Pháo tự hành K9 của Hàn Quốc. Chuyên gia Nga giải thích Việt Nam có thể hưởng lợi gì khi có nó
Một số phương tiện truyền thông dẫn thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết rằng, Việt Nam đang lên kế hoạch mua lô lớn pháo tự hành K9 Thunder cỡ nòng 155mm của Hàn Quốc. Pháo tự hành này hiện là một trong những hệ thống bán chạy nhất trên thị trường thế giới.
SputnikSputnik phân tích thông tin này với sự hỗ trợ của một chuyên gia quân sự Nga.
Theo một số trang tin, trong khuôn khổ “Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam - Hàn Quốc” lần thứ 11 đã diễn ra vào ngày 23/4 tại Hà Nội, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã “để ngỏ ý định nhập khẩu pháo tự hành K-9 của Hàn Quốc”. Ở đây nói về một lô pháo lớn - 108 chiếc. Vào tháng 4 năm 2023, đại diện công ty sản xuất xác nhận với Jane's rằng, phái đoàn quân sự cấp cao của Việt Nam đã đến thăm một cơ sở ở Hàn Quốc để nghe giới thiệu về pháo tự hành K9.
Vấn đề đổi mới binh chủng pháo binh của
Quân đội nhân dân Việt Nam đã chín muồi. Rõ ràng Việt Nam có đạn pháo 155 mm. Nhưng, những khẩu pháo sử dụng đạn dược này là lựu pháo xe kéo M114 của Mỹ mà Quân đội nhân dân Việt Nam thu được sau chiến tranh, loại pháo này được phát triển trong Thế chiến thứ hai đã lỗi thời về mọi mặt.
Hệ thống được nâng cấp sâu rộng
Pháo tự hành 155 mm trên khung gầm bánh xích K9 Thunder do Samsung Techwin và Hanwha Defense phát triển là một trong những hệ thống pháo mới nhất ở cỡ nòng này. Nó được đưa vào sản xuất vào năm 1990 và đến năm 2018 nó đã được nâng cấp sâu rộng.
Xét theo mô tả trong các nguồn tin, phiên bản K9A2 là loại pháo tự hành 155mm / 52 cỡ nòng, có tầm bắn lên đến 50 km, nhưng tùy thuộc vào loại đạn, tầm bắn có thể dao động từ 18 đến 54 km (tầm bắn 54 km khi sử dụng đạn pháo đẩy bằng rocket V-LAP). K9A2 có thể sử dụng đạn pháo 155 mm do Hàn Quốc hoặc Mỹ sản xuất. Vũ khí bổ sung là súng máy 12,7 mm. Pháo tự hành được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực và dẫn đường hiện đại. Hơn nữa, theo nhà phát triển, phiên bản mới nhất - pháo tự hành K9A3 - sẽ có 58 cỡ nòng, tầm bắn đạt 70 km.
Pháo tự hành K9 có tổng trọng lượng 47 tấn. Nó có thể bắn, di chuyển và sẵn sàng khai hỏa trong 30 giây giữa các điểm dừng hoặc 60 giây giữa các lần diễn tập. Sau khi bắn, nó có thể di chuyển đến vị trí mới trong vòng 30 giây, để tăng khả năng sống sót trước đòn phản pháo của đối phương. Lớp giáp thép dày bảo vệ kíp chiến đấu gồm 5 người và các thiết bị khỏi mảnh đạn pháo 155 mm, đạn xuyên giáp 14,5 mm và mìn sát thương. Ngoài ra, pháo tự hành còn có xe tiếp đạn trên khung gầm bánh xích K10 đi cùng.
Vũ khí Hàn Quốc bán chạy nhất
K9 đang tích cực tiến ra thị trường nước ngoài. Năm 2004, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được lô pháo đầu tiên và giấy phép sản xuất pháo tự hành dưới tên T-155 Firtina.
Ấn Độ trở thành nhà nhập khẩu thứ hai. Sau các cuộc thử nghiệm ở sa mạc Thar năm 2012-2014, vào năm 2016, New Delhi đã ký hợp đồng mua tới 100 khẩu pháo, và Bộ Quốc phòng Ấn Độ còn đầu tư mua thêm giấy phép sản xuất và chuyển giao công nghệ chế tạo trong nước với tên gọi là K9 Vajra-T.
Sau đó, Phần Lan vào năm 2017, Na Uy vào năm 2020 và Estonia vào danh sách các quốc gia đã mua pháo tự hành K9.
Cuối năm 2021, Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận cung cấp pháo tự hành K9 cho Australia. Ngày 2 tháng 2 năm 2022 - một thỏa thuận về việc bán 200 khẩu pháo cho Ai Cập với việc sản xuất một số khẩu pháo trong số đó ngay tại chỗ, tại một nhà máy gần Cairo. Vài tháng sau, Ba Lan đặt mua 672 khẩu pháo. Warsaw dự định sản xuất phiên bản K9 trên khung gầm được phát triển trong nước và đang sử dụng khung gầm của Hàn Quốc cho pháo Krab 155mm của mình.
Ý kiến của chuyên gia quân sự
Nhưng K9 có thực sự tốt như vậy không? Sputnik đã yêu cầu chuyên gia quân sự Alexey Leonkov cho biết về những ưu và nhược điểm của hệ thống này. Theo ông, không phải mọi thứ đều đơn giản và rõ ràng như vậy.
