Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, trong vụ đông xuân 2023-2024, Tập đoàn Lộc Trời đã nợ tiền mua lúa của hơn 900 nông dân ở các huyện Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành và Tri Tôn, với số tiền hơn 245 tỉ đồng. Trong khi đó, tại Đồng bằng Sông Cửu Long, các sở nông nghiệp cho biết Lộc Trời còn nợ 472 tỷ đồng.
Phía Tập đoàn Lộc Trời cho biết đến ngày 24/4 doanh nghiệp tiếp tục thanh toán thêm một phần tiền nợ mua lúa của nông dân gần 57 tỉ đồng. Số tiền còn lại chưa thanh toán cho nông dân là hơn 204 tỉ đồng. Với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, 472 tỷ là số tiền còn nợ sau khi doanh nghiệp đã thanh toán 2.000 tỷ đồng.
Nêu lý do thanh toán tiền mua lúa cho nông dân không đúng như cam kết, Tập đoàn Lộc Trời cho biết chưa thu xếp kịp dòng tiền từ việc vay vốn của các ngân hàng. Tập đoàn xuất khẩu với số lượng lớn, tuy nhiên tiền thanh toán của khách hàng quốc tế chậm, dẫn đến nguồn tiền thanh toán cho nông dân bị chậm trễ.
Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cam kết tiếp tục khẩn trương làm việc với các ngân hàng, đối tác để ưu tiên giải ngân tiền để chi trả tiền mua lúa cho nông dân. Cam kết chi trả lãi suất 0,8%/tháng (9,6%/năm) cho nông dân từ ngày 27/4 trở về sau và mỗi tuần trả một phần và trả dứt điểm đến ngày 20/5.
Trong trường hợp nông dân, hợp tác xã có nguyện vọng muốn trao đổi trực tiếp, Tập đoàn Lộc Trời sẽ bố trí nhân viên tiếp tại các nhà máy, trụ sở, văn phòng của tập đoàn.
Ngành nông nghiệp cùng các sở, ban ngành tỉnh An Giang đã đề nghị Tập đoàn Lộc Trời khẩn trương thực hiện đúng các cam kết với nông dân, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất. Ưu tiên thanh toán cho nông dân có thời gian nợ lâu, nắm bắt và xử lý kịp thời những trường hợp người dân cần tiền trả nợ ngân hàng, nhu cầu thiết yếu phục vụ gia đình.
UBND tỉnh An Giang trước đó cũng yêu cầu các sở ban ngành giải thích cho các hộ nông dân nắm rõ chính sách, phương án trả nợ của Lộc Trời.