Sân bay Gia Bình được quy hoạch tại xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh trên diện tích 125 ha. Đây là sân bay chuyên dùng trên mặt đất trong hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc.
Bộ Công an sẽ xây sân bay Gia Bình ở Bắc Ninh
Theo báo PLO, Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định tổ chức hoạt động bay của Không quân Công an nhân dân.
Bộ Công an cho biết, Luật Cảnh sát cơ động quy định Cảnh sát cơ động được trang bị tàu bay để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Ngày 31/3/2021, Chính phủ đã có Quyết định 31 phê duyệt Đề án hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát cơ động đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030.
Quyết định 31 xác định nhiệm vụ đầu tư các loại phương tiện đảm bảo tính sẵn sàng chiến đấu cao, cơ động được trên mọi địa hình, thời tiết, khí hậu đủ khả năng trấn áp, ngăn chặn kịp thời các vụ gây rối, tụ tập đông người bất hợp pháp, bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang, khủng bố, đặc biệt là phương tiện đặc chủng như máy bay trực thăng chuyên dùng...
Quyết định 31 cũng xác định cụ thể lộ trình, giải pháp, kinh phí để triển khai các dự án đầu tư cho Cảnh sát cơ động, trong đó có dự án quản lý, sử dụng máy bay trực thăng của lực lượng Công an nhân dân.
“Hiện nay, Bộ Công an đang triển khai xây dựng dự án sân bay Gia Bình tại tỉnh Bắc Ninh để phục vụ hoạt động của đơn vị Không quân Công an nhân dân”, - báo PLO dẫn nguồn Bộ Công an.
Sân bay Gia Bình phục vụ Trung đoàn không quân Công an nhân dân
Theo báo Công Thương, tháng 1/2023, Bộ Quốc phòng đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch vị trí sân bay trực thăng Trung đoàn Không quân Công an nhân dân thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an.
Theo đó, sân bay có tên là Gia Bình, được quy hoạch tại xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh trên diện tích 125 ha. Đây là sân bay chuyên dùng trên mặt đất trong hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc.
Sân bay Gia Bình là sân bay trực thăng cấp 3, sân bay quân sự cấp 3, sân bay dân dụng tương đương cấp 3C theo tiêu chuẩn của ICAO. Sân bay chủ yếu phục vụ lực lượng Trung đoàn Không quân Công an nhân dân thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trên các loại trực thăng được trang bị; dự bị cho hoạt động bay quân sự và một số hoạt động hàng không dân dụng khác.
Sân bay cũng là sân bay dự bị cho hoạt động bay của Quân chủng phòng không - không quân và các hoạt động bay khác trong khu vực phù hợp với điều kiện bảo đảm cho máy bay hạ, cất cánh.
Khi được cấp có thẩm quyền cho phép, sân bay Gia Bình có thể tham gia thực hiện các chuyến bay phục vụ các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng, logistics, du lịch; tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu y tế, nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể thao, đào tạo, huấn luyện; bay hiệu chuẩn, đo đạc, chụp ảnh, quay phim, bay phục vụ nhu cầu của các tổ chức, cá nhân và các hoạt động bay dân dụng khác không nhằm mục đích vận chuyển công cộng.
Trong điều kiện cho phép, sân bay Gia Bình có thể làm dự bị cho các sân bay trong khu vực trong tình huống khẩn cấp, với quy mô có thể tiếp nhận các loại máy bay như ATR 72 và tương đương.
Cơ sở pháp lý cho không quân Công an nhân dân
Ngày 1/3/2021, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Quyết định 1255 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy Trung đoàn Không quân Công an nhân dân thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.
Theo đó, Trung đoàn Không quân Công an nhân dân là một đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, có nhiệm vụ tổ chức hoạt động bay phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo, vận chuyển, tuần tra, giám sát, trinh sát, tác chiến, cơ động chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ bay phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Công an theo quy định.
Đồng thời, Trung đoàn Không quân Công an nhân dân cũng tham gia các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống khắc phục thảm họa, thiên tai; tổ chức thường trực sẵn sàng chiến đấu.
Tuy nhiên, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) hiện vẫn chưa quy định điều chỉnh về hoạt động của tàu bay công vụ, trong đó có tàu bay chuyên dùng của lực lượng Công an nhân dân.
Chính vì vậy, việc xây dựng thông tư là cần thiết để đảm bảo cơ sở pháp lý cho Không quân Công an nhân dân hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Theo nội dung dự thảo, tàu bay của Không quân Công an nhân dân là tàu bay chuyên dùng được Bộ Công an trang cấp cho các đơn vị trong lực lượng Công an nhân dân để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và các nhiệm vụ khác theo quy định.
Các đơn vị trong Công an nhân dân được trang cấp tàu bay chịu trách nhiệm quản lý tàu bay theo đúng quy định, bảo đảm công tác thường trực, sẵn sàng ra quân thực hiện nhiệm vụ được giao.
Dự thảo cũng quy định về việc giải thích từ ngữ, trong đó có các từ ngữ chuyên ngành để thống nhất về cách hiểu như an toàn bay, ban bay, bảo đảm bay, bảo đảm an toàn bay, chỉ lệnh đủ điều kiện bay, chuẩn bị bay…
Dự thảo quy định về thẩm quyền quản lý, dấu hiệu nhận biết của tàu bay, tiêu chuẩn đủ điều kiện bay và khai thác tàu bay của Không quân Công an nhân dân. Đồng thời, quy định các hình thức bảo đảm bay, bao gồm khí tượng; thông tin, giám sát, ánh sáng; dẫn đường; kỹ thuật hàng không; hậu cần kỹ thuật sân bay; tìm kiếm cứu nạn, khẩn nguy.
Dự thảo nêu ra các quy định về tổ chức bảo đảm an toàn bay như các yếu tố ảnh hưởng đến an toàn bay, cấp độ gây mất an toàn bay, lập kế hoạch bảo đảm an toàn bay, bảo vệ hiện trường, tổ chức điều tra nguyên nhân sự cố, tai nạn tàu bay, trách nhiệm, quyền hạn và thời gian điều tra, nguyên nhân và xử lý hậu quả sau sự cố, tai nạn tàu bay.
Đặc biệt, dự thảo quy định về trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong việc phối hợp đảm bảo các điều kiện cho hoạt động bay của Không quân Công an nhân dân.