Chính sách đối nội và đối ngoại, kinh tế, bảo vệ động vật, văn hóa và thể thao - đó là những chủ đề trong bài tổng quan truyền thống «Việt Nam trên báo chí nước ngoài» kỳ này.
Liệu Việt Nam có thay đổi chủ trương không liên kết?
Tờ East Asia Forum đăng bài thảo luận về khả năng thay đổi chiến lược không liên kết của Hà Nội, được xác định theo nguyên tắc “Bốn Không” trong chính sách đối ngoại của CHXHCN Việt Nam. Mối quan hệ lành mạnh, cân bằng với các cường quốc đã mang lại lợi ích cho Việt Nam. Nhưng bất kỳ chính sách quốc phòng và đối ngoại nào cũng cần phản ánh bối cảnh phát triển chiến lược trong khu vực, và Hà Nội có thể thay thế chủ trương không liên kết nếu như tình hình an ninh khu vực xấu đi đe dọa đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Mối đe dọa trước mắt đối với vùng lãnh thổ do Việt Nam kiểm soát ở Biển Đông, hoặc việc Trung Quốc sử dụng quyền tiếp cận căn cứ hải quân Ream của Campuchia để đe dọa cánh sườn phía Nam của Việt Nam hoặc lãnh thổ ở Biển Đông có thể buộc Hà Nội phải suy tính lại chiến lược của mình chăng, tác giả bài báo nêu giả thiết.
Cùng lúc này, các ấn phẩm của Trung Quốc như Tân Hoa Xã và CGTN đều đưa tin về những cuộc tiếp xúc cấp cao Trung-Việt: Phái đoàn Quốc hội Việt Nam do ông Vương Đình Huệ dẫn đầu thăm Trung Quốc vào tuần tới và cuộc đàm phán giữa các Ngoại trưởng Trung Quốc và Việt Nam ở Trung Quốc, nơi ông Vương Nghị tuyên bố rằng Bắc Kinh luôn coi Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong ngoại giao láng giềng của Trung Quốc và sẵn sàng làm việc với phía Việt Nam để cùng thúc đẩy xây dựng cộng đồng Trung Quốc-Việt Nam với tương lai chung. Hai bên nhất trí giải quyết một cách hợp lý những khác biệt, đẩy mạnh hợp tác hàng hải và tham vấn về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, cũng như giải quyết xung đột bằng phương tiện hợp tác cùng có lợi.
Ấn phẩm Công giáo Ucanews thông báo về chuyến công du vào tuần tới của Ngoại trưởng Tòa thánh Vatican, Tổng giám mục Paul Richard Gallagher, sẽ thăm Việt Nam từ ngày 9 đến ngày 14 tháng 4 với các điểm đến ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam, như bước chuẩn bị để điều phối thống nhất kế hoạch dành cho chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới CHXHCN Việt Nam. Đây thực sự là trường hợp ngoại lệ, bởi Vatican và Việt Nam cho đến nay chưa có quan hệ ngoại giao chính thức.
Người Việt ủng hộ chủ nghĩa tư bản!
Bài viết trên tờ The Article kể về cuộc khảo sát qua điện thoại, do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội Indochina Research thực hiện tại Việt Nam vào năm 2019. Mục đích khảo sát là tìm hiểu xem hệ thống kinh tế nào trên thế giới được người Việt Nam ngưỡng mộ hơn cả. Giành phần thắng về sự ưu ái của các thành viên tham dự khảo sát rõ ràng đều là các nước tư bản: Nhật Bản với tỷ lệ tán thành là 82%, Hàn Quốc - 79% và Singapore - 78%. Hoa Kỳ và Nga nhận được đánh giá giống nhau - 71% tán thành. Đối với người Việt Nam, chủ nghĩa tư bản gắn liền với những đặc điểm như tiến bộ, ứng nghiệm đổi mới, hàng hóa đa dạng, phồn vinh và tự do. Nếu Việt Nam tiếp tục đi theo con đường thị trường tự do hiện nay và thành công trong thực hiện cải cách thì hẳn là có cơ may tốt đẹp để trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu của thế giới. Tuy nhiên, nếu như Hà Nội - giống như Trung Quốc trong những năm gần đây - quên mất lý do tại sao Việt Nam đạt được những cải thiện lớn về mức sống và quay trở lại phụ thuộc nhiều hơn vào Nhà nước, thì e rằng sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn, tờ báo lưu ý.
Nền kinh tế đang lớn mạnh
Một số ấn phẩm đưa tin nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc Chery đã ký thỏa thuận với công ty Geleximco của Việt Nam về việc xây dựng nhà máy tại Việt Nam với công suất 200.000 xe mỗi năm. Nhà máy sẽ sản xuất các mẫu xe điện của Chery là Omoda và Jaecoo. Trông đợi là trước khi khởi động sản xuất, Chery sẽ nhập khẩu vào Việt Nam 2 mẫu ô tô điện.
Tờ The Star công bố dữ liệu nhập khẩu ô tô vào Việt Nam trong tháng 3 tăng 55,4%.
