Những ai bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước từ 1/7?

HÀ NỘI (Sputnik) - Luật Căn cước vừa được Quốc hội khóa XV thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới.
Sputnik
Luật Căn cước được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, có hiệu lực kể từ 1/7 tới đây. Một trong những nội dung quan trọng của luật, đó là việc đổi thẻ CCCD thành thẻ căn cước.
Trước nội dung này, đại tá Vũ Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), cho biết từ ngày 1/7, khi luật Căn cước có hiệu lực, Bộ Công an sẽ triển khai cấp thẻ căn cước theo quy định của luật Căn cước năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật Căn cước.
Theo luật Căn cước quy định, thẻ CCCD đã được cấp trước ngày luật Căn cước có hiệu lực sẽ có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, sau đó mới phải đổi sang thẻ căn cước, trừ trường hợp công dân có nhu cầu đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước.
Bộ Công an sẽ thu thập mống mắt, ADN, giọng nói làm thẻ căn cước từ 1-7-2024
Kể từ 1/7, cơ quan chức năng sẽ bắt đầu cấp thẻ căn cước, mẫu thẻ CCCD gắn chip sẽ dừng sản xuất. Một số trường hợp bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước, gồm:
Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.
Thẻ CCCD gắn chip hết hạn sau ngày 1/7 (thời hạn in trên mặt trước, góc dưới cùng bên trái của thẻ), thì phải đổi sang thẻ căn cước.
Luật Căn cước quy định các loại chứng minh nhân dân sẽ có giá trị đến hết ngày 31.12.2024. Sau thời điểm này, người dân bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước.
Ngoài ra, người dân có thể làm thủ tục cấp thẻ căn cước (theo nhu cầu) trong một số trường hợp sau:
Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi, thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước lần đầu, thông qua người đại diện. Đây là quy định mới tại luật Căn cước so với luật CCCD, nhằm mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước.
Công dân đã có thẻ CCCD gắn chip nhưng muốn đổi sang thẻ căn cước.
Công dân có thay đổi thông tin về nhân thân, thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính…
Về công tác cấp căn cước cho độ tuổi từ 0 - 6 tuổi, Bộ Công an đang xây dựng thông tư quy định về mẫu thẻ căn cước, mẫu giấy chứng nhận căn cước theo hướng sẽ có 2 mẫu thẻ căn cước, bao gồm một mẫu thẻ dùng cho các trường hợp từ 6 tuổi trở lên và một mẫu thẻ cho các trường hợp từ 0 đến 6 tuổi (không có thông tin sinh trắc ảnh mặt, vân tay).
Bộ Công an dồn lực chuẩn bị đổi thẻ căn cước
Theo đại tá Vũ Văn Tấn, việc cấp thẻ căn cước cho các trường hợp trẻ em từ 0-6 tuổi sẽ thông qua người đại diện hợp pháp.
Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia (VNeID).
Trường hợp người dưới 6 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước.
Cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi (điểm a khoản 2 điều 23).
Thảo luận