Áp giá sàn vé máy bay, Việt Nam đang đi ngược thế giới?

CC BY 2.0 / Alisé Kim / Vietravel Airlines Airbus A321-211 VN-A278Airbus A321-211 công ty Vietravel Airlines
Airbus A321-211 công ty Vietravel Airlines - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.04.2023
Đăng ký
Theo chuyên gia, việc áp giá sàn vé máy bay là đi ngược với xu hướng hàng không thế giới, đây là hành động can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường, giảm tính cạnh tranh, không có lợi cho người tiêu dùng.
Do còn nhiều quan điểm khác nhau về trần giá vé máy bay, thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá tác động nếu bỏ trần giá vé máy bay, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Tranh cãi áp giá trần vé máy bay

Như Sputnik đưa tin, thời gian qua, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải đều đề nghị giữ trần vé máy bay nội địa.
Lý do cần áp giá trần là Nhà nước cần công cụ điều tiết, tránh trường hợp các hãng hàng không đưa ra giá vé quá cao, nhất là một số tuyến có cạnh tranh hạn chế. Việc này sẽ làm hạn chế cạnh tranh và ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng, tác động tiêu cực xã hội.
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa diễn ra ngày 6/4, ông Phạm Văn Hoà, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp ủng hộ quy định trần giá vé máy bay, và đề nghị dự thảo luật bổ sung thêm giá tối thiểu (giá sàn) với loại dịch vụ này.
ĐBQH Phạm Văn Hoà cho rằng, giá vé 0 đồng có lợi cho người tiêu dùng, nhưng lại không tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng hàng không. Ngoài ra, lý do các hãng hàng không đưa ra để giải thích việc không muốn bỏ giá trần do thời gian vừa rồi bị lỗ, nhưng theo ông Hoà, lỗ vừa rồi của các hãng phần lớn do tác động của dịch bệnh, không phải do quy định giá trần.
Vị đại biểu này cũng nhấn mạnh rằng, nếu lỗ thì làm gì có thêm hãng hàng không mới vận hành, làm gì có các nhà đầu tư chuẩn bị rót vốn, xin mở mới hãng hàng không tại Việt Nam.
Phát biểu sau đó, đại diện cơ quan soạn thảo dự Luật Giá (sửa đổi) - Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khen ý kiến đại biểu Phạm Văn Hoà "rất hay, hợp lý".
Ông Phớc nói cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu và báo cáo Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định. Bộ trưởng Phớc nêu thêm, nếu giá vé 0 đồng hay 200.000 hoặc 500.000 đồng, các hãng hàng không sẽ không đủ chi phí nhiên liệu, chưa nói tới tiền trả lương cho người lao động, khấu hao.
"Những hãng hàng không chuyên nghiệp sẽ thua, hay nói cách khác là bị hàng không giá rẻ đánh bại, dẫn đến vấn đề lợi nhuận độc quyền", - Bộ trưởng phân tích.
Dù vậy, theo Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ trần giá vé máy bay và dịch vụ cảng biển. Bởi, điều chỉnh giá trần của cơ quan Nhà nước thường chậm, không theo kịp biến động thị trường, nên gây khó khăn, làm mất đi nguồn lực, nguồn thu ngân sách.
Cạnh đó, việc áp giá trần không phù hợp thông lệ quốc tế, không công bằng với các loại dịch vụ khác như vận chuyển hành khách bằng tàu hoả, vận tải hành khách tuyến cố định, hay taxi đều do doanh nghiệp tự định giá và kê khai giá với cơ quan quản lý.

"Không cần thiết và không nên"

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nói thẳng về việc áp giá sàn vé máy bay là không cần thiết và không nên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam, Trung Quốc - Sputnik Việt Nam, 1920, 23.02.2023
Hải Nam sẽ sớm khôi phục các chuyến bay và tuyến du lịch biển đến Việt Nam
Báo Kinh tế và Đô thị dẫn lời vị chuyên gia lưu ý, nếu áp mức giá sàn là hành động can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường, nếu không có cạnh tranh bình đẳng, sẽ tạo ra tình trạng nhiều doanh nghiệp độc quyền bắt tay với nhau làm lũng đoạn thị trường.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cũng chỉ rõ, các loại vé 0 đồng, vé khuyến mại giá rẻ chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, không phải phổ biến. Trong kinh doanh, bất kỳ hãng hàng không nào họ cũng đều có hạch toán bài toán kinh tế của riêng mình. Các vé 0 đồng, vé khuyến mại chủ yếu được áp dụng vào các chuyến bay ban đêm, đây là cách để họ kích cầu tiêu dùng. Các chương trình khuyến mại đưa ra đều đã được tính toán, cân đối đảm bảo lợi ích của họ.

