Ông Võ Văn Thưởng tự nguyện thôi chức, Quốc hội xem xét miễn nhiệm chức Chủ tịch nước

Sáng 21/3, Quốc hội Việt Nam họp bất thường để quyết định công tác nhân sự. Ngày 20/3, Trung ương đồng ý cho đồng chí Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước dựa trên nguyện vọng cá nhân.
Sputnik
Thông cáo của TTXVN và cổng thông tin điện tử Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 6, Quốc hội khóa XV "để xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội".
Trước đó, Trung ương Đảng cũng cho biết, nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đồng chí Võ Văn Thưởng đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.

Kỳ họp bất thường lần thứ 6: Quốc hội quyết định vấn đề nhân sự

Chiều ngày 20/3, Quốc hội Việt Nam phát đi thông cáo báo chí về việc triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 6.
Theo đó, ngày 20/3/2024, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã ký văn bản số 3424/TTKQH-TT về Thông cáo báo chí dự kiến chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 6, Quốc hội khoá XV.
"Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14, Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 6, Quốc hội khóa XV để xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội", thông cáo báo chí của Quốc hội nêu rõ.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, kỳ họp bất thường lần thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra trong buổi sáng ngày 21/3/2024 tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội.
Có thế lực âm mưu phá hoại công tác nhân sự nội bộ của Việt Nam

Khi nào triệu tập kỳ họp bất thường?

Căn cứ quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội 2014 thì có thể hiểu kỳ họp bất thường của Quốc hội là kỳ họp của Quốc hội được tổ chức ngoài hai kỳ họp thường lệ mỗi năm để thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 90 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 thì Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường.
Như vậy, có thể thấy kỳ họp bất thường của Quốc hội có thể được tổ chức khi có yêu cầu của một trong các cá nhân giữ chức vụ hoặc nhóm đại biểu sau đây:
- Chủ tịch nước;
- Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội.
Việt Nam triệu tập kỳ họp bất thường, ai sẽ làm Chủ tịch nước thay ông Võ Văn Thưởng?

Quốc hội xem xét quy trình miễn nhiệm đồng chí Võ Văn Thưởng

Trước đó, như Sputnik thông tin, ngày 20/3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về việc cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026; xem xét thi hành kỷ luật đồng chí Hoàng Thị Thuý Lan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo quy định tại Việt Nam, các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh là các chức danh do Quốc hội bầu và miễn nhiệm.
Do đó, nội dung nhân sự tại kỳ họp bất thường thứ 6 là xem xét miễn nhiệm các chức danh này đối với ông Võ Văn Thưởng theo chủ trương mà Trung ương Đảng đã quyết định.
Đồng thời, đồng chí Võ Văn Thưởng còn là đại biểu Quốc hội khóa XV tại TP.Đà Nẵng. Đây cũng là chức danh do Quốc hội thực hiện các quy trình miễn nhiệm.
Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định khai trừ ra khỏi Đảng với bà Hoàng Thị Thúy Lan, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, do vi phạm pháp luật, đã bị khởi tố, bắt tạm giam.
Lý do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thôi chức
Hoàng Thị Thúy Lan hiện cũng là đại biểu Quốc hội khóa XV, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc.
Vậy nên, công tác nhân sự tại kỳ họp bất thường thứ 6 sẽ bao gồm cả quy trình bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan. Báo Thanh Niên lưu ý, hiện chưa rõ, trong kỳ họp bất thường sáng mai 21/3, Quốc hội có làm quy trình bầu nhân sự chủ tịch nước mới thay thế đồng chí Võ Văn Thưởng vừa xin thôi chức hay không, tuy nhiên, dư luận nhân dân, đảng viên, cử tri đều rất mong mỏi sớm chọn được nhà lãnh đạo xứng đáng với vị trí nhân sự chiến lược này của đất nước.
Thông cáo chính thức được TTXVN phát đi sau kỳ họp nêu rõ, vừa qua theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, đồng chí Võ Văn Thưởng đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

"Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân đồng chí. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đồng chí đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác", Ban Chấp hành Trung ương khẳng định.

Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Trung ương cũng nhấn mạnh, đồng chí Võ Văn Thưởng là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở, được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Thảo luận