốc tới Vân Đồn và việc Comac nghiên cứu mở văn phòng đại diện tại Quảng Ninh.
Ngoài ra, trong ngày mai 27/2, đại diện lãnh đạo Bộ GTVT, và các hãng hàng không Việt Nam, Trung Quốc cũng sẽ tham quan và trải nghiệm bay thử trên các máy bay và tiếp tục thảo luận, thống nhất, cụ thể hóa một số chương trình hợp tác giữa các bên.
Trước Comac Airshow, ngày 5-6/11/2022 tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cũng đã diễn ra một triển lãm, trưng bày dòng máy bay tư nhân hiện đại của hãng máy bay Gulfstream và hãng hàng không Sun Air của tập đoàn Sun Group.