Vấn đề nhân sự nội bộ cấp cao Việt Nam: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra những yếu tố “sống còn” trong cách chọn người lãnh đạo chủ chốt, công tác nhân sự Đại hội XIV.
Sputnik
Theo TTXVN, cán bộ, đảng viên, cử tri rất tâm đắc với các quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phát biểu cương quyết “không để lọt vào Trung ương người có khuyết điểm, sai lầm, cán bộ giàu nhanh bất thường” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất được lòng dân, đặc biệt sau vụ cả Bí thư - Chủ tịch Vĩnh Phúc, Chủ tịch Quảng Ngãi đương chức đều bị bắt vì nhận hối lộ.

Dân đồng tình

Có thể nói, những “gạch đầu dòng” quan trọng trong bài phát biểu “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV giúp củng cố thêm niềm tin của nhân dân rằng, Đảng rất cẩn trọng trong cách dùng người.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúng khi nhấn mạnh rằng, công tác nhân sự Đại hội là vô cùng quan trọng nhưng cũng phức tạp, nhạy cảm, khó khăn, nặng nề, đòi hỏi Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cả hệ thống chính trị phải có cách làm thật sự công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Người đứng đầu Đảng đã chính xác khi khẳng định, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, là tinh hoa của Đảng, phải thật sự vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ và có uy tín cao để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược, xử lý kịp thời, đúng đắn, có hiệu quả những tình huống phức tạp có quan hệ đến sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, sự sống còn của chế độ.
Theo Tổng Bí thư, tính từ đầu nhiệm kỳ khoá XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự.
Theo thông tin được TTXVN khẳng định: “Đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình cho rằng, nội dung phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng mang tính định hướng quan trọng và nhấn mạnh đây là một trong những nhân tố bảo đảm chothành công của Đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đại hội”.
Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV cho ý kiến về công tác nhân sự của Đảng
Đồng tình với chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại tá Nguyễn Văn Thức, nguyên cán bộ Thanh tra, Quân chủng Phòng không-Không quân cho rằng, công tác nhân sự Đại hội XIV của Đảng cần tiếp tục làm trách nhiệm, thận trọng như người đứng đầu Đảng đã nêu: “Mục đích của chúng ta, trách nhiệm của chúng ta là phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương mạnh, một Bộ Chính trị mạnh, một Ban Bí thư mạnh, thật sự đoàn kết, thống nhất cao xung quanh người đứng đầu” vượt mọi khó khăn đưa đất nước phát triển, nhân dân ấm no hạnh phúc.
Về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng, theo Đại tá Thức, cần cẩn trọng, đúng thực chất; tránh tình trạng nể nang, dân chủ hình thức.
Ông nhấn mạnh, lựa chọn cán bộ không chủ quan, mang tính cá nhân, cục bộ, không để các mối quan hệ xã hội khác tác động, ảnh hưởng đến việc lựa chọn chính xác phẩm chất, năng lực của cán bộ.
“Đặc biệt công tác nhân sự Đại hội phải được thực hiện nghiêm túc không để xảy ra tình trạng “lợi ích nhóm”, “chạy” phiếu bầu, “chạy” tín nhiệm. Làm công tác nhân sự cần tránh tư tưởng bè phái những người cùng hợp với mình thì cho là tốt, làm việc mắc lỗi nhưng che đậy, bảo vệ. ủng hộ lẫn nhau. Những người không hợp, thì tìm mọi cách gièm pha”, vị chuyên gia cho biết.
Ngoài ra, để đánh giá thực chất thì cần coi trọng ý kiến giám sát của quần chúng nhân dân. Để không bỏ sót những cán bộ có đức, có tài, Đại tá Nguyễn Văn Thức cho rằng, người làm công tác cán bộ phải có thái độ đúng, khách quan, công tâm, vô tư, có tấm lòng trong sáng, toàn tâm, toàn ý vì lợi ích chung của tập thể, của Đảng, của Tổ quốc và nhân dân thì nhìn người mới rõ.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, công tác nhân sự Đại hội phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan, đặc biệt phải "có con mắt tinh đời" trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn; lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu ("Khen cho con mắt tinh đời, anh hùng đoán giữa trần ai mới già!").

