Các chuyên gia của Savills dự báo xu hướng đầu tư bất động sản nước ngoài của giới siêu giàu Việt Nam sẽ gia tăng thời gian tới, kéo theo nhu cầu về dịch vụ tư vấn chuyên biệt (Private Office).
Gia tăng giới siêu giàu và nhu cầu mua địa ốc ở hải ngoại
Tại Việt Nam, nhóm cá nhân giàu và siêu giàu có xu hướng gia tăng theo từng năm, song hành cùng với tốc độ phát triển của đất nước.
Theo Doanh nghiệp và Kinh doanh dẫn báo cáo mới nhất từ Savills, nhu cầu đầu tư vào bất động sản ở nước ngoài từ phía các doanh nghiệp và cá nhân giàu có tại Việt Nam đã tăng đáng kể sau đại dịch, với giá trị ngày càng tăng.
Không chỉ tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài, giới nhà giàu Việt Nam còn tăng sở hữu địa ốc ở hải ngoại.
Savills dẫn nghiên cứu của McKinsey & Company (Sputnik cũng đã thông tin trước đó) cho hay, Việt Nam được biết đến với tốc độ tăng trưởng nhanh và khả năng phục hồi cao trong nhiều thập kỷ trước những thách thức kinh tế và khủng hoảng địa chính trị toàn cầu.
Được hỗ trợ bởi nền kinh tế mạnh và thị trường vững chắc, tốc độ tăng trưởng tài chính cá nhân của Việt Nam đã vượt xa các nước châu Á như Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia trong 10 năm qua.
“Tài sản tài chính cá nhân tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể, từ đó phát sinh nhu cầu cao về quản lý tài sản, tập trung tư vấn tài chính theo nhu cầu phục vụ cho khách hàng cá nhân”, - báo cáo nêu.
Savills dẫn nghiên cứu của McKinsey & Company cho biết, dự kiến đến năm 2027, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tư vấn tài chính cá nhân trị giá khoảng 600 tỷ USD, tăng trưởng với tốc độ 11% mỗi năm từ mức cơ bản là khoàng 360 tỷ USD tính đến cuối năm 2022.
Tỷ trọng gia sản được quản lý đồng thời được dự kiến tăng, nhưng với mức khác nhau giữa các phân khúc khách hàng - phân khúc giàu có sẽ tăng khoảng 5,5 lần vào năm 2027 và siêu giàu sẽ tăng gấp đôi trong cùng kỳ, các chuyên gia dự báo.
Con số này tương đương với cơ hội quản lý tài sản gia sản khoảng 65 tỷ USD đến 75 tỷ USD cho các tổ chức. Dự kiến các khách hàng sẽ có tỷ trọng bằng nhau trong tổng nguồn doanh thu đối với các tài sản được quản lý.
Thống kê của Statista chỉ ra vào năm 2021, Việt Nam có khoảng 1.234 cá nhân siêu giàu và dự đoán sẽ đạt 1.551 vào năm 2026.
Báo cáo mới nhất của Knight Frank công bố, cho thấy số người siêu giàu ở Việt Nam đạt 752 người, tăng 2,4% so với năm 2022. Hãng này dự đoán đến năm 2028, Việt Nam sẽ có 978 cá nhân siêu giàu, tăng 30% so với năm 2023.
Savills lưu ý, dù kết quả có sai khác về phương pháp tính toán cũng như các tiêu chuẩn, song cả hai nghiên cứu đều chỉ ra rằng số lượng người siêu giàu tại Việt Nam sẽ tăng nhanh, và là một trong 5 quốc gia có số người giàu lớn nhất khu vực.
Phân khúc bất động sản có nhu cầu cao
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm ngoái, tổng số vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đã đạt gần 421 triệu USD.
Các lĩnh vực chính thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp Việt bao gồm kinh doanh bất động sản, xây dựng, bán buôn, bán lẻ, và phân phối điện.
Có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong năm 2023, dẫn đầu là Canada (chiếm 35,7% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore, Lào, Cuba…
Theo Savills, nhu cầu đầu tư bất động sản nước ngoài của giới siêu giàu Việt Nam tăng mạnh từ sau dịch bệnh, tập trung ở loại hình văn phòng, khách sạn.
Theo VnExpress dẫn lời ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, một số thị trường bất động sản nước ngoài thu hút nhà đầu tư Việt Nam bao gồm Anh, Mỹ, Australia, Nhật Bản...
Các thị trường này thường là điểm đến du học hàng đầu của con cái trong các gia đình có thu nhập cao. Ở Anh, Savills ghi nhận rằng London là địa điểm đầu tư bất động sản hàng đầu, tiếp theo là Manchester, Birmingham, các thành phố có nhiều đại học và sinh viên quốc tế.
Điển hình, một trong những giao dịch đáng chú ý là việc một nhà đầu tư Việt Nam mua tòa nhà văn phòng Lion Plaza tại phố Old Broad, London với giá trị hơn 200 triệu bảng Anh (khoảng 257.000 USD). Đây cũng là giao dịch mua bán văn phòng lớn nhất tại London trong năm 2023.
“Nhu cầu liên quan đến giáo dục là một trong những động lực hàng đầu khi các nhà đầu tư bất động sản Việt Nam quyết định đầu tư ra nước ngoài”, - ông Powell nói.
Phân khúc được nhiều nhà đầu tư quan tâm là bất động sản tạo dòng tiền như văn phòng hay khách sạn. Tuy nhiên những loại hình này cần nhiều thời gian quản lý và chi phí để nâng cấp.
Ngoài ra, cũng có nhóm người mua chỉ để đáp ứng nhu cầu cho con cái sử dụng trong thời gian theo học, sau đó mới tính đến cho thuê trong tương lai.
Bên cạnh đó, theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, suốt quá trình hoạt động tại thị trường Việt Nam, Savills đã nhận được rất nhiều yêu cầu từ các nhà đầu tư trong nước có mong muốn mở rộng kênh đầu tư tại thị trường quốc tế.
“Nắm trong tay khối tài sản lớn và những dự án đầu tư lớn tại nước ngoài, các cá nhân có tài sản cực cao tại Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm tới các dịch vụ và cơ hội đầu tư mới tại nước ngoài với những yêu cầu vô cùng khắt khe”, - Savills bày tỏ.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, bất động sản Việt Nam cũng ngày càng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo nghiên cứu của Savills, nhóm khách hàng Ấn Độ, Hong Kong, Singapore…đang gia tăng. Nhiều chủ đầu tư ngoại cũng đang tìm kiếm thêm cơ hội, tập trung ở phân khúc nhà ở tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng.
Đây là những thị trường có đa dạng các tài sản chất lượng cao cùng lợi tức cho thuê hấp dẫn.
Theo Savills, thời gian tới, khi các luật mới được áp dụng, thông tin về các cơ hội đầu tư sẽ minh bạch hơn, thúc đẩy dòng vốn FDI vào bất động sản ngày càng lớn.
Đặc biệt, việc Việt kiều được tạo điều kiện sở hữu bất động sản Việt Nam cũng thúc đẩy đà tăng của thị trường mạnh mẽ hơn.