Việt Nam: Thị trường đồ chơi tỷ đô đang bỏ ngỏ?

HÀ NỘI (Sputnik) - Là quốc gia có dân số trẻ, tỷ lệ sinh cao, cộng với mức sống đang được nâng cao, thị trường đồ chơi Việt Nam đang đón nhận sự gia tăng tiếp cận của các thương hiệu đồ chơi trên thế giới. Thuận lợi và thách thức là yếu tố song hành với các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp đồ chơi tại Việt Nam.
Sputnik

Sức hút của thị trường tỷ đô

Theo Grand View Research, quy mô thị trường đồ trẻ em toàn cầu được định giá 38,82 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 18,9% từ năm 2022-2030. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng với tỷ lệ hộ gia đình có trẻ em cao nhất.
Chia sẻ với Sputnik, chị Hoàng Lan, một phụ huynh tại Hà Nội cho biết xu hướng lựa chọn đồ chơi của các bậc cha mẹ hiện đã thay đổi rất nhiều so với trước đây.

“Tôi thường chọn đồ chơi cho con theo xu hướng giáo dục và phát triển thể chất. Đồ chơi phải đảm bảo yếu tố an toàn, không độc hại. Việc này vừa giúp tiết kiệm chi phí cho gia đình có 2 con trở lên, đồng thời cũng giáo dục được trẻ về ý thức bảo vệ môi trường, kích thích sáng tạo. Một số hãng đồ chơi tôi tin dùng như Lego, Polisie v.v. Đồ chơi Việt tôi chọn các đồ chơi từ gỗ, xuất xứ rõ ràng”, chị Lan chia sẻ.

Nhà giàu Việt Nam mua địa ốc ở hải ngoại ngày càng nhiều
Trong một báo cáo khác của Statista, thị trường đồ chơi tại Việt Nam chứng kiến ​​sự tăng trưởng ổn định trong 5 năm qua. Vào năm 2023, doanh thu thị trường đạt 951 triệu USD, trong đó đồ chơi nhựa và đồ chơi khác nổi lên là danh mục có doanh thu cao nhất, tạo ra doanh thu 272 triệu USD.
Một xu hướng quan trọng khác là sự gia tăng phổ biến của các nền tảng thương mại điện tử, được thúc đẩy bởi sự tiện lợi phù hợp với lối sống hiện đại nhanh nhẹn, giá cả cạnh tranh, khuyến mãi thường xuyên cũng như sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng sau đại dịch Covid-19.

“Hiện nay mua đồ chơi cho con rất tiện. Chỉ cần lên các sàn thương mại điện tử, chọn nhà phân phối uy tín như MyKingdom, TiNiStore hay thương hiệu lớn là có thể mua dễ dàng. Như vậy mình có thời gian mua cho con những món đồ chơi thiết thực, tránh được hàng giả, kém chất lượng”, anh Lê Hùng, một phụ huynh tại Hà Nội chia sẻ với Sputnik.

Nhà đầu tư nước ngoài rót tiền vào công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam
Theo dữ liệu từ Metric, tổng doanh số bán hàng đồ chơi trong năm 2022 trên các nền tảng lớn như Shopee, Lazada, Tiki và Sendo đạt 24.974.800 sản phẩm. Điều này cho thấy mỗi giờ trung bình có gần 3.000 sản phẩm đồ chơi được mua.
Đặc biệt, Shopee chiếm tỷ lệ thị phần lớn nhất với 78,4%, phần còn lại 21,6% được chia đều giữa Lazada, Tiki và Sendo.
Trong tương lai, dự kiến thị trường sẽ tiếp tục phát triển với doanh thu dự kiến đạt 1,004 tỷ đô la Mỹ vào năm 2024 và tỷ suất tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 4,86% trong giai đoạn từ 2024 đến 2028.
Danh mục đầu tư phổ biến năm 2024 ở Việt Nam: Sai lầm duy nhất cần tránh

Thách thức của các nhà đầu tư

Thị trường đồ chơi trẻ em ở Việt Nam đang trải qua sự cạnh tranh gay gắt, do sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu cùng với đó là thu nhập được tăng cao. Sự phân mảnh của thị trường đặt ra thách thức cho cả nhà sản xuất địa phương và nhà đầu tư nước ngoài trong việc xây dựng vị thế của mình tại Việt Nam.

“Có thể thấy, các công ty sản xuất đồ chơi Việt Nam có số lượng ít nhưng đang cố gắng đáp ứng nhu cầu thị trường bằng cách nhấn mạnh tính văn hóa bản địa, giá cả hợp lý. Trong khi đó, các công ty toàn cầu lại tận dụng thương hiệu đã được thành lập và công nghệ tiên tiến để chiếm lĩnh thị trường đồ chơi cao cấp với sản phẩm chất lượng cao và sản xuất hàng loạt trong phân phúc giá rẻ”, bà Nguyễn Mỹ Linh, nguyên giám đốc kinh doanh một nhà sản xuất đồ chơi Châu Âu tại Việt Nam chia sẻ với Sputnik.

Multimedia
Người đẹp Nga làm đồ chơi bằng bông gòn kiểu Liên Xô
Tuy nhiên, vị giám đốc này cũng lưu ý rằng, hơn 70% thị trường đồ chơi trẻ em ở Việt Nam bao gồm các sản phẩm không có thương hiệu, hàng giả có xuất xứ từ Trung Quốc, không đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ.

“Một trong những thách thức lớn nhất với các nhà đầu tư cũng như sản xuất đồ chơi tại Việt Nam là hơn 70% khách hàng chọn dùng đồ chơi Trung Quốc do giá thành rẻ. Mặt khác, do giá thành nhập một số thương hiệu quá cao nên các nhà phân phối tại đây cũng chọn nhập mặt hàng từ các nước thứ ba với giá rẻ và mẫu mã đa dạng, chạy theo trend”, bà Mỹ Linh cho biết thêm.

Hé lộ thời điểm đồ chơi LEGO “Made in Vietnam” xuất xưởng
Yếu tố quan trọng khác góp phần vào sự phổ biến rộng rãi của các sản phẩm giả mạo là giá cả thấp hơn, điều này tạo động lực đặc biệt cho những người có thu nhập thấp khi mua đồ chơi cho con em.

“Bộ Lego giả có giá từ 200.000 - 300.000 đồng/bộ, trong khi các sản phẩm Lego chính hãng có giá từ 700.000 - 800.000 đồng cho các bộ nhỏ và lên đến vài triệu đồng cho các bộ lớn, chi tiết”, bà Mỹ Linh chỉ ra.

“Cái khó sẽ ló cái khôn”, ngành công nghiệp đồ chơi tại Việt Nam mang lại cơ hội phát triển đáng kỳ vọng. Các công ty nước ngoài có thể tận dụng kiến thức và mạng lưới của các nhà phân phối và nhà bán lẻ địa phương để phân phối sản phẩm một cách hiệu quả, hiểu thị trường địa phương, tuân thủ quy định và xây dựng sự hiện diện thương hiệu. Hợp tác với các đối tác địa phương là một chiến lược thông minh để khai thác nhu cầu và cạnh tranh ngày càng tăng trong thị trường đồ chơi Việt Nam.
Thảo luận