“Trước hết phải nói rằng, việc đánh giá hiệu quả của bất kỳ hệ thống vũ khí nào chỉ dựa trên các đặc điểm chiến thuật và kỹ thuật là không đủ, - chuyên gia Alexey Leonkov lưu ý. - Các đặc điểm này cho thấy khả năng của hệ thống vũ khí trong điều kiện lý tưởng. Nhưng, hệ thống này sẽ hoạt động như thế nào trong điều kiện thực chiến? Không phải trong một cuộc chiến tranh cục bộ, mà trong cuộc chiến tổng hợp dữ dội có quy mô lớn với kẻ thù có sức mạnh ngang bằng! Liệu các đặc điểm chiến thuật và kỹ thuật có ấn tượng đến vậy? Liệu hệ thống này có sống sót được khi phải đối mặt với các loại vũ khí hiện đại, trong đó có máy bay không người lái FPV? Do đó, khi mua những thiết bị quân sự chưa bao giờ được sử dụng trong các trận chiến cường độ cao, bạn chỉ nhận được những thiết bị dành cho các cuộc diễn tập và diễu hành. Thiết bị này có thể được sử dụng để huấn luyện binh sĩ, nhưng không ai có thể đoán trước được nó sẽ hoạt động như thế nào trong điều kiện thực chiến”.
Chuyên gia đưa ra ví dụ mới nhất về sự tham gia của các loại pháo tự hành NATO - của Mỹ, Anh, Pháp, Ba Lan - về phía Lực lượng vũ trang Ukraina chống lại quân đội Nga. Chúng hoạt động tốt trên sân tập và trong các cuộc tập trận; các loại pháo này có hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại đảm bảo độ chính xác cao và tầm bắn xa. Nhưng trong điều kiện thực chiến, chúng không mang lại lợi thế về hỏa lực cho quân đội Ukraina. Đúng, các khẩu pháo này khai hỏa và di chuyển, thay đổi vị trí trong một thời gian khá ngắn, nhưng, sau đó chúng bị hư hỏng hoặc bị phá hủy. Các hệ thống pháo binh do Liên Xô sản xuất, mà cả Nga và Ukraina đều có sẵn, và các hệ thống pháo tự hành hiện đại của Nga tỏ ra tốt hơn nhiều.
Chuyên gia Alexey Leonkov lưu ý, ngoài ra hiện nay có rất nhiều vấn đề với đạn pháo 155 mm.
“Thứ hai, hiện nay loại đạn pháo cỡ này là một mặt hàng cực kỳ khan hiếm. Cũng chính Hàn Quốc đã cho Mỹ vay khoảng 600.000 quả đạn pháo 155mm để Washington có thể linh hoạt hơn trong việc cung cấp đạn cho Kiev, nhưng số đạn này nhanh chóng được sử dụng hết ở Ukraina. Còn việc nối lại và tăng cường sản xuất loại đạn này tốn nhiều thời gian và rất tốn kém. Trong 10-15 năm tới, đạn pháo 155mm sẽ không trở nên rẻ hơn: kho vũ khí của NATO, Hoa Kỳ và các đồng minh của họ ở các nơi khác trên thế giới đã cạn kiệt đáng kể. Bây giờ hãy tưởng tượng tình huống sau: bạn đã mua một trăm khẩu pháo tự hành K9 155 mm, chúng cũng cần có đạn. Tất nhiên, một lượng đạn nhất định sẽ được cung cấp cho pháo tự hành, nhưng với số lượng giảm đáng kể và việc giao chúng có thể bị trì hoãn. Nếu Washington một lần nữa yêu cầu Seoul cung cấp đạn pháo 155 mm, thì với tư cách là một đồng minh trung thành, Hàn Quốc có nghĩa vụ cung cấp chúng cho Hoa Kỳ, gây bất lợi cho các khách hàng khác”.
Vậy, nếu Việt Nam mua pháo tự hành của Hàn Quốc, việc sở hữu chúng có thực sự mang lại lợi ích cho nước này? Theo ông Alexey Leonkov, trong trường hợp này cần phải đáp ứng một số điều kiện quan trọng.
“Thực tế cho thấy: nếu bạn không sản xuất đạn dược cho các hệ thống pháo này trên lãnh thổ mình, thì tình trạng thiếu đạn pháo trên thị trường nước ngoài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phòng thủ của bạn. Tôi không biết phía Hàn Quốc sẵn sàng nội địa hóa việc sản xuất đạn pháo của họ tại Việt Nam ở mức độ nào. Tại sao tôi nói “đạn pháo của họ”? Đạn 155 mm có một đặc điểm khó chịu: chúng không phải lúc nào cũng có thể hoán đổi cho nhau trong các hệ thống pháo khác nhau với cỡ nòng này. Ví dụ, chỉ có đạn pháo của Pháp mới phù hợp với pháo tự hành Caesar của Pháp, còn đạn pháo cùng cỡ nòng của Đức thì không. Còn các đạn pháo 152mm “kiểu Liên Xô”, bất kể quốc gia sản xuất chúng, đều phù hợp với bất kỳ hệ thống pháo cỡ nòng này: tự hành hay xe kéo, không thành vấn đề. Hơn nữa, khi Nga xuất khẩu hệ thống pháo 152 mm thì vấn đề sản xuất đạn pháo trực tiếp tại nước nhập khẩu cũng được thảo luận”, - chuyên gia Alexey Leonkov lưu ý trong phần kết luận.