Chuyên gia Nga: Thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam

Đầu tháng 5, Việt Nam và Nga đều tưng bừng kỷ niệm những mốc lịch sử-quân sự trọng đại. Ngày 9 tháng 5 ở Nga là ngày hội Chiến thắng của nhân dân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại chống phát-xít Đức 1941-1945. Đối với Việt Nam, mốc lịch sử đáng nhớ là ngày 7 tháng 5. Chuyện ở đây nói về chiến thắng trong trận Điện Biên Phủ năm 1954.
Sputnik

Chiến tranh ở Việt Nam còn hơn là một cuộc chiến tranh

"Xung đột quân sự là một phần không tách rời trong tiến trình phát triển của nhân loại", - chuyên gia Việt Nam học của Nga, PGS-TS Lịch sử tại Học viện Các nước Á-Phi Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva Maxim Syunnerberg lưu ý.

Trong số các nước phương Đông, chính thực tế Việt Nam là điển hình nổi bật nhất về vai trò quan trọng của chiến tranh trong lịch sử đất nước. Để diễn giải ý này, có thể nói rằng “chiến tranh ở Việt Nam còn hơn cả một cuộc chiến”.
Bộ đội Việt Nam cắm cờ trên cứ điểm của Pháp. Trận Điện Biên Phủ, năm 1954
Chiến tranh giải phóng nhiều thế kỷ đã in dấu ấn đậm nét trong mệnh đề quen thuộc nổi tiếng của người Việt khi nói về những chặng đường của dân tộc là “dựng nước và giữ nước”, cho đến hôm nay vẫn là tiêu chí then chốt để đánh giá hoạt động và công lao của các nhân vật lịch sử”.

Trận thắng lừng lẫy nhất của vũ khí Việt Nam

Chuyên gia Nga Maxim Syunnerberg cho rằng trận Điện Biên Phủ trở thành đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống Pháp 1946-1954 là chiến thắng lừng lẫy nhất của quân dân Việt Nam trước thế lực ngoại bang xâm lược.
Lính Pháp dưới chiến hào trong trận Điện Biên Phủ

“Tất nhiên, trước Điện Biên Phủ, Việt Nam từng giành được những chiến thắng oanh liệt như chiến thắng quân xâm lược Nguyên-Mông vào thế kỷ 13 chẳng hạn. Nhưng chính Điện Biên Phủ - chiến thắng trong cuộc đấu chống lại một cường quốc châu Âu, chống lại một «mẫu quốc» thuộc địa cũ, đã mở ra trước toàn thế giới tầm vóc vinh quang của nghệ thuật quân sự Việt Nam, tài năng lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến công bất hủ của tập thể quân dân Việt Nam kiên cường, những người đã gánh vác chiến thắng trên đôi vai mình theo đúng nghĩa trực tiếp của từ ngữ. Trận Điện Biên Phủ cũng trở thành cột mốc thế kỷ đối với bên thua cuộc. Nỗi cay đắng thất bại đó được biểu đạt một cách thấm thía qua nhận xét của nhà quay phim quân đội, đạo diễn người Pháp Pierre Schenderfer, tác giả bộ phim nổi tiếng “Điện Biên Phủ”: “Điện Biên Phủ là thất bại lớn nhất của chúng ta trên đất hải ngoại. Đây là sự kết thúc của một kỷ nguyên, là lời vĩnh quyết đau lòng với một thời đại, sự từ biệt với ý tưởng về nước Pháp Vĩ đại cùng vai trò và vị trí của nó trên thế giới, từ giã giấc mơ Pháp đầy huyễn hoặc”, - chuyên gia Maxim Syunnerberg lưu ý.

