Gạc Ma, cuộc chiến không cân sức, không thể bị lãng quên

36 năm sự kiện Gạc Ma, không một ai bị lãng quên và không ai được phép quên về trận hải chiến uy hùng.
Sputnik
Ngày 14/3/1988, 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong sự kiện Gạc Ma.
Trong cuộc chiến không cân sức, các anh hùng liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền của đất nước tại các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Việt Nam tưởng niệm 64 anh hùng đảo Gạc Ma

Sáng 14/3, tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (huyện Cam Lâm), tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức lễ tưởng niệm 36 năm ngày 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh trong sự kiện Gạc Ma (14/3/1988 – 14/3/2024).
36 năm trước, đúng vào ngày 14/3/1988, trong một cuộc chiến không cân sức, 64 lính Hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu, hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền của đất nước tại các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa trước sự nổ súng của quân Trung Quốc.
Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu và người dân đã mặc niệm tưởng nhớ 64 anh hùng liệt sĩ. Sau phút mặc niệm, các đại biểu, người dân đã kính cẩn dâng hoa, dâng hương trên khu mộ gió, nơi đặt bia ghi danh 64 người lính Gạc Ma.
Tròn 36 năm về trước, 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, kiên cường bám trụ để tạo thành vòng tròn bất tử ở Gạc Ma.
Các anh đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển khơi, đem thân xác mình biến thành những cột mốc thiêng liêng, khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước Việt Nam.
Để tưởng nhớ những người hùng bất tử đã hy sinh thân mình cho Tổ quốc, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã khởi công xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Công trình hoàn thành vào năm 2017, có diện tích hơn 25.000 mét vuông. Trung bình mỗi năm, khu tưởng niệm đón hơn 500.000 lượt người dân và du khách đến thăm viếng, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế.
Nơi đây đã trở thành "địa chỉ đỏ" được nhiều cơ quan, đơn vị, trường học chọn làm địa chỉ về nguồn để giáo dục lòng yêu nước, về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Lực lượng Hải quân Vùng 4 dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong trận Gạc Ma năm 1988
Ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, hầu như năm nào cũng có mặt ở lễ tưởng niệm. Ông Tùng cho biết, trước đây ông nhiều lần theo đoàn ra thăm cán bộ, chiến sĩ tại Trường Sa. Mỗi lần đi, đoàn đều tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng - liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến năm 1988.
Trong các buổi lễ, nhìn những tràng hoa được thả trôi theo sóng biển, ông thấy như những đôi mắt của các cán bộ, chiến sĩ đang nhìn mọi người với mong muốn đưa thân xác các anh về với đất mẹ. Từ đó, ông có ý tưởng phải xây dựng một nơi để các anh về và nhân dân cả nước biết đến sự hy sinh của các anh.
"36 năm đã trôi qua, nhưng những người con đất Việt sẽ mãi khắc ghi sự hy sinh to lớn của các anh. Tôi cầu mong các anh siêu thoát và đất nước của chúng ta sẽ bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ, nhân dân cả nước sẽ đoàn kết, sẽ giữ gìn chủ quyền trọn vẹn", báo Thanh niên dẫn lời ông Tùng.
Tại buổi tưởng niệm, Thiếu tá Trần Thị Thủy (công tác tại Vùng 4 Hải quân - con gái liệt sĩ Trần Văn Phương, khi đó là thiếu úy, Đảo phó đảo Gạc Ma) cho biết, mỗi lần đến đây, chị thấy được gần với bố cũng như đồng đội của bố.
"Xin hứa trước anh linh của bố cũng như đồng đội là sẽ luôn cố gắng hết mình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đúng như nguyện vọng của bố và truyền thống cách mạng của gia đình mình", Thiếu tá Trần Thị Thủy chia sẻ.

Đặt tên đường Trần Văn Phương ở Quảng Bình

Cùng ngày 14/3, tại chân cầu Mân Quang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng), Ban Liên lạc Hội Cựu chiến binh Hải quân TP.Đà Nẵng đã tổ chức lễ tưởng niệm, tri ân 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma.
Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tưởng nhớ 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam trong trận chiến Gạc Ma tại khu vực đài tưởng niệm - Vòng tròn bất tử
Tại buổi lễ, Đại tá Hoàng Duy Lập, nguyên Chỉ huy trưởng Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân, đã ôn lại lịch sử sự kiện 14/3/1988, nhấn mạnh đây là dịp để thế hệ cán bộ, chiến sĩ, cựu chiến binh tri ân công lao của 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, trong đó có 26 chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 83 đã anh dũng hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
"Máu của các chiến sĩ đã đổ xuống, tô thắm thêm lá cờ Tổ quốc. Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta nguyện học tập, chiến đấu, công tác xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma", Đại tá Lập bày tỏ.
Sáng cùng ngày, tại đình làng Nại Nam (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng), Ban Liên lạc bộ đội Trường Sa TP.Đà Nẵng đã tổ chức lễ dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Đình cũng là nơi có bia ghi danh 7 liệt sĩ của phường Hòa Cường Bắc hy sinh ở Gạc Ma.
Cũng trong ngày 14/3, UBND phường Quảng Phúc (TX.Ba Đồn, Quảng Bình) đã phối hợp Ban Liên lạc cựu binh Gạc Ma, Chi hội Văn học nghệ thuật Quảng Trạch - Ba Đồn tổ chức lễ tưởng niệm 36 năm sự kiện Gạc Ma, thực hiện gắn tên đường liệt sĩ Trần Văn Phương (Đảo phó đảo Gạc Ma).
Lễ tưởng niệm có sự tham dự của hơn 30 cựu binh Gạc Ma đến từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh và thân nhân liệt sĩ.
Đường Trần Văn Phương thuộc địa bàn tổ dân phố Tân Mỹ, dài khoảng 1 km, bắt đầu từ Trạm kiểm soát biên phòng cảng Gianh kéo dài đến Đồn biên phòng cảng Gianh.
Tại buổi lễ, ông Trần Văn Hồng (em trai liệt sĩ Trần Văn Phương) xúc động khi từ nay trên quê hương Quảng Phúc đã có con đường mang tên anh trai của mình.
Ông Trần Văn Hồng đại diện gia đình gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các cựu chiến binh, chính quyền địa phương đã nỗ lực đặt tên đường Trần Văn Phương.
Ông Hồng hy vọng, con đường sẽ luôn được bảo vệ xanh sạch đẹp, và những người đi ngang qua sẽ luôn tưởng nhớ về những chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh tại sự kiện Gạc Ma năm xưa.
Thảo luận