Càng “xa mặt trời” càng phải kiểm soát quyền lực

Nhân sự tại Việt Nam là vấn đề nhận được sự quan tâm sâu sắc, chính đáng của toàn Đảng, toàn dân.
Theo Tổng Bí thư, gần như đi đến đâu, ở chỗ nào, cũng thấy cán bộ, đảng viên và nhân dân tỏ ra quan tâm theo dõi và có phần băn khoăn, lo lắng, đặt câu hỏi: Đảng ta sắp tới dự định lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo (Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là cán bộ chủ chốt) thế nào để đủ sức gánh vác nhiệm vụ cách mạng to lớn mà lịch sử giao phó?
“Các phần tử xấu, cơ hội, thù địch cũng nhân dịp này tìm mọi cách xuyên tạc, tung tin, tác động, chia rẽ nội bộ ta hòng phá hoại công tác nhân sự nói riêng, công tác xây dựng Đảng nói chung của chúng ta, rất thâm độc và nguy hiểm”, Tổng Bí thư nói.
Từ bài học Liên Xô sụp đổ. Sắp tới Việt Nam chọn lãnh đạo thế nào?
Theo TTXVN dẫn ý kiến của ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng, Cơ quan Đại diện Bộ Nội vụ tại TP Hồ Chí Minh, ông đồng tình với đánh giá của người đứng đầu Đảng về việc nhìn chung, đội ngũ cán bộ tại Việt Nam có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện; trình độ, năng lực được nâng lên, phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhìn nhận một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.
“Về cơ bản, những định hướng công tác nhân sự lần này cũng tương đồng với Đại hội XIII của Đảng. Tiêu chuẩn đề ra là không để những người có khuyết điểm lọt nhân sự cấp cao của Đảng nhưng có một số trường hợp chúng ta chuẩn bị kỹ, xem xét kỹ vẫn để xảy ra trường hợp đáng tiếc. Đó là khi nhân sự đó ở vị trí cấp cao rồi mới xấu”, ông Sơn nói.
Vị chuyên gia nêu quan điểm, quyền lực làm người ta tha hóa. Khi ai cũng như nhau, họ đều phấn đấu và không bộc lộ điều xấu nhưng khi đạt được địa vị cao thì bắt đầu tha hóa.
Ở vị trí không ai kiểm tra nữa, không ai kiểm soát quyền lực, dẫn đến mất tập trung dân chủ như trường hợp một số Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh vi phạm vừa qua. Kiểm soát quyền lực cán bộ cấp cao ở địa phương còn chưa tốt, không ai dám ý kiến với lãnh đạo cấp cao ở tỉnh.
“Bởi vì ở đó (địa phương) xa "mặt trời", trong khi cơ quan kiểm soát quyền lực địa phương cũng do những người đứng đầu chi phối. Đó không phải trường hợp cá biệt bởi đã xảy ra một số nơi, nên chúng ta phải có biện pháp khác để xử lý, không thể dùng hình thức cũ để kiểm soát. Con “vi khuẩn” nó cũng biến đổi để né vaccine, nên chúng ta phải đổi mới. Chúng ta chuẩn bị nhân sự rất kỹ, nhưng lại không ngờ thay đổi, biến chất”, nguyên Phó Vụ trưởng, Cơ quan Đại diện Bộ Nội vụ tại TP Hồ Chí Minh thẳng thắn.
Tướng Ca sắp hầu toà
Đúc kết lại, đảng viên, nhân dân, cử tri cho rằng, qua những chỉ đạo của Tổng Bí thư cùng thực tế hiện nay, trong công tác cán bộ cần quan tâm đến tiêu chí cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ càng cao thì càng phải gương mẫu, đặt lợi ích của cách mạng, của đất nước, của nhân dân lên trước hết.
Đúng như Tổng Bí thư quán triệt, phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng.
Để những người đó lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn.
Thảo luận