Chiến thắng có ý nghĩa toàn cầu

Chiến thắng Điện Biên Phủ còn có ý nghĩa toàn cầu, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc.
Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ có quy mô "khủng"
“Ở đây một lần nữa nhắc lại đánh giá của Schenderfer là rất đúng chỗ: “Điện Biên Phủ là trận chiến cuối cùng trong đó chiến đấu về bên Pháp là binh lính của một đế quốc thực dân đang hấp hối. Là lần cuối cùng người Ả Rập, người Châu Phi, người từ các đảo ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương sát cánh chiến đấu cùng với người Pháp”. Bởi sau chiến thắng của Việt Nam, nhiều dân tộc thuộc địa đã đứng lên lật đổ chủ nghĩa thực dân, giành lại quyền làm chủ đất nước. Những người lính châu Phi trong đội quân lê-dương của Pháp trở về quê hương, mang theo bài học về chiến tranh nhân dân của Việt Nam, từ đó nhiều người trong số họ đã trở thành thủ lĩnh và chiến sĩ của phong trào giải phóng nhân dân ở nước mình”, - chuyên gia Nga nói.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi ở Geneva

Theo quan điểm của PGS-TS Maxim Syunnerberg, chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo khả năng để Việt Nam khẳng định nền độc lập của mình. Hai tháng rưỡi sau chiến thắng, tối muộn ngày 20 tháng 7 theo giờ Geneva và rạng sáng ngày 21 tháng 7 theo giờ Hà Nội, Hiệp định Geneva đã được ký kết. Lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, trên bình diện pháp luật quốc tế xác nhận các quyền cơ bản của dân tộc Việt Nam là tự do độc lập và chủ quyền.
Điện Biên Phủ

Thế giới đón mốc kỷ niệm chẵn của chiến thắng

Tại Việt Nam, lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức với quy mô thực sự hoành tráng. Nhiều cuộc triển lãm và hội nghị, xuất bản các công trình khoa học, tiến hành các hoạt động lễ hội và liên hoan phim.
“Tất cả những hoạt động này đều hướng tới mục đích phát huy bài học về di sản lịch sử, văn hóa, cách mạng, nuôi dưỡng lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng và tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam”, - chuyên gia Nga đánh giá.
Theo ý kiến của PGS-TS Maxim Syunnerberg, cũng cần lưu ý đến mối quan tâm trên thế giới với mốc kỷ niệm này.
Chiến thắng Điện Biên Phủ: Tinh thần nồng nàn yêu nước giúp quân dân Việt Nam đánh bại Pháp như nào?

"Ngay cả ở các nước cách xa Việt Nam về mặt địa lý như ở Trung Đông, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh cũng đang diễn ra các hội nghị kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ và vô số bài viết được đăng trên báo chí địa phương. Điều này nói lên một thành công khác từ chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam hiện nay trong việc xây dựng và quảng bá hình ảnh tích cực về Việt Nam trên thế giới", - PGS-TS Maxim Syunnerberg nói.

Đương nhiên, mốc lịch sử có ý nghĩa quan trọng như vậy không thể không khơi dậy mối quan tâm đặc biệt ở LB Nga, một trong những quốc gia đầu tiên đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam DCCH và dành hỗ trợ kỹ thuật quân sự cho đất nước anh em ở Đông Nam Á này trong những năm kháng chiến.

