Ngày 7/5/1954, sau 56 ngày đêm chiến đấu oanh liệt, Quân đội Nhân dân Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã vượt mọi khó khăn thử thách, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ, làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu”, cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc thuộc địa đấu tranh giành độc lập, đặc biệt là các nước châu Phi, châu Mỹ Latin.
Kế hoạch Nava
Đến năm 1953, sau 8 năm trở lại xâm lược Đông Dương, thực dân Pháp vẫn không thể thực hiện mục tiêu là tiêu diệt chính phủ cách mạng và lực lượng kháng chiến, lập lại nền cai trị trên toàn Đông Dương như trước năm 1945, dù đã huy động tiềm lực kinh tế, quân sự ở mức cao. Trái lại, Pháp phải chịu những tổn thất nặng nề, gặp khó khăn về tài chính, đồng thời phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân trong nước ngày càng trỗi dậy.
Trong khi đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nắm được quyền kiểm soát tại nhiều khu vực rộng lớn ở Tây Nguyên, khu 5, các tỉnh Cao-Bắc-Lạng... và các khu vực ở đồng bằng Bắc Bộ.
Trước tình thế này, đế quốc Mỹ tăng cường can thiệp vào Đông Dương, tích cực viện trợ cho Pháp nhằm phục vụ chiến lược toàn cầu phản cách mạng. Kết quả đến năm 1954, 73% chiến phí của Pháp ở Đông Dương do Mỹ chi trả. Năm 1953, Mỹ đã viện trợ hơn 2,7 tỷ USD cả về kinh tế và quân sự. Đến năm 1954, Mỹ lại viện trợ thêm 1,3 tỷ USD nữa. Ngoài ra, cố vấn Mỹ có mặt ở tất cả cấp độ trong quân đội viễn chinh Pháp.
Tháng 5/1953, Pháp bổ nhiệm Tổng Chỉ huy Henri Navarre sang Đông Dương với hy vọng giành chiến thắng quân sự quyết định để làm cơ sở cho một cuộc thảo luận hòa bình trên thế mạnh. Kế hoạch của Pháp tại Đông Dương (còn gọi là Kế hoạch Nava), gồm hai bước: Thu Đông năm 1953 và Xuân năm 1954 (giữ thế phòng ngự ở chiến trường miền Bắc, tiến công chiến lược ở chiến trường phía nam); từ Thu Đông năm 1954 (dồn toàn lực ra Bắc, chuyển sang tiến công chiến lược trên chiến trường chính, tiêu diệt quân chủ lực đối phương giành thắng lợi quyết định).
Để thực hiện kế hoạch quân sự mới, chỉ sau thời gian ngắn, Pháp đã xây dựng được 84 tiểu đoàn cơ động chiến lược, trong đó tập trung 44 tiểu đoàn ở đồng bằng Bắc Bộ.
Về phía Việt Nam, tháng 9/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra chiến lược quân sự Đông Xuân 1953-1954. Mục tiêu là tiến công vào những vùng địch sơ hở, cùng lúc đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp chiến trường sau lưng địch. Phương châm tác chiến là tích cực, chủ động, cơ động và linh hoạt; đánh chắc, thắng chắc.
Thực hiện chiến lược đề ra, quân dân Việt Nam phối hợp chặt chẽ với quân dân hai nước bạn Lào và Campuchia mở các cuộc tiến công trên khắp chiến trường Đông Dương, buộc Pháp phải phân tán lực lượng để chống trả. Quân Pháp lún sâu sâu vào thế bị động ở các chiến trường Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên và Thượng Lào, làm kế hoạch Nava bước đầu phá sản.
56 ngày đêm không ngủ
Đối với đế quốc Mỹ - thực dân Pháp, Điện Biên Phủ là địa bàn chiến lược quan trọng, có vị trí chiến lược cơ động ở giữa miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc, có thể trở thành một căn cứ lục quân và không quân lợi hại trong kế hoạch xâm lược của họ ở Đông Nam Á. Nhận thấy tầm quan trọng của Điện Biên Phủ, ngày 20/11/1953, Pháp cho quân nhảy dù xuống đây và xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.
Đến tháng 3/1954, lực lượng quân địch tại Điện Biên Phủ lên tới 16.200 người, gồm các đơn vị bộ binh, pháo binh, công binh, xe tăng, không quân thuộc loại tinh nhuệ nhất ở Đông Dương, được bố trí thành 49 cứ điểm, chia thành 3 phân khu. Cả Pháp và Mỹ đều đánh giá Điện Biên Phủ là “pháo đài không thể công phá”.
