Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 3 nội dung chính.
Thứ nhất, về hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể (di tích; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia), di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng.
Thứ hai, về nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương.
Thứ ba, về tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Liên quan đến quy định cấm mua bán bảo vật quốc gia, dự thảo luật nghiêm cấm mua bán, sưu tầm di vật, cổ vật có nguồn gốc không hợp pháp. Đồng thời, cấm mua bán, trao đổi và vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu nhằm tránh mất mát di sản văn hóa ra nước ngoài.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, việc sửa đổi luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Về quản lý bảo vật quốc gia, dự thảo Luật quy định "Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được chuyển nhượng thông qua mua bán, trao đổi, tặng cho, thừa kế trong nước và không được kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư", Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ, đặc biệt làm rõ nội hàm "chuyển nhượng", "mua bán", "kinh doanh" để tránh có nhiều cách hiểu khác nhau.
Ông Nguyễn Đắc Vinh thông tin, có ý kiến cho rằng, quy định không được kinh doanh đối với bảo vật quốc gia là giới hạn quyền sở hữu tài sản của công dân theo Bộ luật Dân sự (quyền sở hữu bao gồm: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt).
Đồng thời, theo đại diện cơ quan thẩm tra, quy định này cũng chưa bảo đảm tính thống nhất trong nội dung dự thảo luật (Điểm c Khoản 1 Điều 40 giới hạn quyền sở hữu đối với tài sản nhưng Khoản 3 Điều 41 lại quy định việc chuyển nhượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự).
Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định để bảo đảm thống nhất với Bộ luật Dân sự.
Cơ bản tán thành các nội dung thẩm tra và các ý kiến tại phiên họp, góp ý về chính sách nhà nước về di sản văn hóa tại Điều 7 dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng di sản văn hóa cần được coi là nguồn lực cho phát triển cần được bảo tồn và phát huy, mối quan hệ bảo tồn và phát huy cần được rà soát trong tổng thể văn bản luật, với tinh thần kiến tạo phát triển.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét bổ sung chủ trương, chiến lược về công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa, chuyển đổi số văn hóa, số hóa di sản văn hóa, hợp tác công tư, kinh tế văn hóa…
Đồng thời, cần nghiên cứu bổ sung một số chủ trương, chính sách đặc thù bảo tồn phát huy di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, di sản văn hóa quý hiếm có nguy cơ thất truyền…