“Sputnik” tiếp tục chuỗi tọa đàm “Những trang lịch sử”, đặc biệt về những sự kiện và giai đoạn đáng nhớ trong biên niên sử quan hệ Nga - Việt.
Chương trình hợp tác 5 năm đầu tiên
Vào cuối năm 1960, diễn ra việc ký kết gói văn kiện về sự hỗ trợ của Liên Xô giúp đỡ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và không phải trong thời hạn 1 năm như trước đây, mà lần đầu tiên được ký trong giai đoạn 5 năm. Đặc biệt, có kế hoạch hỗ trợ kinh tế kỹ thuật trong việc thực hiện kế hoạch phát triển 5 năm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong những năm 1961 - 1965, cũng như tăng thêm 2,5 lần kim ngạch thương mại giữa hai nước trong khoảng thời gian 5 năm. Liên Xô đảm nhận nghĩa vụ hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xây dựng 43 xí nghiệp công nghiệp. Trong số đó có 8 nhà máy điện tổng công suất 200 nghìn kW. Theo tiêu chuẩn ngày nay, đây là con số rất không đáng kể, nhưng vào đầu những năm sáu mươi thế kỷ trước, đối với nền kinh tế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, con số 200 nghìn kW này có tầm quan trọng rất lớn. Phía Liên Xô, trong 5 năm này, cam kết cử hàng nghìn chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau đến Việt Nam, tiến hành thăm dò địa chất toàn diện lãnh thổ đất nước và gửi sang nhiều lô hàng lớn thiết bị luyện kim , máy công cụ, phân bón và các hàng hóa cần thiết khác cho việc phát triển nền kinh tế nước cộng hòa.
1961
Thời gian đầu, với sự hỗ trợ của Liên Xô trong nông nghiệp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa 120 nghìn ha đất vào sản xuất. Các đồn điền chè lập ra trên diện tích 15 nghìn ha, đồn điền cà phê trên diện tích 5 nghìn ha và cao su trên diện tích 3,7 nghìn ha. 15 nghìn ha được sử dụng để trồng dứa và cam, 15 nghìn ha khác để chăn nuôi gia súc. Vào tháng 5, hoàn thành việc xây dựng giai đoạn đầu tiên nhà máy điện Uông Bí với công suất 24 nghìn kW, lớn nhất vào thời điểm đó ở đất nước. Đường dây truyền tải điện Uông Bí - Hải Phòng cũng được đưa vào vận hành.
Trong cùng tháng đó, ký kết thỏa thuận hợp tác 5 năm giữa các trung tâm khoa học lớn nhất của hai nước, trong đó xác định lĩnh vực hoạt động chung cụ thể của hàng chục viện nghiên cứu và thiết kế. Tháng 6, những kết quả đầu tiên của công việc này xuất hiện. Chuyên gia Nga thực hiện đơn đặt hàng của Việt Nam thiết kế tàu kéo cứu hộ công suất 2.200 mã lực, và đóng mới tại Nhà máy đóng tàu Baltic. Cùng tháng đó, khai mạc tại Hà Nội triển lãm thành tựu thám hiểm không gian của Liên Xô. Cần nhớ lại chuyến bay của nhà du hành vũ trụ đầu tiên trên thế giới, công dân Liên Xô Yury Gagarin, diễn ra chỉ hai tháng trước khi cuộc triển lãm này khai mạc. Và cuối năm 1961, gói tài liệu về hỗ trợ của Liên Xô trong thời hạn 5 năm được bổ sung thêm hiệp định khác về tăng hỗ trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
1962
Tháng Một năm này đánh dấu việc đưa vào vận hành nhà máy thủy điện Bàn Thạch, xây dựng tại Thanh Hoá với sự hỗ trợ của Liên Xô. Trang bị những thiết bị tiên tiến nhất lúc bấy giờ, nơi đây trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất miền Bắc Việt Nam. Tháng 6, nhà máy supe lân Lâm Thao tỉnh Phú Thọ bắt đầu đi vào sản xuất. Đây là trong những cơ sở kinh tế lớn nhất của nước cộng hòa, mà việc xây dựng được thoả thuận trong kế hoạch phát triển 5 năm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và do Liên Xô hỗ trợ.
Tháng 10, hoàn thành việc xây dựng cơ sở hợp tác quan trọng khác - trạm khí tượng, cho phép Việt Nam kết nối với hệ thống dự báo bão. Tháng sau, tại trung tâm triển lãm Vân Hồ ở Hà Nội khai mạc cuộc triển lãm với các hiện vật chuyển sang từ Moskva, nói về những thành công của Liên Xô trong công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa, về đời sống hằng ngày của đất nước và các sự kiện diễn ra trong quan hệ hữu nghị Xô - Việt trên đất Liên Xô. Sau một tháng hoạt động thu hút hơn 1 triệu người dân Bắc Việt Nam đến tham quan, thủ tướng Phạm Văn Đồng trao tặng triển lãm Huân chương Lao động hạng nhất, .