Về phía Việt Nam, sau khi phâm tích kỹ tình hình và so sánh lực lượng địch-ta, Trung ương Đảng và Bộ Chỉ huy tối cao đã phát động chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ - quyết tâm kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao trọng trách Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch.
Ngày 13/3/1954, đợt tiến công thứ nhất vào tập đoàn cứ điểm nổ ra, mở màn cho chiến dịch. Sau 5 ngày chiến đấu, Việt Nam đã tiêu diệt nhanh gọn hai cứ điểm kiên cố bậc nhất của địch: Him Lam và Độc Lập, sau đó, tiêu diệt cứ điểm Bản Kéo. Quân dân Việt Nam diệt và bắt sống 2.000 tên địch, bắn rơi 12 máy bay, mở thông cửa vào trung tâm tập đoàn cứ điểm, uy hiếp sân bay Mường Thanh, giáng đòn nặng nề vào tinh thần binh lính địch. Trong đợt này, Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai để toàn đơn vị tiến lên tiêu diệt địch.
Ngày 30/3/1954, Việt Nam mở đợt tiến công thứ hai đánh đồng loạt các ngọn đồi phía Đông của phân khu trung tâm, tiêu diệt 2.500 quân địch, chiếm lĩnh các điểm cao quan trọng ở phía Đông, chuyển sang tổng công kích tiêu diệt địch.
Ngày 1/5/1954, Việt Nam bước vào đợt tiến công thứ ba, lần lượt đánh chiếm những cứ điểm còn lại ở phía Đông và phía Tây, bẻ gãy những cuộc phản kích của địch.
Ngày 7/5/1954, bộ đội Việt Nam phất cao cờ chiến thắng trên nóc hầm chỉ huy của địch. Quân đội Việt Nam tiến thẳng vào sở chỉ huy địch, bắt sống tướng De Castries và toàn bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm.
Cuối cùng, sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng dũng cảm, mưu trí với vô vàn mất mát, hy sinh, chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Quân dân Việt nam tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, gồm 21 tiểu đoàn, thu được 28 khẩu pháo, 5.915 khẩu súng lớn nhỏ, 3 xe tăng, 64 ô tô, 43 tấn dụng cụ thông tin, 20 tấn thuốc quân y, 40 tấn đồ hộp, 40.000 lít xăng dầu, bắn rơi 62 máy bay các loại. Tại các chiến trường phối hợp trên toàn quốc, Việt Nam tiêu diệt tổng cộng 126.070 tên địch.
Ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm còn nguyên giá trị
Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả của sự tổng hòa nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lòng nồng nàn yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ cùng với ý chí quyết chiến quyết thắng của quân dân Việt Nam đã đập tan âm mưu xâm lược của thực dân Pháp và sự can thiệp của Mỹ, buộc Chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (tháng 7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ 3 nước Đông Dương.
Đây cũng là dấu chấm hết cho cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm (1945 – 1954), đồng thời chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp kéo dài hàng thế kỷ, mở ra con đường mới cho cách mạng Việt Nam.
Chia sẻ với Sputnik về ý nghĩa của chiến thắng “chấn động địa cầu” này, ông Nguyễn Quang Huy, chuyên viên Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, nhận định:
“Chiến thắng vang dội ở Điện Biên Phủ năm 1954 có ý nghĩa vô cùng lớn. Đối với Việt Nam, nó là chiến thắng vĩ đại nhất của quân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tạo ra thế và lực mới của quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế, làm tăng niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, là niềm cổ vũ to lớn toàn quân, toàn dân đồng lòng chiến đấu dưới lá cờ của Đảng vì độc lập, tự do của dân tộc. Đối với thế giới, chiến thắng này đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, tạo “bàn đạp” cho phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, đặt dấu chấm hết cho sự ảnh hưởng quân sự của Pháp tại Đông Dương”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, trong đó nhiều bài học vẫn còn nguyên giá trị tới ngày nay. Ông Nguyễn Quang Huy nói thêm:
“Bài học đó là phải luôn giữ vững và củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; nhanh nhạy, nhạy bén nắm bắt thời cơ trong mọi hoàn cảnh; kế thừa và phát huy nghệ thuật quân sự, thế trận lòng dân vững chắc; không ngừng xây dựng lực lượng vũ trang lớn mạnh; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, lấy liên minh giai cấp công - nông làm nền tảng; tranh thủ tốt nhất sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nhân dân tiến bộ trên thế giới”.