Mặc dù hiện nay hầu hết thông tin được tìm thấy trên Internet, nhưng, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học không thể thực hiện được nếu không có các ấn phẩm và tài liệu lưu trữ quý hiếm. Và không phải tất cả những cuốn sách mà bạn muốn nghiên cứu đều có thể tìm thấy trên mạng lưới do Internet liên kết tạo ra, đặc biệt là World Wide Web ngày càng được thương mại hóa.
Tất cả những điều này đều có liên quan đến ngành Việt Nam học ở Nga. Sự quan tâm đến Việt Nam ở Nga đang có chiều hướng tăng lên. Ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục đào tạo sinh viên trở thành các chuyên gia tư vấn về các vấn đề của Việt Nam đang rất cần thông tin về quốc gia Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng này.
Phòng thư viện Việt Nam tại Viện nghiên cứu của nước Nga
Họ có thể lấy thông tin này tại Phòng thư viện Việt Nam được mở tại trung tâm hàng đầu về nghiên cứu châu Á ở Nga - Viện Trung Quốc và châu Á đương đại ở thủ đô Matxcơva. Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã giúp hiện thực hóa ý tưởng của các cán bộ Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Trung Quốc và châu Á đương đại về việc thành lập Phòng thư viện Việt Nam, còn Quỹ thúc đẩy phát triển hợp tác Nga-Việt "Truyền thống và Hữu nghị" đã sửa chữa và trang bị phòng thư viện, cung cấp đồ nội thất và thiết bị điện tử.
Phát biểu tại buổi lễ khai trương Phòng thư viện Việt Nam, Giám đốc Viện Trung Quốc và châu Á đương đại, ông Kirill Babaev nhấn mạnh rằng, đây là một sự kiện đặc biệt trong mối quan hệ giữa hai nước bởi vì không thể thúc đẩy mối quan hệ này nếu không hiểu biết về lịch sử, kinh tế, văn hóa cũng như những thành tựu khoa học của Việt Nam.
“Chúng ta khai trương cả một kỷ nguyên mới trong lịch sử mối quan hệ khoa học và văn hóa giữa LB Nga và Việt Nam. Đây sẽ là điểm thu hút cả những người Nga đang nghiên cứu Việt Nam cũng như những người Việt Nam đang công tác, học tập tại Nga và muốn biết nhiều hơn về ngành Việt Nam học ở Nga. Chúng tôi hy vọng rằng, Phòng thư viện Việt Nam sẽ trở thành xuất phát điểm cho nhiều bài viết khoa học chất lượng, những cuốn sách mới, các dự án nghiên cứu, cũng như những ý tưởng đột phá mới. Cánh cửa của phòng thư viện luôn rộng mở chào đón sinh viên, nghiên cứu sinh, nhà khoa học từ khắp nước Nga và từ nước ngoài”, - Giám đốc Viện Trung Quốc và châu Á đương đại, ông Kirill Babaev nói.
Hội trường Việt Nam khai mạc tại ICS RAS
© Ảnh : Nikulina
Phòng thư viện Việt Nam mới được thành lập và kho sách chưa lớn. Nhưng nó chứa đựng tất cả các ấn phẩm của Viện Trung Quốc và châu Á đương đại trước đây gọi là Viện Viễn Đông bao gồm nhiều công trình cơ bản về chính sách đối nội và đối ngoại, lịch sử, kinh tế và văn hóa Việt Nam, quan hệ Nga-Việt và những vấn đề của các nước ASEAN. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam sẽ giúp bổ sung sách với các tác phẩm văn học hiện đại của Việt Nam. Các nhà Việt Nam học hàng đầu của Nga trao tặng cho thư viện những ấn phẩm quý hiếm bằng tiếng Nga, tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp; các tủ sách của một số học giả quá cố đã được chuyển giao cho phòng thư viện, chẳng hạn như tủ sách của nhà hoạt động xã hội nổi tiếng Grigory Lokshin, chuyên gia về lịch sử ĐCS Việt Nam, các vấn đề Biển Đông và ASEAN. Còn nhà khoa học trẻ Alexander Butko từ Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, người vừa bảo vệ luận án tiến sĩ, đã trao tặng cho Phòng thư viện Việt Nam bản sao các tài liệu từ kho lưu trữ Việt Nam mới được giải mật liên quan đến lịch sử của cuộc kháng chiến lần thứ hai. Qua đó đánh dấu việc thành lập kho lưu trữ tại Phòng thư viện Việt Nam.
