Tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong nêu ý kiến cho rằng sức ép với giao thông tại Thủ đô là rất lớn với số lượng phương tiện đông, lưu thông trong giờ cao điểm rất khó khăn; hạ tầng giao thông, quỹ đất cho giao thông còn hạn chế; việc thi công các công trình, dự án trọng điểm về giao thông vẫn bị kéo dài.
Trong khi đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An đặt vấn đề liệu Hà Nội có nên tiếp tục xây dựng 8 tuyến BRT còn lại theo quy hoạch hay không, trong bối cảnh tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều?
“Nếu thực hiện thì điều gì cần rút kinh nghiệm khi ảnh hưởng của hạ tầng BRT đến giao thông chung là có”, ông Trịnh Xuân An nói.
Trả lời vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thành phố đã nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải tích hợp trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của quy hoạch chung Thủ đô, đồng bộ với quy hoạch Thủ đô; trong đó bổ sung 24 tuyến giao thông kết nối các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.
Đối với đường sắt đô thị, ông Tuấn cho biết TP sẽ quy hoạch phát triển 14 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 550km.
"Hệ thống đường sắt đô thị này sẽ là 'xương sống' của giao thông đô thị", ông Tuấn nói.
Vị lãnh đạo UBND TP Hà Nội nói theo điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô, TP sẽ thay thế tuyến BRT hiện hữu bằng đường sắt đô thị.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung cao độ nguồn lực để hoàn thành 7 dự án đường vành đai, các trục đường hướng tâm, kết nối vùng. Đồng thời, thành phố cũng chuyển đổi các phương tiện xanh, sạch; nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 - 2026 lên khoảng 30%.