Những sai phạm của ông Vương Đình Huệ còn đang trong quá trình điều tra

Tương tự như trường hợp của ông Võ Văn Thưởng, những sai phạm của ông Vương Đình Huệ đã vi phạm vào Điều 11 của Quy định số 37-QĐ/TW về những điều Đảng viên không được làm.
Sputnik
Theo thông tin chính thức từ Văn phòng trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thì tại phiên họp Ban Chấp hành Trung ương chiều 26/4/2024, tập thể Ban Chấp hành Trung ương đã đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026.
Sputnik đã có cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam, về vụ việc trên.

Ông Huệ đã vi phạm vào Điều 11 của Quy định số 37-QĐ/TW về những điều Đảng viên không được làm

Sputnik: Thưa ông Nguyễn Hồng Long, có thể nói ông Vương Đình Huệ bị cách chức không? Và việc này liên quan tới những sai phạm gì, và sao bây giờ mới phát hiện được?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam:
Trước đó, ông Vương Đình Huệ đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác. Như vậy, ông Vương Đình Huệ không bị cách chức mà là xin từ chức và được Ban Chấp hành Trung ương đồng ý. Việc ông Vương Đình Huệ có đơn xin thôi các chức vụ là phù hợp với quy định tại khoản 8, điều 2 của Quy định 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Đảng Cộng sản Việt Nam về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Khoản 8, điều 2 của quy định trên như sau:
“Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”.
Tương tự như trường hợp của ông Võ Văn Thưởng, những sai phạm của ông Vương Đình Huệ đã vi phạm vào Điều 11 của Quy định số 37-QĐ/TW về những điều Đảng viên không được làm. Tại Điều 11 của Quy định này đã ghi rõ:
“Vi phạm đạo đức công vụ, bao che, báo cáo sai sự thật khi thực hiện nhiệm vụ; thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân do mình trực tiếp quản lý xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các vi phạm khác… Can thiệp, tác động hoặc để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng) và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi”.
Nguyên nhân ông Vương Đình Huệ thôi chức, ai sẽ là Chủ tịch Quốc hội mới?

Một số vụ việc liên quan còn đang trong quá trình điều tra

Sputnik: Trước đó, ngày 21/4, ông Phạm Thái Hà - Trợ lý của ông Vương Đình Huệ đã bị bắt… Ông Vương Đình Huệ là thủ trưởng trực tiếp của ông Phạm Thái Hà, phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu, những còn có sai phạm gì nữa không?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam:
Vụ việc được phát giác khi ngày 21/4/2024, Cơ quan an ninh điều tra đã thi hành lệnh bắt ông Phạm Thái Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Theo thông báo của người phát ngôn Bộ Công an, ông Hà bị bắt vì 4 hành vi vi phạm pháp luật gồm:
- Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng;
- Đưa hối lộ;
- Nhận hối lộ;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Như vậy, theo Quy định 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, ông Vương Đình Huệ phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu, là thủ trưởng trực tiếp của ông Phạm Thái Hà, đã để cấp dưới lợi dụng ảnh hưởng của mình để thực hiện các hành vi trái pháp luật. Ngoài ra, có thể còn có một số vụ việc liên quan khác nhưng cơ quan chức năng chưa công bố do còn đang trong quá trình điều tra.
Cũng như trường hợp của ông Võ Võ Văn Thưởng, chức vụ Chủ tịch Quốc hội của ông Vương Đình Huệ sẽ được Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026) xem xét để miễn nhiệm trong kỳ họp gần nhất theo đúng quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và trình tự, thủ tục được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Có thể thấy sức mạnh lãnh đạo tập thể và kỷ luật nghiêm của ĐCS Việt Nam

Sputnik: Theo ông, vụ việc này ảnh hưởng như thế nào đến hình ảnh của Việt Nam, đến uy tín của lãnh đạo Đảng và nhà nước?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam:
Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương tại phiên họp về công tác cán bộ chiều 26/4/2024 đã nêu rõ:

“Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, Đồng chí đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân đồng chí”.

Việt Nam họp bất thường cho ông Vương Đình Huệ nghỉ: Ông Lê Viết Chữ bị khai trừ Đảng
Nói chung thì mọi trường hợp sai phạm của các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước Việt Nam đều gây ra những ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và Nhà nước Việt Nam như kết luận của Ban Chấp hành Trung ương đã nêu. Tuy nhiên, đối với hình ảnh của Việt Nam thì lại là một việc khác.
Những vụ việc sai phạm của cán bộ cao cấp bị xem xét và xử lý cho thấy sức mạnh lãnh đạo tập thể và kỷ luật nghiêm của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Ban Chấp hành trung ương, cơ quan đại biểu toàn quốc cao nhất của Đảng trong công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Và điều này sẽ càng nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong con mắt những người có đủ suy nghĩ khách quan, tỉnh táo, đánh giá một cách công bằng những tiến bộ trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.

Nhiều khả năng ông Trần Thanh Mẫn sẽ tạm thời thay ông Vương Đình Huệ

Sputnik: Ai sẽ thay thế ông Vương Đình Huệ và khi nào chúng ta có thể biết được thông tin này?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam:
Áp dụng Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi khuyết Chủ tịch nước, bà Võ Thị Ánh Xuân giữ Quyền chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội Việt Nam bầu ra Chủ tịch nước mới. Cũng như vậy, theo Hiến pháp Việt Nam và Luật Tổ chức Quốc hội Việt Nam, khi khuyết Chủ tịch Quốc hội thì một trong các Phó chủ tịch Quốc hội sẽ chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động của Quốc hội. Trong trường hợp này, nhiều khả năng ông Trần Thanh Mẫn sẽ được giao nhiệm vụ điều hành hoạt động của Quốc hội cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch mới.
Sputnik: Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
Thảo luận