Theo thông báo của Tổng Thư ký Quốc hội, hôm 26/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1046, đồng ý đề nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái, đại biểu Quốc hội khóa XV theo quy định của pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng thời tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Dương Văn Thái, đại biểu Quốc hội khóa XV, kể từ ngày có quyết định khởi tố bị can".
Ông Dương Văn Thái 54 tuổi, Tiến sĩ Kinh tế, quê ở xã Lam Cốt, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang khóa 15.
Ông từng giữ các chức vụ: Chi cục trưởng Chi cục Thuế thị xã Bắc Giang, Phó chủ tịch UBND thành phố Bắc Giang, Phó chủ tịch rồi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang. Từ tháng 10/2020, ông làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang.
Trước đó, ngày 15/4, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An, cùng 5 người khác (gồm 2 lãnh đạo của Thuận An và 3 cán bộ tỉnh Bắc Giang) về các tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa, nhận hối lộ.
Tại Bắc Giang, các ông Nguyễn Văn Thạo, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang; Đàm Văn Cường, Phó giám đốc và ông Hoàng Thế Du, Trưởng phòng Ban Quản lý dự án tỉnh Bắc Giang, cùng bị bắt về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Tới ngày 22/4, khi mở rộng điều tra vụ án tại Tập đoàn Thuận An, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Thái Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Sau khi khởi tố vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, Bộ Công an đã yêu cầu nhiều địa phương như Đắk Lắk, Phú Yên... cung cấp hồ sơ liên quan đến các gói thầu của Thuận An.