Theo đó, thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn từ 6 xuống 3 tháng. Tức là, mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá.
Giá bán điện bình quân được cập nhật hàng quý theo chi phí phát điện. Khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng. Khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên, giá điện được phép điều chỉnh tăng.
Thẩm quyền tăng giá là Bộ Công Thương khi giá điện bình quân tăng 5-10% và trên 10% do Thủ tướng xem xét, quyết định.
“Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán nằm ngoài khung giá, chỉ được xem xét điều chỉnh trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến”, quyết định mới nêu rõ.
Theo quyết định mới, trước ngày 25/1 hằng năm, EVN tính toán giá bán điện bình quân theo công thức quy định và báo cáo về Bộ Công Thương.
Trong Quyết định 05, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương hướng dẫn EVN tính toán giá bán điện bình quân theo quy định, thực hiện việc điều chỉnh giá điện và chủ trì kiểm tra, giám sát theo quy định.
Bộ Tài chính sẽ là cơ quan phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện Quyết định này với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về giá. Các Bộ, cơ quan liên quan có ý kiến tham gia, phối hợp đối với các nội dung liên quan trong phạm vi được phân công quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật. Cùng với đó, Tổng cục Thống kê có trách nhiệm đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện đến kinh tế vĩ mô.
Quyết định 05 có hiệu lực từ 15/5/2024.