Viện trưởng Lê Minh Trí: Phải xử nghiêm người cầm đầu
© TTXVN - An Văn ĐăngViện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí
© TTXVN - An Văn Đăng
Đăng ký
Theo Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí, khi đưa một vụ án ra xét xử, người dân và hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội thấy cần xử nghiêm là xử nghiêm người cầm đầu, chủ mưu, vụ lợi là đúng, để răn đe, giáo dục, cảnh tỉnh người khác.
Từ đó, để bản án xử nghiêm là thấy đúng rồi, người nhẹ thấy phải, như vậy bản án mới thấy răn đe, cảnh tỉnh và nhân văn, thuyết phục.
Không ai bị truy tố oan
Theo cổng TTĐT Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, chiều ngày 2/01/2024, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì và triển khai công tác năm 2024.
Tham dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh và đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.
Cũng nhân dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho tập thể Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể Phòng Kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Phòng 9).
Theo TTXVN dẫn thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2023, tình hình tội phạm trên địa bàn tăng so với cùng kỳ năm 2022 và tiếp tục diễn biến phức tạp; trong đó án hình sự tăng 1.782 vụ với 3.259 bị can.
Tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, khiếu kiện hành chính tăng so với cùng kỳ, trong đó án dân sự, hôn nhân gia đình tăng 2.193 vụ; án kinh doanh thương mại, lao động, hành chính tăng 1.087 vụ. Năm 2023, VKSND TP.HCM đã truy tố 5.267 vụ/10.020 bị can (truy tố đúng hạn đạt 100%, không có bị can nào Viện kiểm sát truy tố không đúng người, không đúng tội); kiểm sát xét xử sơ thẩm 6.226 vụ/12.387 bị cáo (đạt 100%).
Đặc biệt, “không có trường hợp nào Viện kiểm sát rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố, không có bị can Viện kiểm sát truy tố Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội”. Bên cạnh đó, kiểm sát xét xử phúc thẩm 565 vụ/1.106 bị cáo; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm ngang cấp được Viện kiểm sát cấp phúc thẩm bảo vệ đạt tỷ lệ 86,6% (vượt 1,6% chỉ tiêu); kháng nghị trên cấp được HĐXX chấp nhận đạt tỷ lệ 93,7% (vượt 23,7% chỉ tiêu. Năm 2023 Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố đã xác định mới 669 vụ là án trọng điểm.
VKSND TPHCM còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng Trung ương và thành phố đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố theo dõi, dư luận xã hội quan tâm.
Năm 2024, VKSND TPHCM cũng sẽ bảo đảm tiến độ, chất lượng các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Thành ủy theo dõi, đôn đốc. Đồng thời, kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, đặc biệt quản lý, giải quyết đúng quy định pháp luật các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh do các cơ quan Đảng, Nhà nước, Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Thành ủy, UBND, HĐND Thành phố chuyển thông tin…
Phải xử nghiêm người cầm đầu
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đã chúc mừng VKSND thành phố Hồ Chí Minh đã vinh dự được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì.
“Điều này đã khẳng định được vị thế, vai trò của VKSND thành phố Hồ Chí Minh trong sự phát triển chung của ngành Kiểm sát nhân dân, đồng thời phục vụ có hiệu quả cho nhiệm vụ chính trị của Thành phố và đã được đồng chí Bí thư Thành ủy Thành phố ghi nhận tại Hội nghị”, cổng TTĐT VKSND Tối cao dẫn lời Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết.
Tại buổi lễ, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí lưu ý, công tác đấu tranh, phòng ngừa với tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ cần được tiếp tục chú trọng nhưng cũng phải đảm bảo các quy định pháp luật về quyền con người.
Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh phải đưa nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm lên hàng đầu. Đây là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng. Bên cạnh đó, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành cũng cần phải được lưu ý. Theo đó, Viện Kiểm sát hai cấp phải xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai, thực hiện Chỉ thị của VKSND Tối cao về tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành. Tham mưu kịp thời cho cấp ủy thực hiện nhiệm vụ chính trị, đặc biệt đối với Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực thành phố.
“Không phải cứ truy tố, xét xử mới được coi là hiệu quả”, đồng chí Viện trưởng chỉ rõ, khi đưa một vụ án ra xét xử, người dân và hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội thấy cần xử nghiêm là xử nghiêm người cầm đầu, chủ mưu, vụ lợi là đúng, để răn đe, giáo dục, cảnh tỉnh người khác.
Theo báo Pháp luật TP.HCM dẫn phát biểu của Viện trưởng Lê Minh Trí làm rõ thêm, nếu người ngồi ở vị trí chấp hành, phải làm, không vụ lợi, không chia chác thì cần phân hóa vai trò. Theo luật có thể xử lý hình sự nhưng cũng có thể không xử lý.
“Có những vụ thanh tra, kiểm tra chuyển qua, chưa khởi tố nhưng đã cho khắc phục hậu quả, cần xin ý kiến cấp ủy. Để bản án xử nghiêm là thấy đúng rồi, người nhẹ thấy phải, như vậy bản án mới thấy răn đe, cảnh tỉnh và nhân văn, thuyết phục. Phải dũng cảm tham mưu với cấp ủy, Ban chỉ đạo. Lấy tâm, trách nhiệm, lý lẽ phải chặt để thuyết phục”, Viện trưởng Lê Minh Trí nhắc nhở.
Chỉ đạo tại hội nghị, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu VKSND hai cấp Thành phố quán triệt Quy định số 132 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Công tác Đảng và công tác chuyên môn nghiệp vụ phải luôn được gắn chặt với nhau. Lãnh đạo VKSND Tối cao khẳng định, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, công tác kiểm sát giải quyết án hành chính, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động phải là nhiệm vụ trọng tâm đột phá nhất của ngành Kiểm sát thành phố Hồ Chí Minh.
“Nhiều tranh chấp về kinh tế, đất đai… phức tạp sẽ phát sinh nên công tác kiểm sát những vụ việc, vụ án trong lĩnh vực này cần phải được coi trọng”, ông Trí lưu ý.
Viện trưởng VKSND tối cao cũng yêu cầu, ngành Kiểm sát thành phố Hồ Chí Minh cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện chuyên môn, bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát. Trong đó, cần xác định những mục tiêu, biện pháp, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ; giữ vững kỷ cương, kỷ luật đặc biệt người đứng đầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương và chú trọng thực hiện các giải pháp toàn diện về công tác cán bộ để xây dựng lực lượng đủ về “phẩm chất, năng lực”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá cao những đóng góp của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, nhiều chỉ tiêu nghiệp vụ đạt và vượt, đóng góp vào kết quả chung của Thành phố.
Công tác xây dựng Đảng gắn với xây dựng ngành Kiểm sát được Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố thực hiện tốt. Công tác tham mưu, góp ý, ngày càng tỏ rõ trách nhiệm cao với thành phố. Công tác tổ chức cán bộ và công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng đạo đức, nề nếp, kỷ cương trong công vụ được quan tâm sâu sát…
Viện trưởng VKSND TP.HCM Nguyễn Đức Thái phát biểu tiếp thu toàn bộ các ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng VKSND Tối cao và cho biết đơn vị sẽ cụ thể hóa các biện pháp, giải pháp để triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chỉ tiêu.