Trước đó, tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh EU, người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết tại hội nghị là bà đã đề xuất tăng thuế đánh vào ngũ cốc của Nga và Belarus. Theo bà, biện pháp như vậy sẽ ngăn chặn "sự mất ổn định của thị trường châu Âu" và cũng làm Nga mất đi nguồn thu nhập từ buôn bán với EU.
"Bà ấy lo lắng cho các nước đang đói ăn như thế sao? Những biện pháp như vậy sẽ góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên thế giới như thế nào? Không giúp ích được gì, chúng chỉ làm trầm trọng thêm tình hình lương thực thế giới vốn đã bị phương Tây đẩy đến mức phi lý”, - bà Zakharova viết.
Ở châu Âu đã vài năm nay liên tục diễn ra các cuộc biểu tình của nông dân - lần đầu tiên diễn ra vào năm 2019 tại Hà Lan trong bối cảnh nước này thắt chặt các “quy định xanh”. Vào năm 2023 biểu tình đã lan sang các quốc gia khác và đến cuối năm đó chúng đã lan rộng ra 12 nước. Tuy nhiên, ngoài chương trình nghị sự “xanh”, nông dân châu Âu chủ yếu biểu tình phản đối vì họ phải bán sản phẩm với giá thấp do hàng nhập khẩu từ Ukraina, trong khi giá phân bón và nhiên liệu đắt đỏ, ngân sách tài trợ không đủ. Đặc biệt, nông dân Ba Lan phản đối gay gắt việc nhập khẩu ngũ cốc của Ukraina, liên tục tổ chức các cuộc biểu tình phản đối việc này, phong tỏa các ngả đường tiếp cận các cửa khẩu biên giới giáp Ukraina.