Chuyến thăm có ý nghĩa chiến lược một cách toàn diện

Không chỉ là việc nâng tầm quan hệ chính trị, kết quả hoạt động ban đầu của đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại Trung Quốc còn cho thấy sự kết nối chiến lược chặt chẽ hơn, tạo động lực tăng trưởng mới cho hợp tác hai nước.
Sputnik
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thực hiện chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 7-12.4.2024. Đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên sau khi hai nước nâng tầm quan hệ. Trong khuôn khổ chuyến thăm lần đầu tiên diễn ra cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa hai vị lãnh đạo cơ quan lập pháp hai nước sau Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Xung quanh chuyến thăm này có rất nhiều bình luận trong giới chuyên gia và báo chí. Một số còn nói đến sự liên quan của nó tới việc miễn nhiệm chức chủ tịch nước của ông Võ Văn Thưởng cách đây không lâu. Sputnik đã có cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long về những chủ đề liên quan tới chuyến thăm Trung Quốc kéo dài tới một tuần của người đứng đầu Quốc hội Việt Nam.

“Cộng đồng chia sẻ tương lai”

Sputnik: Chào ông Nguyễn Hồng Long! Từ quan điểm của ông, những mục đích chính và ý nghĩa của chuyến thăm Trung Quốc lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ này là gì, tính đến việc chuyến thăm này khá dài, tới một tuần?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long:
Tiếp theo các chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính, chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao, định hướng chiến lược cho quan hệ song phương, cụ thể hóa nhận thức chung giữa Lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước; khẳng định Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại.
Chuyến thăm còn nhằm cụ thể hóa 6 phương hướng lớn: Tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn, đóng góp tích cực cho hòa bình, phát triển của khu vực và thế giới.
Không những thế, chuyến đi thăm Trung Quốc lần này của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ còn có ý nghĩa đưa quan hệ hai nước phát triển một cách thiết thực hơn, cụ thể hơn; không chỉ về chính trị mà còn cả về kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh.
Quan hệ Việt-Trung nhìn từ sự tiếp đón ông Vương Đình Huệ ở Trung Quốc
Nhìn vào thành phần đoàn đại biểu Việt Nam, chúng ta thấy không chỉ có các quan chức của Quốc hội Việt Nam mà còn có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận trung ương Bùi Thị Minh Hoài, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, người phụ trách các ngành đầu tư, công nghiệp và nông nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ và lãnh đạo một số bộ, ngành về kinh tế và văn hóa của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam.
Với thành phần như trên, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam không đơn giản chỉ là đại diện cho cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Việt Nam mà còn có sự tham gia của các đại diện lãnh đạo của nhiều lĩnh vực quan trọng. Điều này cho thấy tính chất của quan hệ giữa hai nước không chỉ dừng lại ở mức đối tác chiến lược toàn diện mà còn phát triển cao hơn nữa. Đó là “Cộng đồng chia sẻ tương lai”.
Từ trước đến nay, không ít người đã coi quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với Nhân đại và Chính hiệp Trung Quốc chỉ có tính chất hình thức. Tuy nhiên, chuyến thăm Trung Quốc lần này của Chủ tịch Quốc hội Việt nam Vương Đình Huệ đã hoàn toàn bác bỏ định kiến sai lầm đó.
Chuyến thăm này cũng không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa chính trị mà còn có ý nghĩa thực chất về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Và đặc biệt là hai bên đã có được một thỏa thuận có tính chiến lược về hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, lần đầu tiên thành lập cơ chế Ủy ban hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp do hai Chủ tịch đứng đầu.
Cùng với hoạt động giao lưu giữa hai Đảng, hai chính phủ thông qua các Ủy ban phối hợp, hoạt động của Ủy ban hợp tác cấp độ Quốc hội họp 2 năm một lần sẽ tiếp tục mở ra các kênh giao lưu, hợp tác hữu nghị giữa hai cơ quan lập pháp, là một bộ phận cấu thành quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; cần tăng cường giao lưu, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về công tác lập pháp, giám sát và quản trị đất nước, thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc lên tầm cao mới.

