Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã trả lời cử tri về công tác cán bộ, phòng chống tham nhũng tiêu cực, vụ án Phan Sào Nam và việc tiếp tục điều tra đại án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát.
Vì sao cán bộ lựa chọn rất kỹ nhưng vẫn xảy ra tiêu cực?
Sáng nay 6/5, tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 3 TPHCM có buổi tiếp xúc cử tri quận 5, 8, 11 trước thềm kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Tổ đại biểu gồm ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao; ông Lê Thanh Phong, Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) TPHCM; bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy.
Cử tri các quận 5, 8, 11 đã nêu các câu hỏi về công tác phòng chống tham nhũng, thu hồi tài sản sau các đại án như vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm vừa bị TAND TP HCM xử sơ thẩm hay vụ Phan Sào Nam, đặc biệt là công tác cán bộ hiện nay.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri 3 quận đều bày tỏ sự quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác cán bộ và các vụ án lớn vừa xảy ra.
Người dân bày tỏ sự đồng thuận và ủng hộ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà toàn hệ thống chính trị đang quyết liệt thực hiện.
Theo cử tri Nguyễn Thị Sâm (quận 5), công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực đã được làm rất tích cực và mạnh tay thời gian qua. Đây là điều được người dân, dư luận rất quan tâm và ủng hộ.
Theo bà Sâm: “Chúng tôi băn khoăn, nhiều cán bộ được lựa chọn rất kỹ, qua nhiều khâu, nhưng vẫn xảy ra vấn đề tiêu cực. Để chuẩn bị Đại hội Đảng sắp tới, chúng tôi có nguyện vọng các cơ quan sẽ lựa chọn cán bộ chính xác, đầy đủ tiêu chuẩn, không vướng phải những tiêu cực”.
Trả lời ý kiến của cử tri, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cho biết, công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực là một chủ trương, quyết sách, quyết tâm chính trị lớn của Đảng.
“Công tác này đã làm tốt ở Trung ương và vừa rồi cũng đã thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng tiêu cực cấp địa phương. Việc này nhằm đảm bảo tính đồng bộ và để việc phòng chống tham nhũng trở thành một phong trào của xã hội, toàn dân”, - Viện trưởng nói.
Đối với những ý kiến cụ thể về phân công, điều động cán bộ để phòng, chống tham nhũng, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết Tổ đại biểu sẽ có nghiên cứu để làm sao hợp lý và đúng quy định.
Còn về việc công khai, minh bạch, ông nhấn mạnh, đây là một trong những điều kiện để chúng ta phòng, chống tham nhũng tốt.
“Tôi nghĩ việc này chúng ta đã làm và sắp tới sẽ còn làm tốt hơn nữa, phải công khai minh bạch trong nhiều mảng, lĩnh vực đời sống xã hội, đặc biệt là trong quản lý nhà nước”, - báo Pháp luật TPHCM dẫn lời lãnh đạo VKSND tối cao cho hay.
Được biết, để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, tính đến ngày 2-5-2024, Đoàn ĐBQH Thành phố đã tổ chức 13 cuộc hội thảo và gửi công văn đề nghị lấy ý kiến bằng văn bản của các sở, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu, các chuyên gia, luật sư, luật gia đóng góp cho 18 dự án luật.
Báo cáo về các kết quả với cử tri, tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị số 3 cho biết tại kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội đã xem xét miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH khóa XV đối với ông Vương Đình Huệ, thuộc Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét và thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm ĐBQH khóa XV đối với ông Dương Văn Thái thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang.
Tiền có thất thoát, trách nhiệm người đứng đầu TPHCM ra sao?
Cử tri Đặng Văn Rành (quận 11) cho hay, ông theo dõi sát sao việc tòa xử vợ chồng bà Trương Mỹ Lan trong đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Tuy nhiên, đã có nhiều khoản tiền trên có thất thoát ra nước ngoài. Bà Trương Mỹ Lan lại khai số tiền này dùng để trả các khoản vay chứ không đầu tư, mọi tài sản, dự án của bà đều nằm tại Việt Nam.
Cử tri nêu câu hỏi: “Vậy những khoản tiền trên có thất thoát ra nước ngoài không và sẽ được thu hồi ra sao? Vì sao Vạn Thịnh Phát gom nhiều đất vàng tại TPHCM? Với các sai phạm quá lớn, thời gian kéo dài, trách nhiệm của người đứng đầu TPHCM, cơ quan thanh tra, kiểm toán sẽ thế nào?”.
Trả lời cử tri, ông Lê Minh Trí cho biết, liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát và Trương Mỹ Lan, hiện mới chỉ đưa ra xét xử một vụ án liên quan các sai phạm tại ngân hàng.
“Các cơ quan sẽ điều tra ít nhất 2 vụ án liên quan đến việc đầu tư của tập đoàn này tại các địa phương”, - báo Dân Trí dẫn phát biểu của ĐBQH Lê Minh Trí.
Tại sao bản án của Phan Sào Nam chỉ bằng một nửa so với Nguyễn Minh Thành?
Cử tri Mai Thanh Hà (quận 5) nêu băn khoăn về bản án đối với Phan Sào Nam, người cầm đầu đường dây đánh bạc nghìn tỷ, đã được đưa ra xét xử mấy năm trước.
Ông Hà cho rằng Phan Sào Nam đã thu lợi bất chính 1.475 tỷ đồng nhưng chỉ bị xử 5 năm tù về các tội tổ chức đánh bạc và rửa tiền.
“Tại sao bản án của Phan Sào Nam chỉ bằng một phần hai án phạt đối với Nguyễn Minh Thành, người bị TAND TP.HCM tuyên 9 năm tù về tội tổ chức đánh bạc và chỉ thu lợi 1,3 tỷ đồng?”, - cử tri so sánh.
Đáp về vụ án Phan Sào Nam, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng việc xét xử mỗi vụ án phải căn cứ vào thông tin, diễn biến mới biết có hợp lý hay không.
Ông Trí khẳng định, các cơ quan chức năng khi đã điều tra, truy tố, kết luận thì công khai với cả cộng đồng, cả xã hội.
“Khi đó, cả xã hội dõi theo chứ không phải muốn tha là tha, muốn giảm là giảm”, - Viện trưởng khẳng định sẽ có độ chênh lệch, tuỳ theo từng vụ án.
Cụ thể hơn, theo ông Trí, Phan Sào Nam đã khắc phục hậu quả 1.300 tỷ đồng, tương ứng 90,7% hưởng lợi từ tổ chức đánh bạc; đối tượng cũng thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.
“Trong vụ án Phan Sào Nam, chủ mưu là một nhóm, cầm đầu là một nhóm khác, còn Phan Sào Nam nằm trong nhóm chỉ huy triển khai thực hiện các kỹ thuật viên tổ chức đánh bạc trên mạng và hậu quả cũng đã khắc phục”, - ông Lê Minh Trí lý giải.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao mong cử tri theo dõi thêm nội dung tình tiết cụ thể từng của vụ án.