Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã trở lại chính trường. Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền giành được 55 trong tổng số 58 ghế Thượng viện hôm 5/3 cho biết: Tại hội nghị dự kiến diễn ra vào tháng 4, CPP sẽ đề cử ông Hun Sen, 71 tuổi, làm chủ tịch Thượng viện, chức vụ giữ vai trò nguyên thủ quốc gia khi Quốc vương ở nước ngoài.
Sự trở lại của ông Hun Sen có ý nghĩa gì với Campuchia?
Các nhà nghiên cứu chính trị trên thế giới không hề ngạc nhiên trước việc cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen đứng ra tranh cử và Thượng nghị viện Campuchia và cùng với nhiều đồng chí trong Đảng CPP của ông đã trúng cử vào cơ quan quyền lực quan trọng này của “đất nước chùa tháp”. Nhiều người theo “chủ nghĩa thế tục” đã từng phê phán mô hình “thế tập” trong việc tổ chức quyền lực Nhà nước vì cho rằng đó là “mô hình phong kiến”, phi dân chủ và cần phải loại bỏ. Tuy nhiên, dù là “thế tập” hay “thế tục” thì đó cũng chỉ là những mô hình tổ chức chứ không thể có tác dụng quyết định đến năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của một bộ máy tổ chức Nhà nước ở bất kỳ đâu.
“Trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn áp dụng mô hình “nửa thế tập, nửa thế tục” trong việc tổ chức bộ máy nhà nước. Và bộ máy đó vẫn hoạt động bình thường và đem lại hiệu quả cao. Ở xa, chúng ta có Nauy, Đan Mạch, Thụy Điển, Vương quốc Anh, Tây Ban Nha.v.v… Ở gần, chúng ta có Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Brunei.v.v…”, - Nhà phân tích chính trị Nguyễn Minh Tâm nói với Sputnik.
Cũng theo nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, trên thực tế, năng lực, hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động của bất kỳ một tổ chức nào, trong đó có bộ máy nhà nước, phụ thuộc vào những con người của bộ máy đó và vào sự phân công phân nhiệm trong việc sử dụng quyền lực nhà nước để điều hành đất nước chứ không phụ thuộc vào việc đó là mô hình “thế tập” hay “thế tục”.
“Bản thân tôi cũng lấy làm ngạc nhiên khi một số học giả ca ngợi mô hình “thế tập” ở Thái Lan nhưng lại phê phán Campuchia, nước cũng áp dụng mô hình đó. Đối với bất cứ một quốc gia nào mong muốn sự ổn định về chính trị thì tính kế thừa có vai trò quan trọng không kém so với tính đổi mới. Đối với Campuchia, sự kiện con trai cả của ông Hun Sen là Hun Manet được Nhà vua nước này bổ nhiệm nắm giữ chức vụ Thủ tướng với sự đồng thuận của cả hai viện Quốc hội và con trai khác của ông là Hun Malis nắm giữ cương vị Phó thủ tướng là điều bình thường”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm bình luận, trả lời phỏng vấn của Sputnik.
Sự kiện ông Hun Sen tiếp tục tham gia chính trường Campuchia với cương vị mới là Chủ tịch Thượng nghị viện cũng là điều bình thường. Sự hợp lý của sự kiện này nằm ở chỗ vị chủ tịch Thượng nghị viện tiền nhiệm Say Chum đã ở tuổi 79. Trong khi đó thì Thượng nghị viện là một trong hai cơ quan lập pháp quan trọng của Campuchia, cần có sự thống nhất và kế thừa về quyền lực nhà nước để tiếp tục đưa Campuchia đi theo đường lối trung lập, phát triển kinh tế xã hội và mở rộng quan hệ đối ngoại hài hòa với thế giới chứ không đơn giản chỉ là việc “ai ngồi vào ghế đó”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long phát biểu với Sputnik.
Các chuyên gia Sputnik phỏng vấn đều có chung đánh giá là sự kiện cựu Thủ tướng Hun Sen có nhiều khả năng nắm giữ chức vụ Chủ tịch Thượng nghị viện Campuchia có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ổn định của toàn bộ hệ thống chính trị Campuchia. Bên cạnh đó, sau khi thôi chức vụ Thủ tướng, ông còn được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Tối cao Quốc vương Campuchia, một vị trí công tác cũng rất quan trọng để tham mưu cho nhà vua Norodom Sihamoni về các chính sách đối nội, đối ngoại và điều phối quan hệ làm việc giữa Hoàng cung với các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp của nhà nước Campuchia, bảo đảm sự cân bằng trong phân công, phân cấp quyền lực và phân nhiệm công việc nhà nước.