Trong năm 1962, ký kết các văn kiện thêm 2 lần, bổ sung và mở rộng chương trình hợp tác 5 năm giữa hai nước được phát triển từ cuối năm 1960. Tháng 9, ký kết thỏa thuận về sự hỗ trợ của Liên Xô trong xây dựng công nghiệp ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng như thỏa thuận cung cấp máy kéo và các thiết bị khác, nhiên liệu, phân bón cho nền nông nghiệp đất nước. Tài liệu khác xác định khối lượng cung cấp 2 nghìn tấn bông mỗi năm cho Bắc Việt Nam. Số lượng chuyên gia Liên Xô cử sang Việt Nam để thực hiện công việc khảo sát thiết kế cũng tăng lên. Tháng 11, văn bản tiếp theo về trao đổi hàng hóa được ký kết. Liên Xô đã gửi máy công cụ, thiết bị, thép, kim loại màu và các sản phẩm dầu mỏ đến Việ Nam và nhận về hàng hóa nhiệt đới cũng như các sản phẩm công nghiệp nhẹ, thủ công mỹ nghệ.
Năm 1962, nhà du hành vũ trụ thứ hai của Liên Xô, German Titov, đã đến thăm Việt Nam. Ông cũng giống như nhà du hành vũ trụ đầu tiên Yury Gagarin trước đó, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên một trong những hòn đảo đẹp nhất Vịnh Hạ Long theo tên German Titov - hiện tại ở đó có tượng đài của nhả du hành vũ trụ. Ngay sau khi trở về Moskva, German Titov được bầu làm chủ tịch Hội hữu nghị Xô - Việt.
Chuyến tham quan của đoàn xiếc Liên Xô và chyến du đấu của các cầu thủ bóng đá ở Bắc Việt Nam đã thành công tốt đẹp. Cuối năm, diễn ra chuyến thăm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của phái đoàn quân sự Liên Xô do Phó Tổng Tham mưu trưởng thứ nhất lực lượng vũ trang các nước thành viên Hiệp ước Warsaw, người anh hùng trong cuộc chiến chống phát xít, Đại tướng Pavel Batov dẫn đầu. Ngay sau chuyến đi này, tướng Batov được bầu làm Phó chủ tịch thứ nhất Hội hữu nghị Xô-Việt.
1963-1964
Trong hai năm này, tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đưa vào hoạt động thêm một số doanh nghiệp được xây dựng và trang bị với sự hỗ trợ và tham gia của các chuyên gia Liên Xô. Hàng chục người trong số đó được trao tặng huân chương, huy chương của nước cộng hòa. Tuy nhiên, giải thưởng không chỉ được trao cho những chuyên gia hỗ trợ kinh tế. Tháng 11 năm 1963, ông Tôn Đức Thắng trao Huân chương Lao động hạng nhất cho đoàn nghệ sĩ Liên Xô lưu diễn tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 11 năm 1964, thêm ba phi hành gia Liên Xô được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 9 năm 1964 mời các vận động viên Liên Xô đang thăm Việt Nam về nơi ở của Người để trò chuyện thân mật.
Nhìn chung, trong hai năm này, trao đổi các đoàn thăm giữa hai nước trở nên rộng rãi và đa dạng hơn bao giờ hết. Một số đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Việt - Xô, các bộ văn hóa, giáo dục và các tổ chức công đoàn đã đến thăm Liên Xô, cũng như đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tháng 12 năm 1964, lãnh đạo Liên Xô chính thức mời lãnh đạo Mặt trận mở văn phòng đại diện tại Moskva, việc này được thực hiện vào tháng 4 năm 1965.
Trong những năm này, các phái đoàn từ Liên Xô gồm các đại biểu quốc hội, Viện kiểm sát, các Bộ Ngoại thương, Giáo dục, Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học, các công đoàn, đoàn thanh niên Komsomol, Hội Hữu nghị Xô-Việt, Ủy ban Hòa bình, các nhà văn, nhà báo đã đến thăm Việt Nam. Và đây chưa phải một danh sách đầy đủ. Trong quá trình tiếp xúc hiệu quả, một số chương trình tương tác mới đã được phát triển trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, văn hóa, giữa một số cơ quan chính phủ, giữa Hội đồng Công đoàn Trung ương và Hội Hữu nghị hai nước. Năm 1963, triển lãm ảnh về cuộc sống của nhân dân Liên Xô và những thành tựu của đất nước diễn ra thành công tại Hà Nội. Những vị khách thăm đầu tiên là chủ tịch Hồ Chí Minh và thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Cũng trong những năm này, các hoạt động ủng hộ xây dựng hòa bình ở miền Bắc Việt Nam và phong trào đoàn kết với các lực lượng yêu nước miền Nam được mở rộng ở Liên Xô. Phong trào thực hiện sớm “đơn hàng Việt Nam” diễn ra trong các tập thể lao động sản xuất. Các cuộc mít tinh hữu nghị với Việt Nam diễn ra ở tất cả các nước cộng hòa thuộc Liên Xô và ở tất cả các vùng nước Nga. Ngày càng xuất hiện nhiều thông tin về Việt Nam trên báo chí trung ương, truyền hình và đài phát thanh Liên Xô. Bộ phim Việt Nam “Vợ chồng A Phủ” được lồng tiếng Nga và chiếu rộng rãi cho cho khán giả Liên Xô thưởng thức.
Tháng 10/1964, sau khi Nikita Khrushchev bị mất quyền lực, Liên Xô tích cực đứng về phía Việt Nam và kiên quyết phản đối hành động xâm lược của Mỹ. Bằng chứng thuyết phục về điều này xuất hiện vào đầu năm 1965. Vào năm cuối cùng (1965) của chương trình hợp tác 5 năm giữa Liên Xô và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hiệp định được sửa đổi triệt để và mở rộng nhiều lần. Vấn đề sẽ được thảo luận trong các cuộc trò chuyện tiếp theo trong loạt bài “Những trang lịch sử”.