Mong muốn của hai bên cùng xây dựng hình ảnh đầu tư mới

Sputnik: Trong hai ngày qua, có thể thấy chương trình làm việc của ông Vương Đình Huệ là dày đặc. Ngoài kết quả lớn đầu tiên là việc lần đầu tiên thành lập cơ chế Ủy ban hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp do hai Chủ tịch đứng đầu thì theo ông còn có hoạt động nào đáng chú ý?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long:
Trong các cuộc hội đàm và hội kiến với các lãnh đạo Trung Quốc, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã có những đề nghị thiết thực về việc sớm thành lập Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Thành Đô (Tứ Xuyên), Hải Khẩu (Hải Nam) và Nam Kinh (Giang Tô); tiếp tục mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông thủy sản của Việt Nam, sớm đàm phán ký kết Thỏa thuận khung về thương mại gạo; triển khai hiệu quả xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh, nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam quá cảnh đường sắt Trung Quốc đi nước thứ ba qua tuyến đường sắt liên vận quốc tế Á – Âu.
Sau các cuộc hội kiến giữa Chủ tịch Vương Đình Huệ với Chủ tịch Tập Cận Bình và Chủ tịch Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam còn có những hoạt động quan trọng khác; trong đó có việc tiếp kiến những người đứng đầu các tập đoàn doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc. Đó là Tập đoàn xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc (CRCC), Tập đoàn xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC), Tập đoàn Năng lượng Trung Quốc, Tập đoàn Năng lượng quốc tế Trung Quốc, Tập đoàn công nghệ thông tin Huawei
Huawei và loạt ‘ông lớn’ Trung Quốc muốn đầu tư vào Việt Nam
Các cuộc tiếp kiến này thể hiện mong muốn của hai bên cùng xây dựng hình ảnh đầu tư mới của các doanh nghiệp lớn, có năng lực, uy tín, công nghệ của Trung Quốc tại Việt Nam, đồng thời phối hợp xử lý dứt điểm các vướng mắc tại một số dự án hợp tác, đẩy nhanh tiến độ triển khai các khoản viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc dành cho Việt Nam; nghiên cứu hợp tác xây dựng một số dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn đoạn Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Quảng Ninh, Hà Nội - Lạng Sơn.
Các hoạt động tiếp xúc đó nhằm mục đích đi sâu hợp tác thực chất, mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư, tăng cường kết nối chiến lược phát triển, thực hiện phát triển chất lượng cao; tăng cường kết nối chiến lược giữa sáng kiến “Vành đai và Con đường” và “Hai hành lang, một vành đai”, trọng tâm là xây dựng hạ tầng cơ sở, giao thông đường bộ và đường sắt, cửa khẩu thông minh, góp phần nâng cao hiệu suất thông quan.
Vì vậy, không chỉ là việc nâng tầm quan hệ chính trị, kết quả hoạt động ban đầu của đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại Trung Quốc còn cho thấy sự kết nối chiến lược chặt chẽ hơn, tạo động lực tăng trưởng mới cho hợp tác hai nước, trọng tâm là thúc đẩy hợp tác thương mại, mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản của Việt Nam, đẩy mạnh kết nối giữa Việt Nam với những chiến lược phát triển lớn của Trung Quốc, kết nối đường sắt, đường bộ cao tốc, đường biển, đường hàng không, thúc đẩy hợp tác tài chính, tiền tệ, chuyển đổi số.
Trong những ngày cuối cùng của chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sẽ còn có các cuộc tiếp xúc với đại diện của các tổ chức giáo dục, văn hóa, xã hội… của Trung Quốc. Đây là một chuyến thăm có ý nghĩa chiến lược một cách toàn diện.

Luận điệu về cái gọi là sự “bất ổn chính trị” ở Việt Nam là sai trái

Sputnik: Ông Vương Đình Huệ thăm Trung Quốc chỉ hơn 2 tuần một chút sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm (21/3). Một số chuyên gia có gắn liền hai sự kiện này và có bình luận là chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh “bất ổn chính trị” tại Việt Nam. Ông có bình luận gì về điều này?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long:
Những người theo học thuyết chính trị của Mỹ và phương Tây thường có cái nhìn thiên lệch và áp đặt những suy nghĩ sai lầm của họ đối với hệ thống chính trị Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác. Theo ý kiến của họ thì một hệ thống chính trị thường do người đứng đầu dẫn dắt và quyết định, các thành viên của hệ thống chỉ làm theo. Tôi xin nói thẳng rằng đó là tư duy của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân mang theo những tàn tích của chế độ phong kiến; hết sức phi dân chủ. Và họ đã đem cái tư duy phi dân chủ ấy áp đặt, xuyên tạc thực chất của hệ thống chính trị hiện hành tại Việt Nam
Trên thực tế, dù là Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội Việt nam hay các tổ chức chính trị xã hội ở Việt nam đều hoạt động theo nguyên tắc “tập trung dân chủ” với phương châm “tập thể quyết định, cá nhân phụ trách”. Theo đó, “tập trung dân chủ có nghĩa là các thành viên có thể nêu các ý kiến của mình, thảo luận, tranh luận, phản biện trước khi đi đến một quyết sách. Quyết sách ấy được hình thành theo mô hình dân chủ đa số. Đó là quyết định của tập thể chứ không phải là của một cá nhân. Còn “tập thể quyết định, cá nhân phụ trách” là một khi quyết sách được tập thể quyết định thì mọi các nhân của hệ thống tổ chức đó phải có trách nhiệm thi hành và không được làm trái, không được lồng ghép quan điểm riêng của cá nhân.
Với sự giám sát kiểm tra lẫn nhau của các thành phần trong hệ thống chính trị và sự giám sát toàn diện của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội thành viên, mà Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như hệ thống chính trị của Việt Nam có đủ năng lực để tự điều chỉnh bản thân mình, tự sửa chữa các khuyết nhược điểm của mình mà không cần đến một tổ chức đối lập nào cả.
Chính vì vậy mà trong hệ thống chính trị của Việt Nam, việc thay thế một vị chủ tịch nước hay các lãnh đạo cấp cao nếu họ không đảm nhận được trách nhiệm của mình hoặc mắc vào những khuyết điểm, sai lầm là điều hoàn toàn bình thường. Đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại của Việt Nam vẫn không vì thế mà thay đổi
Còn những luận điệu về cái gọi là sự “bất ổn chính trị” ở Việt Nam đang ồn ào trên một số phương tiện thông tin đại chúng của Mỹ và phương Tây cũng như các tổ chức phản động, thù địch hoặc có thiên kiến với Việt Nam đều là các luận điệu sai trái, thậm chí là ác ý, bịa đặt, xuyên tạc và lừa bịp.

