Vé máy bay đắt đỏ, người Việt chọn du lịch bằng tàu hỏa, ô tô

HÀ NỘI (Sputnik) - Giá vé máy bay đóng một vai trò quan trọng trong giá tour. Khi giá vé máy bay tăng, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự lựa chọn điểm đến và phương thức vận chuyển. Thay vì đi máy bay, người ta có thể lựa chọn đi bằng ô tô, tàu hỏa hoặc đường thủy. Nhưng đó chỉ là phương án tạm thời.
Sputnik

Chọn “ngoại” thay “nội”, chọn tàu hỏa thay máy bay

Việt Nam đã quyết định kéo dài ngày nghỉ lễ dịp 30/4 lên đến 5 ngày, một phần để kích cầu du lịch. Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam 2024 (VITM) cũng được tổ chức trước dịp nghỉ lễ này để thu hút khách du lịch trong nước. Nhiều gói khuyến mãi được tung ra, nhiều sản phẩm mới được thiết kế để tối ưu hóa chi phí cho khách hàng.
Thế nhưng, giá tour năm 2024 có phần nhỉnh hơn so với các năm trước. Chia sẻ với Sputnik về nguyên nhân này, Ông Nguyễn Công Hoan - Phó Tổng giám đốc Flamingo Holding Group, CEO Flamingo Redtours cho biết, có hai lý do khiến giá tour tăng.
Thứ nhất, sau dịch Covid-19, đồng loạt các công ty du lịch đều giảm giá để thu hút khách quay trở lại. Hiện khi kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp phải tính đến chi phí lợi nhuận, nên không thể để thấp hơn so với chi phí đầu vào. Thứ hai, tỷ giá tăng nên giá tour nước ngoài sẽ tăng.
Ngoài ra, đối với du lịch trong nước, giá vé máy bay trong những tháng đầu năm và tiếp tục có xu hướng tăng cao. Như vậy, chắc chắn giá tour phải tăng.
Top 20 điểm đến du lịch tốt nhất tại Việt Nam năm 2024: Địa điểm và nơi đến
Giá vé máy bay đang tác động mạnh đến quyết định đi chơi, đi du lịch của du khách trong nước. Tâm lý của khách du lịch, thay vì đi xa, chọn đi gần. Thay vì dài ngày, chọn đi ngắn ngày. Ví dụ, giá vé đi Phú Quốc rơi vào khoảng 6-7 triệu đồng/ khứ hồi/ khách. Giá vé này tương đương giá một tour đi Thái Lan, hoặc tour đi Trung Quốc (đường bộ). Thay vì đi Phú Quốc, người dân sẽ chọn đi Thái Lan hoặc Trung Quốc.
Có thể thấy, giá vé máy bay đóng một vai trò quan trọng trong giá tour. Khi giá vé máy bay tăng, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự lựa chọn điểm đến và phương thức vận chuyển. Thay vì đi máy bay, người ta có thể lựa chọn đi bằng ô tô, tàu hỏa hoặc đường thủy.

“Với công ty du lịch, khi giá vé máy bay tăng cao, chúng tôi sẽ phải điều chỉnh: xây dựng các sản phẩm không sử dụng hàng không. Đó là chuyển đổi từ hàng không sang đường bộ, đường sắt. Những năm gần đây ngành đường sắt đang được cải tạo nhiều. Thứ hai, thay vì các tuyến ngoại vùng, tập trung sử dụng phương tiện nội dùng, di chuyển bằng ô tô. Phía Bắc tập trung vào các vùng Hạ Long, Cát Bà, Cửa Lò,... Hay khách miền Nam tập trung tour đi Mũi Né, Phan Thiết, Vũng Tàu với phương tiện bằng ô tô khi đường cao tốc nâng cấp rất tốt”, ông Hoan chia sẻ.

Hàng không thiếu máy bay, nguy cơ giá vé cao điểm hè tăng mạnh
Ông Hoan cũng cho biết thêm, một số cơ quan xúc tiến du lịch nước ngoài đang tích cực triển khai nhiều chương trình ưu đãi để thu hút khách du lịch Việt Nam đến đất nước họ. Phải kể đến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan. Ngoài tăng cường truyền thông quảng bá tại đất nước hơn 100 triệu dân, họ hỗ trợ chi phí cho các công ty khai thác du lịch.

Chưa có thuốc trị “cơn đau đầu”

Giá vé máy bay là câu chuyện đã nói đi nói lại nhiều lần. Đây không chỉ là "cơn đau đầu" của riêng ngành hàng không Việt Nam, mà có tác động rất lớn đến toàn ngành du lịch, lữ hành. Phú Quốc, Nha Trang, Côn Đảo vắng bóng khách nội địa. Nguyên nhân giá vé tăng chiếm tới từ 50% đến 60% cấu thành giá tour.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam bày tỏ, ngành du lịch có mối quan hệ mật thiết với giao thông. Do đó, để bài toán này được giải quyết, các ngành nên cùng nhau chia sẻ trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro cùng chia sẻ. Chắc chắn, đây là bài toán tổng thể cần có sự vào cuộc của Chính phủ.
"Mỗi ngành đều quan tâm đến lợi nhuận của riêng mình. Tuy nhiên, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như giao thông, khách sạn, nhà hàng... Trong tương lai, Chính phủ cần nghiêm túc đánh giá tổng thể, để có sự điều phối giữa các ngành và lĩnh vực khác nhau để đảm bảo lợi nhuận hài hòa và phát triển chung hình ảnh du lịch quốc gia", ông Bình nhấn mạnh.

Người Việt yêu thích tour Nga

Đánh giá riêng về du lịch Nga - Việt, chia sẻ với Sputnik, đại diện công ty du lịch Vietravel ông Phạm Văn Bảy khẳng định, thị trường Nga luôn là mối quan tâm của khách du lịch Việt Nam.
Công ty Nga đang chờ đợi và sẵn sàng cung cấp tour đến Việt Nam trên các chuyến bay thẳng

“Thực ra các doanh nghiệp đã chuẩn bị đường bay đi Nga và du khách đã bắt đầu quan tâm đến sản phẩm du lịch Nga. Đặc biệt, giai đoạn rất đẹp “đêm trắng” của Nga, rơi vào khoảng tháng 5-6-7. <...> Nga vẫn là thị trường tiềm năng. Từ lâu quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Nga, cũng như hỗ trợ của Nga trong quá khứ đối với Việt Nam cũng là mối ân tình. Đối với Việt Nam, thị trường Nga luôn là mối quan tâm. Chỉ cần có sự ổn định, chắc chắn số lượng khách Việt Nam sang Nga sẽ tăng lên rất nhiều”, Giám đốc Vietravel chi nhánh Hà Nội tin tưởng.

Thảo luận