Vì sao muốn bắt Bí thư Bắc Giang phải được Quốc hội cho phép?

Vụ khởi tố, tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái gây chú ý sau khi trợ lý của ông Vương Đình Huệ cũng bị bắt liên quan vụ án tập đoàn Thuận An.
Sputnik
Trước khi có thông cáo của Thường vụ Quốc hội đồng ý cho khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái, Bí thư Bắc Giang được xác định đã vắng mặt nhiều ngày và không tham gia nhiều sự kiện quan trọng ở địa phương.

Ông Dương Văn Thái vắng mặt nhiều ngày trước khi bị bắt

Như Sputnik đưa tin sáng nay, theo thông cáo từ Văn phòng Quốc hội phát đi tối qua 1/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý về việc khởi tố, bắt giam ông Dương Văn Thái, đại biểu Quốc hội khóa XV theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Thông cáo được Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu cũng cho biết, quyết định đồng ý được đưa ra từ ngày 26/4.
Bắt Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang
“Ngày 26/4/2024, căn cứ quy định của pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1046/NQ-UBTVQH15 đồng ý đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái, đại biểu Quốc hội khóa XV theo quy định của pháp luật”, thông báo của Văn phòng Quốc hội khẳng định.
Đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa nêu rõ cụ thể thời gian ban hành và thực hiện các quyết định tố tụng đối với ông Thái. Tuy nhiên, tin phát đi chính thức từ Văn phòng Quốc hội cũng đã nêu Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái bị tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu quốc hội kể từ ngày có quyết định khởi tố bị can.
Theo thông tin được báo Pháp luật TPHCM phản ánh thì ông Dương Văn Thái đã vắng mặt nhiều ngày và không tham gia nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh dù đang đương chức Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang.
Dữ liệu chính thức từ tỉnh Bắc Giang cũng thể hiện rằng, đã từ ngày 7/4 đến nay, lãnh đạo cao nhất của tỉnh tham dự các hoạt động quan trọng ở địa phương là bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang.
Một số hoạt động mà ông Thái được cho là vắng mặt như khi Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương về làm việc; Bí thư Thành ủy Nam Ninh cùng đoàn cán bộ Trung Quốc đến thăm, trao đổi kinh nghiệm lãnh đạo; lễ thông xe kỹ thuật đường kết nối cầu vượt sông Cầu đến nút giao Bắc Phú của tuyến quốc lộ 3 có sự tham dự của Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
Bắc Giang: 3 người trong cùng một nhà tử vong nghi ngộ độc khí than
Bản tin trên Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Bắc Giang về “Hoạt động nổi bật của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang trong tuần”, từ ngày 7 đến 13/4 không thấy sự xuất hiện của Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái.
Trong khi đó, thông tin đề cập đến kế hoạch công tác của lãnh đạo tỉnh cho thấy, tuần từ 29/4- 4/5, Chủ tịch Bắc Giang Lê Ánh Dương cũng chỉ có “nghỉ lễ” và “đi công tác”.

Vì sao muốn bắt Bí thư Bắc Giang phải được Quốc hội cho phép?

Hiến pháp Việt Nam quy định không được bắt, giam giữ, khởi tố Đại biểu Quốc hội mà không có sự đồng ý của Quốc hội hay trong thời gian Quốc hội không họp hoặc không có sự đồng ý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Do đó, việc bắt, khởi tố ông Dương Văn Thái – Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang, đại biểu Quốc hội khóa XV, buộc phải có sự đồng ý của Thường vụ Quốc hội.
Giải thích rõ hơn về việc này, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Quyền - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, với trường hợp của Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái, do ông Thái là đại biểu Quốc hội khóa XV, nên căn cứ các quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp, việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét đối với ông này phải có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cùng với đó, việc đề nghị khởi tố, bắt tạm giam, khám xét với ông Thái thuộc thẩm quyền của viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu Quốc hội của ông Thái từ ngày có quyết định khởi tố bị can.
Đối tác của Apple đầu tư thêm 330 triệu USD mở rộng sản xuất ở Việt Nam

Quyền miễn trừ của Đại biểu Quốc hội là như thế nào?

Theo TS Cao Vũ Minh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, lý giải trên PLO, luật pháp có quy định cho Đại biểu Quốc hội những đặc quyền quan trọng mà một trong số đó là quyền miễn trừ của ĐBQH.
Điều 81 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Không được bắt, giam giữ, khởi tố ĐBQH nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp không có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội; trong trường hợp ĐBQH phạm tội quả tang mà bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”.

Điều 37 Luật Tổ chức Quốc hội cũng quy định: “Việc đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ĐBQH thuộc thẩm quyền của Viện trưởng VKSND Tối cao”.

Đáng chú ý, chuyên gia cũng nhấn mạnh, theo Điều 13 Bộ Luật Tố tụng Hình sự thì người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Do đó, việc khởi tố và bắt tạm giam một người mới chỉ là bước khởi đầu để phục vụ cho quá trình điều tra.
Đối với ĐBQH khi bị khởi tố bị can thì Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH.
ĐBQH được trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu và khôi phục các lợi ích hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với đại biểu đó hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên đại biểu đó không có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự.
Phía sau sự 'đổi ngôi' trên bảng xếp hạng tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Trường hợp ĐBQH bị kết tội bằng bản án, quyết định của tòa án thì đương nhiên mất quyền ĐBQH, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật (Điều 39 Luật Tổ chức Quốc hội).
Khi ĐBQH bị tòa án kết tội bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì sẽ đương nhiên mất quyền ĐBQH. Việc mất quyền ĐBQH là hậu quả pháp lý kéo theo khi một ĐBQH bị kết án bằng một bản án hình sự có hiệu lực pháp luật.
Trả lời về việc khi nào bãi nhiệm ĐBQH, thì theo TS. Cao Vũ Minh, đại biểu Quốc hội một khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm.
Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm ĐBQH thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất 2/3 tổng số ĐBQH biểu quyết tán thành. Việc bãi nhiệm được quy định tại Điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội.
“Không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như suy thoái về tư tưởng, đạo đức, có lối sống xa hoa, không lành mạnh... Nhìn chung, việc bãi nhiệm ĐBQH có thể xuất phát từ rất nhiều lý do nhỏ nằm chung trong nguyên nhân lớn là “không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân”, chuyên gia lý giải.
Thảo luận