Việt Nam đẩy mạnh “xuất khẩu” ngành công nghệ thông tin (CNTT)
Hỗ trợ cho cộng đồng DN số của Việt Nam tiến ra thị trường quốc tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Bộ TT&TT đã tập trung triển khai từ năm 2023 đến nay. Mục tiêu không chỉ để Việt Nam trở thành một “điểm đến”, mà còn là nơi thúc đẩy các sản phẩm “Make in Vietnam” phủ sóng thị trường toàn cầu.
Trong những năm qua, nhiều DN công nghệ số của Việt Nam đã tiến xa ra thế giới và đã đạt được thành công đáng kể. Đi đầu là các tập đoàn lớn như FPT, Viettel,... Tiếp nối là các DN vừa và nhỏ hay DN start-up.
Đến cuối năm 2023, trong lĩnh vực thông tin và truyền thông Việt Nam có 207 dự án với tổng vốn đăng ký 2,82 tỷ USD, chiếm gần 13% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Trong số 33 quốc gia đã đầu tư ra nước ngoài, các dự án quy mô nhỏ vẫn chủ yếu tập trung vào các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ,.... Trong khi các dự án viễn thông có quy mô lớn hơn, tập trung vào các nước châu Phi.
Với thế mạnh về nguồn nhân lực hùng hậu, sáng tạo và chi phí lao động và sản xuất cạnh tranh; có thể nói chưa khi nào các DN công nghệ số của Việt Nam lại có nhiều cơ hội như lúc này. Khi thị trường phần mềm và dịch vụ CNTT toàn thế giới hiện có quy mô hơn 1.800 tỷ USD. Con số này hoàn toàn có thể lớn gấp nhiều lần trong thời gian tới.
Đặc biệt, Việt Nam có lợi thế là mạng lưới quan hệ rộng lớn với các nước. Bên cạnh đó, Chính phủ từ các bộ, ngành luôn đồng hành và hỗ trợ với các DN.
Nga là thị trường tiềm năng và cởi mở
Trao đổi với Sputnik, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhìn nhận, so với các ngành khác, lĩnh vực CNTT là ngành tương đối đặc thù về mặt quản lý, nên sẽ không có gì đặc biệt lo ngại. Nga cũng giống như các thị trường nước ngoài khác, có môi trường đầu tư cho ngành CNTT tương đối cởi mở.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm phát biểu tại Hội nghị về hợp tác số toàn cầu, với chủ đề “Cơ hội cho doan nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam tại thị trường nước ngoài”
© Sputnik / Ha Linh
“Hiện nay các nước đều đang hướng tới việc tự chủ về công nghệ. Tôi nghĩ rằng, Nga sẽ sẽ là đối tác quan trọng để Việt Nam cùng hợp tác và nâng cao năng lực tự chủ về công nghệ số của hai nước. Trong đó, thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số”, Thứ trưởng Tâm thông tin tới Sputnik.
Hiện Việt Nam đang có hơn 40.000 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, với khoảng 550.000 kỹ sư công nghệ thông tin. Các DN công nghệ số ở Việt Nam tự tin có đủ khả năng vươn ra toàn cầu.
Còn tại Nga, công nghệ là một trong ngành tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế Nga, kết quả của lực lượng kỹ sư đông đảo bậc nhất thế giới cùng hệ thống giáo dục kỹ thuật trên toàn quốc được đánh giá cao.
“Tôi đánh giá, Nga là thị trường rất tiềm năng. Mọi lĩnh vực đều có thể hợp tác hai bên cùng có lợi. Ngoài ra, hai nước nên tiếp tục củng cố hợp tác, kế thừa và phát huy hơn nữa. Đó là việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, trên cơ sở Việt Nam có nguồn nhân lực công nghệ thông tin dồi dào và quan hệ tình cảm đặc biệt giữa hai nước. Đây sẽ là nền tảng tốt cho hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT)”, đại diện Bộ TT&TT đánh giá.
Đáng chú ý, Nga và Việt Nam có nhiều tiềm năng hợp tác trong việc thiết kế và sản xuất các nền tảng phần mềm cho thị trường toàn cầu. Cả hai quốc gia có thể thành lập các liên doanh để phân phối phần mềm tại thị trường của nhau và cùng nhau hợp tác trong các lĩnh vực như xây dựng thành phố, năng lượng thông minh, hệ thống trao đổi và thanh toán quốc tế. Đồng thời, cả Nga và Việt Nam có thể triển khai cơ sở hạ tầng CNTT chung trên lãnh thổ Á- Âu.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao kinh tế và thúc đẩy thương mại để hỗ trợ DN công nghệ số Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế, tìm kiếm đối tác và phân tích tiềm năng thị trường. Cùng nhau giải quyết các khó khăn, rào cản để giúp DN giảm thiểu rủi ro khi đầu tư kinh doanh ở nước ngoài.