TS Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, nhấn mạnh rằng, Phòng thư viện Việt Nam sẽ không chỉ là phòng đọc các cuốn sách nghiên cứu. Các nhà Việt Nam học sẽ tổ chức các cuộc họp mỗi tháng một lần để thảo luận về những vấn đề cấp bách nhất; các bài giảng và hội thảo sẽ được tổ chức tại đây. Tại phòng thư viện cũng sẽ tiến hành các cuộc họp ban giám khảo của cuộc thi thường niên mới dành cho bài viết, cuốn sách hoặc luận văn hay nhất về Việt Nam, cuộc thi này được tổ chức theo sáng kiến của Quỹ Truyền thống và Hữu nghị.
Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi nhắc nhở về lời tuyên bố của Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin trong thời gian chuyến thăm Việt Nam: mối quan hệ Nga-Việt không chỉ là quan hệ đối tác mà là quan hệ bạn bè chiến lược. “Cộng đồng khoa học là một kênh đặc biệt để tương tác và tăng cường liên lạc giữa hai nước, bảo tồn và truyền tải cẩn thận cho thế hệ trẻ ký ức những trang sử vẻ vang chung của hai nước, đồng thời cũng kết nối trái tim và tâm hồn của con người. Tầm quan trọng của công việc này tăng lên đáng kể trong điều kiện địa chính trị khó khăn hiện nay. Chúng tôi rất vui mừng khi ngày càng có nhiều bạn trẻ ở Nga quan tâm đến Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng, năm nay chúng ta sẽ cùng nhau kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga và kỷ niệm 50 năm ngày đoàn sinh viên Việt Nam đầu tiên đến Nga, và Phòng thư viện Việt Nam sẽ tham gia tích cực vào việc này”.
Hội trường Việt Nam khai mạc tại ICS RAS
© Ảnh : Nikulina
Một trong những nhân vật lỗi lạc của ngành Việt Nam học ở Nga
Chẳng bao lâu nữa Phòng thư viện Việt Nam sẽ nhận được sách từ thư viện phong phú của nhà khoa học kiệt xuất Oksana Vladimirovna Novakova, người đã qua đời vào mùa hè năm 2023. Ngày 20/1 năm nay kỷ niệm 85 năm ngày sinh của Oksana Vladimirovna. Gần đây, Học viện các nước Á-Phi trực thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcova mang tên M.V.Lomonosov, nơi bà đã từng tốt nghiệp và là nơi bà làm giảng viên suốt cuộc đời, đã tổ chức một hội thảo dành riêng cho sự kiện này. Các đồng nghiệp và sinh viên của bà đã hồi tưởng lại những ký ức đẹp và đọc báo cáo về Oksana Novakova. Từ những ký ức này nảy sinh hình ảnh một con người yêu đời, yêu khoa học, yêu học trò, yêu Việt Nam, một nhà nghiên cứu dũng cảm và chu đáo, một nhà tổ chức không biết mệt mỏi, một người thầy nghiêm khắc nhưng luôn sẵn sàng giúp đỡ. Oksana Novakova là chuyên gia hàng đầu của Nga về lịch sử hiện đại của Việt Nam, cũng như lịch sử Công giáo ở đất nước này và ở Đông Nam Á.