"Đã làm kinh doanh thì không doanh nghiệp nào chịu làm không công và chấp nhận thua lỗ. Vì vậy, nên để các hãng hàng không được cạnh tranh bình đẳng, công bằng trong cơ chế thị trường", - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu.

Ngược với thế giới

Ngày 8/4, đại diện hãng Vietravel Airlines trao đổi với báo chí cho biết, việc áp dụng giá vé tối thiểu sẽ giảm tính cạnh tranh, ảnh hưởng sự phục hồi của ngành hàng không, thậm chí triệt tiêu bản chất vốn có của kinh tế thị trường.

"Hiện tại cơ quan quản lý Việt Nam đã có quy định giá trần với đường bay. Theo đó, đường bay dưới 500 km có mức giá vé tối đa 1 chiều là 1,6 triệu đồng/vé cho đường bay kinh tế, xã hội và 1,7 triệu đồng/vé cho các đường bay khác", - Tiền Phong dẫn quan điểm của Vietravel Airlines cho hay.

Theo đó, những đường bay có khoảng cách từ 500 km đến dưới 850 km, giá vé tối đa 2,2 triệu đồng/vé 1 chiều. Từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức giá tối đa 2,79 triệu đồng/vé. Còn với đường bay từ 1.280 km trở lên, mức giá tối đa 1 chiều là 3,75 triệu đồng/vé.
"Như vậy, việc áp dụng giá sàn tại thị trường hàng không Việt Nam là chưa có tiền lệ. Trên thế giới, hiện tại cũng không có quốc gia nào quản lý vé máy bay bằng giá trần hay giá sàn", - Vietravel Airlines nói thẳng.
Vietravel Airlines cũng dẫn chứng một số quốc gia đã bỏ quy định về giá sàn. Cụ thể, trong giai đoạn 2016- 2017, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã quyết định bãi bỏ quy định giá vé tối thiểu cho vé máy bay sau một thời gian ngắn áp dụng vì nhận ra mất nhiều hơn được khi đánh mất lợi thế cạnh tranh với các hãng khác trong khu vực. Bên cạnh đó, ngành du lịch các quốc gia này bị sụt giảm vì giá vé bay kém cạnh tranh.
Máy bay chở khách đậu tại sân bay quốc tế Sheremetyevo - Sputnik Việt Nam, 1920, 30.03.2023
Nga phối hợp mở lại đường bay với Việt Nam
Trong khu vực Đông Nam Á, tại các nước thu hút khách du lịch như Thái Lan, Singapore và Malaysia, các hãng hàng không cũng thực hiện cạnh tranh tự do, giá vé do thị trường quyết định và tự điều chỉnh theo xu hướng cung và cầu vào từng thời điểm.
"Vậy tại sao việc áp dụng quy định về giá sàn lại kiềm hãm sự phát triển của hàng không? Việc áp dụng giá sàn hoặc giá trần sẽ triệt tiêu yếu tố kinh tế thị trường theo đúng bản chất của nó chứ không mang lại lợi ích trong việc điều hành và phát triển dịch vụ của hãng hàng không, đồng thời việc áp khung giá cũng sẽ triệt tiêu tính cạnh tranh và gây tổn hại trực tiếp đến lợi ích của người tiêu dùng", - đại diện Vietravel Airlines thắng thắn.
Khi đưa ra mức quy định về khung giá sẽ khiến vé máy bay về cùng một mức, dần sẽ triệt tiêu tính năng động và đa dạng của ngành hàng không, từ phía người tiêu dùng cũng mất đi cơ hội có thêm nhiều lựa chọn phù hợp. Ngoài ra, các hãng hàng không giá rẻ sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận khách hàng khi những hãng hàng không nổi tiếng có nhiều dịch vụ trọn gói hơn sẽ được khách hàng ưu tiên lựa chọn.
Phía Vietravel Airlines giữ quan điểm, mức giá sàn cũng phải được xem xét kỹ lưỡng vì nếu cơ quan quản lý Việt Nam đề xuất giá sàn ở mức khá cao sẽ dẫn đến tình trạng không thể tiếp cận được khách hàng ở phân khúc thấp.

"Việc áp dụng giá sàn vào giá vé máy bay được xem như đang đi ngược xu hướng phát triển của thế giới, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của ngành hàng không Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung", - đại diện hãng hàng không tư nhân Vietravel Airlines lưu ý.

Bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất áp giá sàn vé máy bay, PGS.TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, việc áp giá sàn vé máy bay là đi ngược với xu hướng hàng không thế giới, đặc biệt là xu hướng phát triển của hàng không giá rẻ. Bên cạnh đó, việc áp giá sàn vé máy bay gây hệ lụy rất lớn trong việc phục hồi kinh tế, phục hồi ngành du lịch và tước bỏ quyền đi lại bằng đường hàng không với giá rẻ của hàng chục triệu người.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала