Từ một giảng viên ngành ngân hàng, ông Trần Mộng Hùng đã chuyển hướng sang kinh doanh, cùng với 2 cổ động khác sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Cuộc đời và sự nghiệp của ông Trần Mộng Hùng gắn liền với ngành ngân hàng.
Nhà sáng lập ACB Trần Mộng Hùng qua đời
Ngày 1/5, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB Trần Hùng Huy đã thông báo tin buồn về việc cha ông là ông Trần Mộng Hùng, nhà sáng lập Ngân hàng ACB, qua đời vào ngày 25/4, hưởng thọ 72 tuổi.
Trên trang Facebook của ACB cũng đã đăng lời chia buồn. Đơn vị này khẳng định, với tâm huyết và tài năng của mình, ông Trần Mộng Hùng đã dẫn dắt ngân hàng vượt qua những giai đoạn khó khăn, bằng sự lãnh đạo kết hợp hài hòa 3 quan điểm rõ nét về phong cách quản trị, văn hóa doanh nghiệp và phát triển con người.
Ông Trần Mộng Hùng cũng đã cống hiến hết tài năng, sức lực, trí tuệ và hoàn thành trọn vẹn trách nhiệm của một Người ACB, vì một ACB phát triển vững mạnh, lâu dài.
“Tập thể lãnh đạo, nhân viên ACB kính cẩn nghiêng mình thể hiện lòng biết ơn Ông và sẽ tiếp tục gìn giữ, phát triển những di sản mà Ông và các thế hệ trước để lại. Ban Lãnh Đạo và toàn thể nhân viên ACB thành kính gửi lời chia buồn sâu sắc đến Bà Đặng Thu Thủy (vợ) và Ông Trần Hùng Huy (con trai) cùng gia đình”, - thông báo nêu rõ.
Từ giảng viên chuyển sang thành lập ngân hàng
Ông Trần Mộng Hùng sinh năm 1953 ở Tiền Giang. Ông tốt nghiệp cử nhân ngành ngân hàng tại Trường đại học Kinh tế TP.HCM. Ông Hùng từng là giảng viên trường cao cấp nghiệp vụ ngân hàng (1978-1980).
Ông Hùng sau đó rẽ sang con đường kinh doanh, đảm nhận vị trí phó tổng giám đốc Công ty Hóa nhựa tại TP.HCM. Năm 1988, ông sang làm trưởng phòng kinh doanh Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn.
Năm 1993, ông Hùng cùng với 2 cổ đông khác là các ông Phạm Trung Cang và Trịnh Kim Quang sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), với số vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng.
Năm 1994, ACB tăng vốn điều lệ thêm 50 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu từ các cổ đông hiện hữu. Đến năm 1998, ACB tiếp tục tăng vốn lên 341 tỷ đồng. Năm 2005, Standard Chartered Bank chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng ACB.
Hiện vốn điều lệ của ACB đã đạt 38.840 tỷ đồng. Tại đại hội cổ đông thường niên ACB năm 2024 mới được tổ chức, cổ đông đã thông qua kế hoạch tăng vốn lên hơn 44.666 tỷ đồng.
Ông Trần Mộng Hùng là tổng giám đốc đầu tiên, cũng là người giữ ghế Chủ tịch HĐQT ACB giai đoạn 1994 - 2008. Ông được nhìn nhận là người giỏi về việc quản trị nhân sự, có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của ACB.
Đến năm 2008, sau 15 năm giữ ghế Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, ông Hùng lui về vị trí cố vấn quản trị (Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB).
Quay trở lại “cứu” ngân hàng
Năm 2012, ACB rơi vào giai đoạn khủng hoảng và khó khăn khi ông Nguyễn Đức Kiên (còn gọi là bầu Kiên) và một số lãnh đạo ngân hàng này bị bắt. Sau biến cố, con trai ông Hùng là Trần Hùng Huy được bầu làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB khi chỉ mới 34 tuổi.
Đến nay, ông Trần Hùng Huy đã tiếp quản ngân hàng với vai trò Chủ tịch HĐQT 12 năm liên tiếp.
Cuối năm 2012, ông Trần Mộng Hùng chính thức quay lại tham gia HĐQT Ngân hàng ACB, do các cổ đông lớn yêu cầu ông trực tiếp tham gia quản trị, hỗ trợ ngân hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Đến năm 2018, ông Trần Mộng Hùng một lần nữa rút khỏi HĐQT Ngân hàng ACB khi tình hình tại ACB đã ổn định và trở lại với quỹ đạo tăng trưởng.
Theo báo cáo quản trị năm 2023 của ACB, ông Trần Mộng Hùng tuy không còn là Thành viên HĐQT, cũng không nắm cổ phần nào tại ngân hàng nhưng ông vẫn giữ vai trò Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý rủi ro của ngân hàng.
Trong khi đó, vợ ông Hùng là bà Đặng Thu Thủy cũng là thành viên HĐQT ngân hàng này từ năm 2011 đến nay. Gia đình ông Hùng có 3 người con là bà Trần Đặng Thu Thảo, ông Trần Hùng Huy và ông Trần Minh Hoàng.
Về sở hữu cổ phần, bà Đặng Thu Thủy đang nắm 46,39 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng tỷ lệ 1,19% cổ phần. Ông Trần Hùng Huy sở hữu 133,1 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng 3,43% cổ phần ngân hàng này.