Theo tờ Taipei Times, các nghi can Việt Nam bị bắt gồm ba người đàn ông họ Lê, Hoàng, Vũ và một phụ nữ họ Nguyễn. Nghi can Đài Loan được xác định họ Hứa.
Trong một tuyên bố, các công tố viên cho biết người đàn ông họ Lê và phụ nữ họ Nguyễn đã bắt đầu lên kế hoạch bắt cóc nạn nhân họ Vũ để đòi tiền chuộc ngay từ tháng trước, sau khi người phụ nữ quen anh này trên mạng.
Biết được thông tin về tài chính của gia đình nạn nhân, hai người này đã nghĩ ra kế hoạch để người phụ nữ thuyết phục nạn nhân đi từ Đào Viên thuộc Đài Loan đến Văn Lâm để gặp mặt.
Tại đây, người đàn ông họ Lê và những người khác đã khống chế Vũ, đưa nạn nhân tới một nhà trọ địa phương.
Nhóm người này sau đó gọi điện thoại cho cha của Vũ, yêu cầu số tiền chuộc 250.000 TWD (gần 200 triệu VND). Sau khi gia đình của nạn nhân chuyển khoản, những người này vẫn tiếp tục giam giữ Vũ nhằm moi thêm tiền chuộc từ gia đình.
Sợ nạn nhân kêu cứu, nhóm người trên đã nhét khăn vào miệng, dùng băng keo quấn quanh mắt, miệng và mũi của nạn nhân khiến anh tử vong. Các nghi can sau đó chôn xác nạn nhân tại một trang trại mía.
Sau khi bị bắt, những người này đã đưa lực lượng điều tra đến nơi chôn thi thể nạn nhân. Nhà chức trách sau đó lấy dấu vân tay và khám nghiệm tử thi.
Ngày 16/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đã liên hệ với cơ quan chức năng của Đài Loan, "sơ bộ xác minh được nhân thân người bị hại".
Phía cảnh sát cũng cho biết đã bắt giữ một số nghi can người Việt để phục vụ điều tra.
"Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại theo dõi sát vụ việc, làm rõ thông tin nhân thân những đối tượng liên quan, có các biện pháp bảo hộ công dân phù hợp, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân Việt Nam, theo đúng quy định của pháp luật sở tại", Bộ Ngoại giao khẳng định.
Lao động H. nhập cảnh Đài Loan ngày 12/10/2023, theo hợp đồng cung ứng và làm việc tại nhà máy ở đường Đông Viên, khu Trung Lịch, TP Đào Viên.
Ngày 7/3, lao động này không đến nhà máy làm việc. Sau đó 2 ngày, người nhà của lao động H. ở Việt Nam cho biết anh đã bị bắt cóc, tống tiền do nợ nần.
Ban Quản lý lao động báo cáo và đề nghị Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ đạo công ty đưa người lao động đi làm việc nước ngoài thông báo và chia buồn với gia đình lao động.
Cùng với đó, công ty này sẽ phối hợp với công ty môi giới Đài Loan hỗ trợ người thân của người lao động làm thủ tục hậu sự, tổ chức tang lễ và giải quyết các quyền lợi hợp pháp của người lao động (tiền lương, tiết kiệm, bảo hiểm... nếu có).
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài, Cục đề nghị các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Ban trong quá trình giải quyết vụ việc tại Đài Loan.
Hiện vụ án đang được các cơ quan chức năng sở tại thụ lý.