Các anh hùng Điện Biên Phủ được tôn vinh ở Nga

Chuyên gia Việt Nam học của Nga cho biết: “Ở nước Nga cả thời Xô-viết lẫn hiện nay đều rất chú trọng đến chuyên ngành nghiên cứu Việt Nam. Nhiều tác phẩm xuất sắc của Việt Nam, trong đó có những bộ chính sử biên niên, văn học, lịch sử và tư liệu quân sự đã được dịch sang tiếng Nga. Lịch sử quân sự Việt Nam được chú ý nghiên cứu và phản ánh trong những ấn phẩm khoa học, bao trùm tất cả các thời kỳ từ cổ đại đến hiện đại. Mối quan tâm đến trận Điện Biên Phủ cũng thể hiện trong bộ phim phát hành năm 1955, nhờ công sức làm việc tận tâm và chuyên nghiệp của nhóm quay phim Liên Xô do ông Roman Karmen đứng đầu. Đến Việt Nam vào tháng 5 năm 1954, các nhà làm phim Xô-viết này đã ghi lại nhiều thước phim tài liệu chân thực và sinh động về những sự kiện khác nhau trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phỏng vấn các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tướng lĩnh Việt Nam, trò chuyện với các anh hùng của trận Điện Biên Phủ, cũng như cảm tưởng của những tù binh người Pháp, cho thấy cảnh tượng độc đáo khi quân Pháp phải rút khỏi Hà Nội vào tháng 10 năm 1954. Bộ phim này cũng như cuốn nhật ký hành trình của Roman Carmen xuất bản tại Matxcơva năm 1957 đã là sự phát hiện-khám phá đích thực về Việt Nam dành cho hàng triệu khán giả và độc giả ở Nga cũng như nhiều nước khác. Nhân đây cần nói thêm, trong cuốn sách của ông, Roman Carmen đã dẫn lời viên tướng De Castries chỉ huy quân đồn trú Điện Biên Phủ của Pháp nói về bộ đội Việt Nam: «Tôi sẽ coi mình là vị tướng hạnh phúc nhất thế giới nếu như có cơ hội chỉ huy những người lính giỏi giang tài trí như vậy".
Vì sao Việt Nam thắng Mỹ trận Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không?
Ở nước Nga hậu Xô-viết, tuyển tập bài báo khoa học “Truyền thống Việt Nam” từng ra mắt thường niên đã được thay thế bằng tạp chí điện tử “Nghiên cứu Việt Nam”, xuất bản bốn số trong năm. Khía cạnh quan trọng nhất trong sự phát triển của ngành Việt Nam học ở Nga là đào tạo các chuyên gia trẻ. Cụ thể, công việc này đang được xúc tiến tích cực tại Học viện Các nước Á-Phi Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva (IAAS MSU).

Lò rèn đào tạo các nhà Việt Nam học của nước Nga

“Ở IAAS, sinh viên không chỉ được dạy tiếng Việt, như ở một số không ít các trường đại học khác của Nga, mà còn được đào tạo theo cả các môn nghiên cứu chuyên sâu Khu vực-Đất nước học khác như lịch sử, văn học, kinh tế, văn hóa. Nhờ vậy, sinh viên có điều kiện phát triển mở rộng sự hiểu biết toàn diện về Việt Nam, nắm bắt được những đặc thù của tâm lý cư dân, bản sắc văn hóa, lịch sử độc đáo của đất nước. Hiển nhiên, một vị trí quan trọng trong việc giảng dạy lịch sử Việt Nam được dành nghiên cứu đúc rút kinh nghiệm từ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của quân dân Việt Nam", - PGS-TS Maxim Syunnerberg cho biết.

Chiến dịch Điện Biên Phủ và nghệ thuật tác chiến pháo binh
Trước ngưỡng kỷ niệm Trận Điện Biên Phủ, theo đề xuất của người đối thoại với Sputnik hôm nay là PGS-TS Maxim Syunnerberg, IAAS MSU đã khởi xướng xây dựng hai chương trình đào tạo mới bổ sung cho chuyên ngành Việt Nam học tại Nga. Dự kiến tổ chức đào tạo theo định dạng online-trực tuyến từ xa trong hình thức thuyết trình tương tác, chủ yếu dành cho sinh viên chuyên ngành Việt Nam học ở các trường Nga hiện chưa có môn chuyên nghiên cứu Khu vực-Đất nước học. Một trong hai chương trình chuyên đề này có tên gọi là «Chiến tranh trong lịch sử Việt Nam».
Bộ Quốc phòng Nga: Từng có hơn 76 000 quân nhân Liên Xô tình nguyện tham gia Chiến tranh Việt Nam

“Những người theo học chương trình này sẽ được giới thiệu cặn kẽ và tìm hiểu sâu sắc về truyền thống và nguyên tắc tiến hành chiến tranh ở Việt Nam, ý nghĩa của những cuộc chiến đối với quá trình phát triển lịch sử của đất nước. Nội dung bài giảng về thế kỷ 20 kèm theo khối tài liệu minh họa rất phong phú, nhiều ảnh, video (phỏng vấn, đoạn phim tài liệu, trích đoạn từ phim truyện chuyên đề liên quan) và bản đồ. Nhờ đó, người học sẽ có dịp hòa mình tối đa vào bầu không khí của Trận Điện Biên Phủ và thẩm thấu nâng cao thêm sự trọng thị với chiến công của nhân dân và Nhà nước Việt Nam", - PGS-TS Maxim Syunnerberg kết luận.

Thảo luận