Nguyên tắc “kế thừa đi đôi với đổi mới” của Việt Nam và Campuchia là giống nhau như cách thức thực hiện nguyên tắc ấy lại khác nhau
“Nhìn chung thì có thể coi ông Hun Manet là một nguyên thủ quốc gia đang tập sự. Có nghĩa là đang bắt đầu làm quen với công việc điều hành hệ thống hành pháp của Campuchia ở những bước đi đầu tiên nhằm thu thập thêm kinh nghiệm công tác trước khi muốn thử nghiệm những ý tưởng đổi mới. Chính vì thế mà ông cần có sự trợ giúp của người cha và các thế hệ đi trước. Sự trợ giúp ấy không chỉ thể hiện ở việc dạy bảo, chỉ dẫn mà còn cần thiết bằng quyền lực thực tế”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long nói với Sputnik.
Ông Nguyễn Hồng Long cũng nhấn mạnh: Xét về bản chất thì nguyên tắc “kế thừa đi đôi với đổi mới, trong đổi mới có kế thừa, trong kế thừa có đổi mới” của Việt Nam và Campuchia là giống nhau như cách thức thực hiện nguyên tắc ấy lại khác nhau. Sự khác nhau này do 3 yếu tố quy định: Một là chế độ chính trị khác nhau. Hai là phương thức hình thành quyền lực nhà nước khác nhau. Ba là mô hình tổ chức nhà nước khác nhau.
Về chế độ chính trị thì Việt Nam theo chế độ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa”. Mô hình này là sự kết hợp giữa mô hình “Cộng hòa” được phôi thai từ thời Trung Hoa cổ đại và hiện được nhiều nước áp dụng với chế độ chính trị “Xã hội chủ nghĩa” do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Theo đó, tại Việt Nam là mô hình đơn đảng chính trị. Còn ở Campuchia là mô hình đa đảng chính trị. Ngoài ra, còn một mô hình khác là mô hình chế độ chính trị đa đảng mặc định công nhận sự lãnh đạo của một đảng tại Trung Quốc (theo Hiến pháp nước này). Điều này có liên quan đến phương thức hình thành quyền lực Nhà nước. Cả Campuchia và Việt Nam đều tuân thủ nguyên tắc “quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” nhưng cách thức hình thành quyền lực ấy thì khác nhau.
Ở Campuchia cũng có đủ 3 nhánh quyền lực cơ bản của nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp) nhưng nhân dân nước này chỉ có thể tham gia vào một nửa trong số các quyền lực ấy. Trước hết, Hạ nghị viện Campuchia do công dân bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu. Nhưng Thượng nghị viện Campuchia lại do 125 hạ nghị sĩ cùng khoảng 11.000 quan chức đứng đầu các địa phương cấp xã, phường trở lên bầu ra. Ngoài ra, Quốc vương Campuchia được chỉ định 2 thượng nghị sĩ và Hạ nghị viện Campuchia được bổ nhiệm 2 thượng nghị sĩ. Trong khi đó thì ở Việt Nam, cơ quan lập pháp chỉ có duy nhất một viện là Quốc hội, do nhân dân bầu bằng hình thức phổ thông đầu phiếu tại các khu vực bầu cử.
Chính phủ Hoàng gia Campuchia (còn gọi là Nội các) là cơ quan hành pháp cao nhất của nước này với Thủ tướng và các Phó thủ tướng do Quốc vương bổ nhiệm cùng các bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ do Thủ tướng chỉ định. Điều này khác với Việt Nam. Thủ tướng chính phủ Việt Nam do Quốc hội bầu, các phó thủ tướng, bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ do Thủ tướng chọn lựa, lập danh sách và phải được Quốc hội thông qua bằng một nghị quyết.
Hệ thống tư pháp của Campuchia gồm Tòa án và Cơ quan điều tra. Điểm khác so với Việt Nam là cơ quan công tố của Campuchia là một phần của Tòa án. Còn ở Việt Nam thì cơ quan công tố là cơ quan độc lập. Đó là Viện kiểm sát Nhân dân các cấp.
Về tổ chức nhà nước thì Campuchia theo mô hình quân chủ lập hiến, theo đó, quốc vương có quyền can thiệp vào cả ba hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp. Còn Việt Nam tổ chức nhà nước theo cách thống nhất quyền lực Nhà nước trên cơ sở phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.