Từ tháng 9/2023 đến nay, các đối tượng không có khả năng chi trả cho các nhà đầu tư như đã cam kết, chiếm đoạt số tiền trên 1.000 tỷ đồng.
Bắt khẩn cấp Giám đốc Tập đoàn Tâm Lộc Phát
Ngày 19/4, báo CAND dẫn nguồn Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội cho biết cơ quan này đã ra Quyết định tạm giữ, Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Khuyên và Văn Đình Toàn (cùng sinh năm 1982, quê ở TP. Sầm Sơn, Thanh Hóa, nơi ở tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, Phòng Cảnh sát Kinh tế cùng với Công an quận Hà Đông phát hiện Công ty Cổ phần Tập đoàn Tâm Lộc Phát có dấu hiệu huy động vốn theo hình thức đa cấp, lừa đảo nhà đầu tư, chiếm đoạt tài sản.
Theo chỉ đạo của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng – Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, Phòng Cảnh sát Kinh tế xác định, từ tháng 6/2019, Nguyễn Thị Khuyên, Văn Đình Toàn và Bùi Thị Minh Nguyệt (sinh năm 1968, ở phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã thành lập Công ty TNHH Truyền thông Tâm Lộc Phát.
Công ty do Khuyên làm người đại diện pháp luật, có vốn điều lệ 30 tỷ đồng nhưng thực tế không góp vốn. Đến ngày 8/6/2021, các đối tượng tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ nhưng không góp vốn. Đầu tháng 12, nhóm này đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Tâm Lộc Phát.
Dùng mọi thủ đoạn “lùa gà” nhà đầu tư
Khi công ty bắt đầu hoạt động, Nguyễn Thị Khuyên lôi kéo một số người thân quen về làm và bàn bạc với các “cổ đông” thống nhất sử dụng pháp nhân Công ty Tâm Lộc Phát để huy động tiền từ nhà đầu tư.
Để làm cho các nhà đầu tư tin tưởng, các đối tượng dùng mọi thủ đoạn tạo dựng niềm tin nơi người đầu tư, thống nhất phát triển mạng lưới môi giới. Các đối tượng trả phí môi giới cao cho những người giới thiệu được khách hàng cho công ty.
Với nhà đầu tư, các đối tượng đưa ra lãi suất cao hơn rất nhiều lần lãi suất ngân hàng để làm “mồi nhử”. Khi lừa được các nhà đầu tư ham lãi suất cao ký hợp đồng hợp tác góp vốn, nộp tiền, số tiền này sẽ dùng để trả lãi suất cho những nhà đầu tư sau và cho chính họ.
Để quản lý, các đối tượng lập hàng chục văn phòng môi giới ở cả miền Bắc và miền Nam. Trong đó, có khoảng 50 văn phòng ở miền Bắc, mỗi văn phòng gồm 5 người có nhiệm vụ môi giới, lôi kéo nhà đầu tư nộp tiền. Với mỗi hợp đồng ký kết được, người môi giới sẽ được trả 15% giá trị hợp đồng.
Văn phòng nào giới thiệu và mở được thêm văn phòng khác thì sẽ được hưởng thêm 2% từ các hợp đồng do văn phòng mới mở thành lập. Với những văn phòng thứ cấp đứng sau, văn phòng cấp 1 sẽ chia từ 10% -15% giá trị hợp đồng.
Còn với những văn phòng đặt ở miền Nam, mỗi văn phòng sẽ được hưởng lợi 25% giá trị hợp đồng của những khách hàng do văn phòng tìm kiếm được.
Trong quá trình hoạt động, Khuyên là người điều hành chung. Toàn phụ trách phát triển khách hàng để “lùa gà”. Nguyệt tìm mua một số mặt hàng nhằm đánh bóng hoạt động của công ty, tỏ ra rằng công tuy đang kinh doanh rất nhiều mặt hàng để thu hút, trực tiếp nhận tiền từ nhà đầu tư.
Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội xác định, các mô hình kinh doanh của Tâm Lộc Phát thực tế được vẽ ra nhằm đánh bóng hình ảnh, “phông bạt” để các nhà đầu tư tin tưởng, ham lãi suất cao đưa tiền vào đầu tư lấy lãi.
Số tiền các đối tượng thu được hầu như không được đưa vào hoạt động kinh doanh mà thay vào đó là sử dụng để trả lãi cho những nhà đầu tư sau. Ngoài ra, phần lớn trong đó được dùng để sử dụng vào mục đích cá nhân.
Từ năm 2019 đến nay, các đối tượng đã huy động được khoảng hơn 5.100 tỷ đồng của các nhà đầu tư. Từ tháng 9/2023 đến nay, các đối tượng không có khả năng chi trả cho các nhà đầu tư như đã cam kết, chiếm đoạt số tiền trên 1.000 tỷ đồng.
Vụ việc hiện vẫn đang được Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội tiếp tục điều tra mở rộng.