Trong khi đó CNBC có bài viết phản ánh nguyện vọng của Ấn Độ trở thành nhà sản xuất dẫn đầu ở châu Á, bởi các công ty rời khỏi Trung Quốc. Ấn Độ và Việt Nam là những lựa chọn thay thế sản xuất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và công ty nước ngoài, một phần là do chi phí công lao động thấp. Hơn thế nữa, Việt Nam hiện nay vẫn dẫn trước Ấn Độ về xuất khẩu sang Hoa Kỳ - theo kết quả tính đến cuối năm 2023, Việt Nam có 96,99 tỷ USD còn Ấn Độ có 75,65 tỷ USD. Ấn Độ có quản lý thuế phức tạp hơn và thuế suất cao, còn Việt Nam có lợi thế về điều kiện kinh doanh đơn giản và cơ sở hạ tầng phát triển.
Cùng trong tuần này, Nikkei Asia thông báo rằng các công ty Hàn Quốc, vốn từ lâu là thủ lĩnh về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, thì bây giờ đang bị các công ty Trung Quốc đẩy bật.
Còn tờ Vietnam Briefing thuật lại tóm tắt diễn biến kinh tế Việt Nam quý I năm 2024. Tăng trưởng GDP đạt 5,66% so với quý I năm 2023, còn tăng trưởng FDI là 13,4%. Đáng chú ý là ngành sản xuất, tái chế công nghiệp đã thành địa chỉ cơ bản nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đà tăng trưởng của hoạt tính kinh tế trong nước được đảm bảo nhờ công nghiệp sản xuất và khối dịch vụ. Theo dự báo của IMF, đến cuối năm 2024, nền kinh tế Việt Nam có triển vọng đạt 469,7 tỷ USD, cho phép đất nước duy trì vị thế nền kinh tế lớn thứ 5 tại Đông Nam Á. Quý I của năm 2024 chứng kiến sự gia tăng đột biến hàng thập kỷ về số lượng các doanh nghiệp mới, với 36.224 doanh nghiệp mới đăng ký trên toàn quốc.
Bài viết của BFM cho biết rằng giá cà phê đã đạt mức cao tối đa trong 16 năm lại đây, đặc biệt là loại Robusta đang ngày càng đắt lên. Đây là cách thị trường phản ứng trước khả năng khan hiếm hạt cà phê do nắng nóng dị thường ở Việt Nam. Theo dự đoán của các chuyên gia, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu và điều này ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến cán cân toàn cầu.
Tờ báo Nga Interfax đưa tin năm 2023, xuất khẩu nông sản từ Nga sang Việt Nam đã tăng 32%, mặt hàng chủ yếu là ngũ cốc, tôm cua và thịt heo. Theo quan điểm của các chuyên gia, đến năm 2030 xuất khẩu có thể tăng trưởng hơn gấp 4 lần.
Thiên nhiên, nghệ thuật, thể thao
Báo Mongabay kể câu chuyện xoá bỏ cảnh nuôi nhốt loài rùa đốm mai mềm ở Việt Nam, làm dấy lên hy vọng của các nhà bảo tồn thiên nhiên về tương lai của loài rùa vốn đang cực kỳ nguy cấp bởi được coi là đặc sản ẩm thực ở Trung Quốc và Đông Nam Á.
Deadline báo tin rằng bộ phim ngôn tình đình đám «Mai», thu về 21 triệu USD ở Việt Nam, bây giờ đã cán mốc mới, thu thêm 2 triệu USD tại các phòng vé Bắc Mỹ và Châu Âu chỉ sau hai tuần lễ. Những con số đó khiến phim trở thành tác phẩm điện ảnh do Việt Nam sản xuất có doanh thu cao nhất mọi thời đại ở hai châu lục.
Tờ báo Anh The Guardian dành đăng bài viết dài nói về số phận của nền bóng đá Việt Nam, qua phân tích thành công và thất bại của đội tuyển quốc gia dưới sự dẫn dắt gần đây của hai HLV người nước ngoài. Tác giả bài báo đi đến kết luận như sau: những cuộc rèn luyện trong nước không đảm bảo sự chuẩn bị mà đội tuyển quốc gia cần có để vươn ra tham dự các giải đấu quốc tế, vì thế câu hỏi đặt ra là liệu có nên tìm kiếm cầu thủ ngoại hay không. Bài viết dẫn ví dụ điển hình là Indonesia, đã tiếp cận châu Âu để chiêu mộ những cầu thủ gốc Indonesia có thể nhập tịch và triệu tập 10 tân binh như vậy dành cho những trận đấu vòng loại gần đây. Suốt thời gian dài bóng đá Indonesia từng bị cười nhạo ở Đông Nam Á, nhưng hiện giờ, vào năm 2024, đội tuyển Indonesia đã 3 lần hạ gục đội Việt Nam và đang trên đường tiến tới chung kết vòng loại World Cup. Tuy nhiên cho đến lúc này có vẻ Việt Nam vẫn chưa hẳn quyết định - liệu có nên tìm kiếm nhân tài bóng đá qua cách tiếp cận các cộng đồng hải ngoại của mình ở Châu Âu và Bắc Mỹ hay không, ấn phẩm kết luận.