Tránh biển Đỏ, hàng Việt Nam vẫn “lênh đênh” trên những con sóng

HÀ NỘI (Sputnik) - Việt Nam là nước phần lớn phụ thuộc vào xuất khẩu. Thay vì đi qua kênh đào Suez, các doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải đi đường vòng, ảnh hưởng lớn đến thời gian, chi phí và chất lượng sản phẩm. Biển Đỏ “dậy sóng”. Còn các doanh nghiệp Việt như “ngồi trên đống lửa”.
Sputnik

Thời gian, chi phí tăng gấp đôi

Nếu trước đây, thời gian chuyển hàng từ Việt Nam sang bờ Đông nước Mỹ mất khoảng 28 ngày. Thì nay mất thêm khoảng 2 tuần, tức 40 ngày. Còn đối với các tuyến đi châu Âu, trước kia cước phí sẽ rơi vào khoảng 1.800 - 2.000 USD, thì nay tăng lên gấp đôi, khoảng trên 4.000 USD.
Nguyên nhân là do xung đột ở Biển Đỏ. Nhiều hãng vận tải đã chủ động tránh đi qua kênh đào Suez. Lựa chọn tuyến tàu hàng đi vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi) để chuyển hàng đến châu Âu, tránh những rủi ro không đáng có.
Gần 15% hàng hóa nhập khẩu vào châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi được vận chuyển từ châu Á và vùng Vịnh bằng đường biển, đa phần là đi qua Biển Đỏ. Sự gia tăng trong chi phí vận chuyển có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến giá trị xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Châu Âu.
Quãng đường xa hơn. Nhiều phụ phí phát sinh hơn. Điều này đẩy doanh nghiệp vào thế khó khi khách hàng không chấp nhận điều chỉnh theo giá mới.
Chưa kể đến việc đi đường vòng sẽ vô hình chung ảnh hưởng tới chất lượng nhiều mặt hàng xuất khẩu. Đặc biệt là nhóm hàng nông sản, thủy sản. Theo TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các nhóm hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, nhựa hay nhóm hàng thủy sản và các sản phẩm về trái cây đều chịu tác động ảnh hưởng lớn.
Khủng hoảng Biển Đỏ sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế và lạm phát trên khắp châu Á
Đáng nói, Việt Nam là nước phần lớn phụ thuộc vào xuất khẩu. Theo Bộ Công thương, trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tại khu vực châu Âu và khu vực Bắc Mỹ chiếm tới 28,4% tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Điều này cho thấy rõ khả năng tác động của cuộc xung đột Biển Đỏ đến Việt Nam là không hề nhỏ.

Có thể gây ra hiệu ứng domino

Chuyên gia cho hay, một số tác động tiêu cực hiện hữu là việc giá cước vận tải tăng, nghiêm trọng hơn là tình trạng thiếu container rỗng, thời gian vận chuyển kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng đơn hàng xuất nhập khẩu.
“Ngoài việc phải đối mặt với chi phí hậu cần, chi phí bảo hiểm và thời gian giao hàng cũng là những yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến doanh nghiệp và gây áp lực lớn. Cuộc xung đột này cũng kéo dài thời gian giao hàng và có thể dẫn đến việc doanh nghiệp không thể đáp ứng kịp thời gian giao hàng cho đối tác theo hợp đồng”, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trao đổi với Sputnik.
Xa hơn nữa, hậu quả của xung đột không chỉ dừng lại ở ngành vận tải biển mà còn lan rộng ra các lĩnh vực khác. Việc tăng chi phí vận tải và giá dầu sẽ có thể gây ra hiệu ứng domino đối với giá cả hàng hóa khác cũng như làm tăng thêm bất ổn kinh tế và địa chính trị. Ví dụ, như tắc nghẽn chuỗi cung ứng, lạm phát tăng cao trong bối cảnh suy thoái kinh tế, sức mua giảm sút và niềm tin tiêu dùng giảm đi.
Phó Thủ tướng Liên bang Nga dự đoán giá dầu thế giới năm 2024

“Trong năm 2023, việc giảm giá năng lượng và ổn định trong chuỗi cung ứng đã giúp giảm áp lực lạm phát. Tuy nhiên, tình hình không ổn định tại Biển Đỏ đang đảo ngược những yếu tố giảm lạm phát này, làm tăng thêm áp lực lên Ngân hàng trung ương vốn đang nỗ lực kiểm soát lạm phát. Đồng thời, khi lạm phát tăng trở lại tại các nước châu Âu, ngân hàng Trung ương các nước sẽ phải tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ để đối phó với lạm phát. Nhu cầu của các thị trường là đối tác thương mại chính của Việt Nam cũng phục hồi chậm lại gây khó khăn cho xuất khẩu”, TS Võ Trí Thành chỉ ra.

Thay đổi hạ tầng logistics trong nước

Sau khi căng thẳng xảy ra, phía cơ quan chức năng Việt Nam cũng đã đưa ra khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, logistics nắm bắt và cập nhật thông tin đến doanh nghiệp để chủ động lập kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu.
Viettel Post sắp xây 2 trung tâm logistics lớn ở Nam Ninh và Bằng Tường, Trung Quốc
Dự báo vận tải biển sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong năm nay. Chính vì vậy, các Hiệp hội, doanh nghiệp cần liên tục cập nhật tình hình theo dõi để chủ động lên phương án ứng phó.

“Bên cạnh đó, cơ quan liên quan cần giảm chi phí logistics kho bãi, hạ tầng cảng biển, hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn này. Trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện xuất nhập khẩu thương mại, đặc biệt là xuất khẩu, vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh vào sự thay đổi tích cực trong vài năm gần đây của Việt Nam, đó là việc cải thiện hạ tầng. Trong cấu trúc phát triển mới của nền kinh tế thế giới, hạ tầng không chỉ bao gồm các tuyến đường cao tốc, đường sá và phương tiện vận chuyển, mà còn bao gồm hạ tầng số, logistics...”, chuyên gia nhấn mạnh.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần mua bảo hiểm phòng ngừa rủi ro và tổn thất khi hàng hóa phải kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyến đường này. Đặc biệt, khi ký kết và đàm phán hợp đồng thương mại và vận chuyển, các doanh nghiệp nên bao gồm điều khoản về bồi thường và miễn trách nhiệm trong các tình huống khẩn cấp.
Thảo luận