Bà Novakova muốn để sinh viên có cách tiếp cận khoa học đến việc nghiên cứu lịch sử, bà đã đào tạo một lượng lớn các chuyên gia về lịch sử Việt Nam. Trong thời kỳ khó khăn của khoa học Nga cuối thế kỷ 20 - đầu thế kỷ 21, Oksana Novakova đã thành lập Trung tâm nghiên cứu các vấn đề đương đại ở Đông Nam Á và Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Học viện các nước Á-Phi. Tại những buổi hội thảo và tiệc trà được tổ chức hàng tháng, các chuyên gia đã thảo luận về những vấn đề cấp bách nhất của khu vực cùng với những vị khách thú vị. Kết quả của những cuộc thảo luận này là việc phát hành sách và hợp tuyển Thái Bình Dương. Oksana Novakova đã viết hàng chục bài khoa học, nổi bật nhờ việc sử dụng dữ liệu quý hiếm và chú ý đến từng chữ. Vào cuối đời, Oksana Vladimirovna đã tổ chức một số hội thảo liên trường dành riêng cho Kitô giáo ở các quốc gia Nam Á và Viễn Đông và là biên tập viên của những cuốn sách thú vị nhất được viết trên cơ sở các bài phát biểu tại các diễn đàn này. Bà không kịp hoàn thành việc biên tập cuốn sách cuối cùng.
Piotr Tsvetov nói về cuốn sách của Novakova
© Ảnh : Nikulina
Hai cuốn sách chính của bà Novakova có thể được coi là giáo trình đại học “Lịch sử Việt Nam” và chuyên khảo “Thập giá và Con rồng: nguồn gốc của Giáo hội Công giáo Việt Nam (thế kỷ XVI-XVII)”. Ông Piotr Tsvetov, biên tập viên, học trò và đồng nghiệp của bà Novakova đã nói về cuốn sách độc đáo này tại hội thảo khoa học:
“Cuốn sách này là một đóng góp to lớn cho khoa học, bà đã cống hiến cả một đời người của mình cho sự nghiệp này. Trong cuốn sách này, Oksana Vladimirovna đã chỉ ra lý do tại sao người Việt dễ dàng chấp nhận đức tin Công giáo, cho thấy sự tương tác của Công giáo với truyền thống Việt Nam. Bà đã dành rất nhiều thời gian để viết tác phẩm này, còn những tài liệu quý hiếm mà trên cơ sở đó bà đã viết cuốn sách này, được thu thập trong suốt cuộc đời của bà”.
Ở Nga có ba trung tâm chính nghiên cứu Việt Nam: Matxcơva, St. Petersburg và Vladivostok. Oksana Novakova là một trong những người đã khởi nguồn cho sự ra đời của trường phái nghiên cứu phương Đông trẻ nhất ở khu vực Viễn Đông với trung tâm ở Vladivostok. Những bài giảng của bà về lịch sử Việt Nam tại Đại học Viễn Đông vào cuối những năm 1980 vẫn được nhiều người nhớ đến. Là đồng nghiệp và người bạn của bà, giáo sư Alexander Sokolovsky của Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông (FEFU) cho biết, Oksana Vladimirovna rất quan tâm đến sự phát triển của ngôi trường này và đã trao tặng sách của mình cũng như sách của các đồng nghiệp của bà cho trường đại học FEFU.
Những cuốn sách của bà Novakova và những nhà Việt Nam học khác của Nga, cũng như sách từ thư viện của họ, giờ đây có thể được đọc miễn phí tại Phòng thư viện Việt Nam của Viện Trung Quốc và châu Á đương đại thuộc RAS. Và như Chủ tịch Quỹ thúc đẩy phát triển hợp tác Nga-Việt "Truyền thống và Hữu nghị" Đỗ Xuân Hoàng nhấn mạnh, tại đây bạn có thể nhận được những lời khuyên từ các chuyên gia về Việt Nam. Và tất cả những điều này làm cho hai nước chúng ta xích lại gần nhau hơn.