Trước đó ông Duda trong một cuộc phỏng vấn với báo Fakt nói rằng chính quyền Ba Lan sẵn sàng triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ của họ. Thủ tướng Tusk để đáp lại điều này nói rằng ông muốn gặp Tổng thống Duda để tìm hiểu xem điều gì đã thúc đẩy ông ta đưa ra những tuyên bố như vậy.
“Tất nhiên tôi sẽ gặp ngài Thủ tướng, bởi vì đối với tôi hợp tác là việc rõ ràng và hiển nhiên. Chúng tôi hợp tác về các vấn đề chính sách đối ngoại và mọi vấn đề khác khi cần thiết”, - ông Duda nói.
Ông lưu ý rằng chủ đề về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Ba Lan như một phần của chương trình Nuclear sharing (Chia sẻ hạt nhân) không phải là mới.
“Chúng tôi đã thảo luận về chủ đề này nhiều lần, tôi cũng đã nói chuyện về chủ đề này nhiều lần với cả các đại diện nước đồng minh lớn nhất của chúng tôi - các Tổng thống Hoa Kỳ. Nuclear sharing, như một ý tưởng nhất định và một cách thức nhất định để tạo ra một khu vực an ninh, đang được Hoa Kỳ thực hiện trong khuôn khổ Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Trong khuôn khổ chương trình Nuclear sharing vũ khí hạt nhân được bố trí ở các nước NATO tại châu Âu, ít nhất là ở một số nước”, - Tổng thống Ba Lan cho biết.
“Chúng tôi sẵn sàng đàm phán với các đồng minh. Nếu các đồng minh có lý do chính đáng như vậy và cũng cần đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ đất nước chúng tôi theo nguyên tắc Nuclear sharing, thì chúng tôi sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán như vậy, tham gia cuộc thảo luận như vậy, vì chúng tôi không có gì phải nghi ngờ rằng sự hiện diện của vũ khí hạt nhân ... giúp tăng cường đáng kể an ninh đất nước", - ông nói thêm.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov khi bình luận về tuyên bố của Ba Lan sẵn sàng bố trí vũ khí hạt nhân tại nước mình, lưu ý rằng khi các kế hoạch được triển khai sẽ thực hiện các bước đi để đảm bảo an ninh của Nga.