Ông Vương Đình Huệ nêu bật bốn chữ “Thân - Thành - Huệ - Dung” khi nói về quan hệ láng giềng Việt Nam – Trung Quốc

Sputnik: Hôm 8/4, ông Vương Đình Huệ đã có cuộc hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Triệu Lạc Tế. Tại các cuộc gặp gỡ này, ông Vương Đình Huệ đã có một số phát biểu. Theo ông, những điểm gì đáng chú ý nhất?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long:
Tại buổi hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có nêu bật bốn chữ “Thân - Thành - Huệ - Dung” khi nói về quan hệ láng giềng Việt Nam – Trung Quốc. Trước đây, Trung Quốc cũng từng nêu ra 12 chữ trong quan hệ hai nước như: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”; hoặc trước đó là 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.
Lần này, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ đã nêu ra 4 chữ đó cũng với ý nghĩa tái xác định tính chất của mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước, góp phần củng cố và tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực, là sự khẳng định đối với định hướng chiến lược nền tảng, lâu dài cho sự phát triển lành mạnh, ổn định của quan hệ Việt-Trung.
Định vị mới và tầm mức mới của quan hệ Việt-Trung
Trong đó, “Thân” có nghĩa là “Thân thiện”. Điều này được khẳng định bởi truyền thống quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc trong lịch sử 75 năm qua (1949-2024) cũng như sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ đó trong thời gian 1/4 đầu tiên của thế kỷ XXI.
“Thành” có nghĩa là “Chân thành” là đem tấm lòng thật thà ra để đối đãi với nhau, để hiểu nhau hơn, để cùng hướng tới những lợi ích chung, để không lừa dối lẫn nhau, để không làm tổn hại lẫn nhau. Lịch sử quan hệ giữa các dân tộc trên thế giới cho thấy chỉ khi nào có sự chân thành thì mối quan hệ giữa con người với con người, giữa dân tộc với dân tộc, giữa quốc gia các quốc gia và giữa dân tộc với dân tộc mới được lâu bền.
“Huệ” có nghĩa là “Ưu ái lẫn nhau”, cùng nhau thụ hưởng những thành quả mà mối quan hệ thân thiện và chân thành đem lại cũng như cùng nhau chia sẻ những rủi ro, những khó khăn; coi thành công của bạn như thành công của mình, coi những rủi ro, khó khăn của bạn như rủi ro, khó khăn của mình để cùng nhau vượt qua, cùng nhau phát triển.
“Dung” có nghĩa là “Dung hòa”. Trong các mối quan hệ quốc tế vẫn thường xảy ra những va chạm về lợi ích hoặc những mâu thuẫn trong cách nhìn, góc nhìn của mỗi bên. Vì vậy, sự “Dung hòa” có một ý nghĩa quan trọng để hai bên thông cảm với hoàn cảnh riêng có của mỗi nước, mỗi dân tộc. Từ đó, đem tấm lòng chân thành, thân thiện để khắc phục những điểm còn chưa thống nhất, để cùng nhau giải quyết những bất đồng sao cho không bên nào bị thiệt thòi.
Có thể nói, phương châm “Thân - Thành - Huệ - Dung” mà Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã nêu ra là một sự bổ sung đầy chất lượng cho phương châm “4 tốt” mà phía Trung Quốc đã nêu ra , khiến cho phương châm ấy không chỉ là hình thức, là khẩu hiệu mà phải đi vào thực chất bằng những hành động cụ thể. Đây chính là điểm nhấn quan trọng trong lập trường của Việt Nam đối với quan hệ Việt – Trung được thể hiện qua phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong chuyến thăm lịch sử này.
Sputnik: Chân thành cảm ơn ông vì cuộc phỏng vấn.
Thảo luận